Hà Nội dễ 'vỡ trận' nếu người dân còn chủ quan, lơ là
Số ca nhiễm liên tục đạt “đỉnh”, tuy nhiên nhiều người dân thủ đô vẫn có tâm lý lơ là, chủ quan. Theo các chuyên gia y tế, nếu không có ý thức chủ động trong phòng chống dịch, rất dễ xảy ra tình trạng “vỡ trận” tương tự như TP HCM.
Ca nhiễm đạt "đỉnh", dân vẫn chủ quan
Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, ngày 26/12, Hà Nội ghi nhận 1.887 ca F0, trong đó có 794 ca tại cộng đồng, còn lại ở khu cách ly và khu phong tỏa.
Bệnh nhân phân bố tại 320 xã, phường thị trấn thuộc 29/30 quận, huyện, thị xã. Trong đó 549 ca cộng đồng ghi nhận tại 250 xã, phường thuộc 27/30 quận huyện. Quận Hoàng Mai có số ca ghi nhận tại cộng đồng nhiều nhất với 115 ca.
Như vậy từ ngày 27/4 đến nay, thành phố ghi nhận 39.409 ca, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng là 14.333 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly là 25.076 ca. Hà Nội trở thành địa phương có số ca mắc đứng đầu cả nước trong khoảng 1 tuần qua.
Toàn TP Hà Nội được xác định thuộc cấp độ 2 nhưng đã có 8 quận đạt cấp độ 3 như Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Long Biên, Nam Từ Liêm, Tây Hồ. Chỉ còn 1 vùng xanh duy nhất là huyện Phúc Thọ.
Để đối phó với tình hình dịch bệnh, các quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm yêu cầu chỉ bán mang về và hạn chế hoạt động đông người từ 12h ngày 26/12. Một tuần trước đó, các quận: Đống Đa, Hai Bà Trưng cũng đã phải áp dụng biện pháp này.
Dù nỗ lực của chính quyền được đánh giá cao, tuy nhiên, vẫn nhiều người dân Thủ đô tỏ ra chủ quan trong phòng chống dịch.
Ghi nhận của PV Đại Đoàn Kết Online, tại nhiều nhà hàng, quán ăn vùng vàng, người dân vẫn không chủ động trong việc quét QR Code khai báo y tế, vẫn còn tình trạng người dân tụ tập trà đá vỉa hè, không đeo khẩu trang…
Chỉ tính riêng trong ngày lễ Noel, nhiều tuyến đường của thủ đô trở nên đông nghẹt vì người dân đổ xô ra đường chơi lễ. Dù Nhà thờ Lớn Hà Nội đóng cửa, hạn chế người dự lễ tuy nhiên các tuyến phố Hàng Mã, Tràng Tiền…lại tập trung đông đúc người dân đến tham quan, chụp ảnh…Nhiều nhóm bạn trẻ sẵn sàng tháo khẩu trang nơi công cộng, không thực hiện 5K…
Không những vậy, tình trạng người trẻ tại Thủ đô di chuyển về khu vực Bắc Ninh để có thể xem phim bom tấn tại rạp cũng tồn tại nhiều nguy cơ lây nhiễm, đặc biệt khi Hà Nội đang là địa phương có số ca nhiễm nhiều nhất trên cả nước.
Ý thức là "vaccine"
Trao đổi với PV Đại Đoàn Kết Online, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội đánh giá, số ca nhiễm liên tục tăng đến mức kỉ lục đều đã nằm trong kịch bản. Đây là hệ quả tất yếu của việc mở cửa và thích ứng an toàn với dịch bệnh.
Tuy nhiên điều này cũng không có nghĩa người dân có quyền được chủ quan trong phòng chống dịch bởi nếu không kiểm soát tốt, rất dễ Hà Nội sẽ rơi vào tình trạng “vỡ trận” như TP HCM.
Chuyên gia cũng nhấn mạnh, ý thức của người dân là liều vaccine hữu hiệu nhất trong việc phòng chống dịch.
“Quan trọng nhất là người dân phải chủ động các biện pháp phòng ngừa cá nhân, dù ở vùng nào đi nữa. Còn các chủ cửa hàng kinh doanh phải tuân thủ các quy định về khai báo y tế, giữ khoảng cách, vệ sinh khử khuẩn…giữ cho cửa hàng, cửa hiệu thông thoáng, hướng dẫn khách hàng khai báo y tế…”, chuyên gia cho hay.
Trước đó, trao đổi với báo chí, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, hiện nay tình hình dịch tại Hà Nội đang diễn biến rất phức tạp, nhưng vẫn đang "nằm trong tầm kiểm soát", vì số ca tăng nặng và số lượng người tử vong chưa đáng lo ngại.
Tuy nhiên, chính quyền cần phải có giải pháp quyết liệt hơn trong thời gian tới, vì nếu để số ca mắc tăng cao hơn nữa sẽ dẫn tới việc quá tải hệ thống y tế và làm tăng số ca tử vong.
Ngoài ra, chuyên gia cho rằng, nhiệm vụ của y tế dự phòng phải đi trước một bước. Bởi nếu "vỡ trận y tế dự phòng" thì sẽ dẫn tới "vỡ trận điều trị", khi số ca mắc tăng cao, làm quá tải hệ thống y tế, dẫn tới bệnh nhân chuyển nặng nhiều, bệnh nhân không được can thiệp y tế kịp thời gây tử vong. Chính vì vậy, y tế dự phòng phải đi trước một bước, làm tiền đề quan trọng trong công tác phòng chống dịch.