Phát triển cộng đồng học tập trong đội ngũ giáo viên
Hương Thu•28/12/2021 14:00
Phát triển chuyên môn cho giáo viên (GV) tại chỗ, liên tục là yêu cầu đặt ra với ngành giáo dục hiện nay trong bối cảnh dịch bệnh Covid -19 vẫn diễn biến phức tạp, thầy và trò nhiều nơi vẫn đang dạy học trực tuyến.
Ngày 27/12/2021, Ban Quản lý Chương trình Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ GV và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (ETEP) thuộc Bộ GDĐT đã tổ chức tọa đàm "Phát triển cộng đồng học tập trong đội ngũ nhà giáo, thực hiện thành công Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018.
Khép lại mô - đun, mở ra cộng đồng học tập Theo ông Đặng Văn Huấn, Phó Giám đốc Chương trình ETEP, mô hình bồi dưỡng thường xuyên, liên tục, tại chỗ; kết hợp trực tiếp với trực tuyến; biến quá trình bồi dưỡng thành tự bồi dưỡng có hỗ trợ cho đội ngũ GV, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (CBQLCSGDPT) cốt cán và giảng viên sư phạm chủ chốt đã được Bộ GDĐT triển khai 3 năm qua thông qua Chương trình ETEP, nhằm chuẩn bị cho việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với nhiều điểm mới.
Điểm mới quan trọng và cũng là mục tiêu cuối cùng của mô hình bồi dưỡng này là xây dựng các cộng đồng học tập qua đó phát triển năng lực nghề nghiệp cho đội ngũ nhà giáo cũng như nâng cao năng lực cho các giảng viên sư phạm.
Đó là các cộng đồng học tập theo nhóm có chung mối quan tâm hoặc mục tiêu học tập, cùng tham gia để chia sẻ hoặc chuyển giao tri thức liên quan đến mối quan tâm đó.
Đó là cộng đồng học tập giữa GVCC với nhau; giữa các GV trong nhà trường phổ thông,cộng đồng học tập giữa GV theo môn học của các trường phổ thông với nhau; cộng đồnggiữa GV với GVSP tham gia bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý CSGD phổ thông và cuối cùng là cộng đồng giữa GVSP trong trường; giữa GVSP theo bộ môn giữa các trường ĐHSP.
Kiến nghị từ giáo viên cốt cán
Nhóm nghiên cứu “Vai trò của giáo viên cốt cán” được thực hiện trong khuôn khổ Chương trình Phát triển năng lực các trường đại học sư phạm đã chỉ ra những khó khăn của giáo viên cốt cán trong quá trình thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng thường xuyên.
Cụ thể, một số giáo viên đại trà chưa hiểu rõ yêu cầu của đổi mới giáo dục nên chưa tích cực, tự giác tham gia bồi dưỡng phát triển chuyên môn nghề nghiệp; Giáo viên đại trà hiện nay bận nhiều công việc nên chưa thể dành thời gian đầy đủ cho việc học tập; Bản thân giáo viên cốt cán bận rộn với công việc hiện tại ở trường, khối lượng công việc nhiều; Chế độ đãi ngộ cho giáo viên cốt cán chưa thoả đáng và đồng bộ giữa các địa phương; Khó khăn đặc trưng của thầy cô giáo cốt cán ở vùng khó khăn.
Từ đó, giáo viên cốt cán mong muốn nhận được sự chỉ đạo thống nhất từ trên xuống của các cấp lãnh đạo và nhà trường; nhận được sự ủng hộ của lãnh đạo nhà trường trong các hoạt động.
Giáo viên cốt cán cũng đề xuất bố trí giám sát hoạt động học tập của giáo viên đại trà chặt chẽ hơn và chú ý hỗ trợ hơn tới giáo viên cốt cán ở vùng khó khăn.