Cảnh giác với đánh giá ảo trên mạng

An Hà 27/12/2021 08:00

Những đánh giá ảo hay là đánh giá giả mạo trên mạng thời gian qua đã gây nhiều hệ lụy. Loại đánh giá này có thể do máy móc tạo ra, hoặc do người tạo ra nhưng không xuất phát từ trải nghiệm thật, mà có chủ đích định hướng người dùng nhằm thu lợi cho một bên nhất định.

Nghiên cứu của Đại học Baltimore (Mỹ) mới công bố cho thấy, có tới 89% người mua hàng trên các trang thương mại điện tử bị ảnh hưởng bởi những đánh giá của những khách hàng trước đó. Đáng chú ý, trong lĩnh vực du lịch, việc tham khảo thông tin và đánh giá trước khi chọn dịch vụ, điểm đến hay cơ sở lưu trú rất phổ biến trên mạng. Nếu như không thông qua các đại lý du lịch thì các đánh giá này là cơ sở duy nhất để du khách cân nhắc lựa chọn của mình.

Thông thường, một chiến dịch đánh giá ảo sẽ bắt đầu bằng việc hàng loạt tài khoản được đăng ký, sau đó là những đánh giá định hướng người dùng mua sản phẩm, đặt phòng khách sạn hoặc kỳ nghỉ trên một trang web nhất định.

Cũng không khó để tạo ra những đánh giá ảo vì trên mạng xã hội có sẵn những hội nhóm này, hoặc chính người mua hàng sẵn sàng bình chọn 5 sao để đổi lấy hoàn tiền, hoa hồng hoặc phiếu giảm giá. Theo Cơ quan Thị trường và Cạnh tranh Mỹ, kể từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu cho đến tháng 12/2021, người tiêu dùng tại nước này đã thiệt hạ 4,1 tỷ USD do bị “thuyết phục” bởi các đánh giá ảo về khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi hay điểm du lịch.

Tại Việt Nam, chưa có thống kê đầy đủ về đánh giá giả mạo và hệ lụy của vấn đề này cho ngành du lịch. Tuy nhiên, nhiều người chưa quên vào năm 2019, khi một Youtuber và khu resort ở Phan Thiết (Bình Thuận) xảy ra những tranh cãi về dịch vụ. Dù chưa rõ đúng sai nhưng rất nhiều “cư dân mạng” không liên quan, không lưu trú đã ồ ạt đánh giá 1 sao cho vị trí của resort này trên Google. Đến thời điểm tháng 12/2021, đánh giá trung bình của resort này vẫn chỉ là 1,7 trên 5, gồm 80% đánh giá 1 sao thì rất khó để có thể phục hồi như trước, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Theo ông Nguyễn Hoàng Dương, Giám đốc Công ty EZCloud, việc bất ngờ bị một loạt người đánh giá 1 sao kể trên có thể gây ra khủng hoảng truyền thông cho bất kỳ khách sạn nào.

“Với những khách sạn bị “chơi xấu” bằng cách đánh giá sai trên Google, họ phải làm việc với nền tảng này để gỡ bỏ hoặc lập địa điểm mới. Nếu thương hiệu sụt giảm, khách sạn sẽ mất từ 20-30% doanh số, thậm chí nhiều hơn. Từng có các khách sạn phải đổi chủ, đổi thương hiệu, thay đổi toàn bộ với diện mạo mới để xuất hiện trở lại trên các nền tảng trực tuyến” - ông Dương cho biết.

Vẫn theo ông Dương, hiện các công cụ tạo đánh giá giả mạo tại Việt Nam khá nhiều vì dễ thực hiện và không quá tốn kém. Tuy nhiên vẫn có cách để người dùng tránh khỏi những đánh giá giả mạo này: Sẽ là bất thường nếu một khách sạn có hàng trăm đánh giá tốt trên mạng chỉ trong thời gian ngắn. Người dùng cũng có thể phân biệt đánh giá ảo dựa trên câu từ đơn giản, số lượng, tần suất liên tục. Tuy nhiên, không phải khách hàng nào cũng biết điều đó để tránh bị “sập bẫy”.

Nói như ông Anthony Lu, Giám đốc Khu vực Mekong thì các cơ sở lưu trú Việt Nam cũng phải trang bị kiến thức về vấn đề này, để khách du lịch có cái nhìn rõ ràng về điều tốt cũng như không tốt tại mỗi cơ sở lưu trú, từ đó đưa ra quyết định sáng suốt và phù hợp.

Sáng 26/12, đoàn du khách 325 người Nga có “hộ chiếu vaccine” đã đến tham quan, nghỉ dưỡng tại Nha Trang (Khánh Hoà). Như vậy, khách du lịch Nga đã trở lại Khánh Hòa sau gần 2 năm thị trường này bị ngưng trệ vì dịch bệnh Covid-19. Sau khi hạ cánh, du khách được di chuyển theo lối đi phân luồng riêng để thực hiện các thủ tục nhập cảnh và tiến hành sàng lọc sức khỏe ngay tại sân bay, đến lưu trú ở các khu nghỉ dưỡng, khách sạn ở khu Bãi Dài, huyện Cam Lâm và đảo Hòn Tre, TP Nha Trang. Được biết, từ nay tới tháng 3/2022, Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Anex Việt Nam dự kiến tổ chức 26 chuyến bay đưa khách Nga từ Moscow đến Nha Trang với 2 chuyến bay/tuần, mỗi chuyến sẽ có từ 320 đến 340 khách.

An Hà