Khơi thông hạ tầng đường thủy
Bên cạnh những dự án hạ tầng đường bộ đang rầm rộ triển khai, thời gian gần đây nhiều dự án hạ tầng giao thông đường thủy ở khu vực phía Nam cũng được khởi công, xây dựng.
Đây đều là các dự án quan trọng nhằm kết nối giao thông thủy bộ và nâng cao năng lực vận tải đường thủy, tạo điều kiện cho hàng hóa lưu thông.
Là tuyến kênh giao thông quan trọng nhất nối miền Tây Nam bộ và Đông Nam bộ, kênh Chợ Gạo (tỉnh Tiền Giang) dài 28 km được người Pháp xây dựng hơn 100 năm trước đến nay vẫn đóng vai trò quan trọng. Đây là tuyến kênh giúp ghe thuyền di chuyển từ miền Đông qua miền Tây và ngược lại mà không phải vòng ra phía cửa biển. Tuy là tuyến kênh huyết mạch nhưng thời gian qua kênh Chợ Gạo đã xuống cấp, bồi lắng lòng kênh và sạt lở 2 bên bờ. Rất nhiều khoảng thời gian, khi thủy triều rút, ghe thuyền lớn không thể di chuyển, gây khó khăn cho vận tải hàng hóa.
Đại diện Sở Giao thông vận tải tỉnh Tiền Giang cho biết, mỗi ngày có khoảng 2.000 phương tiện trên 200 tấn di chuyển qua kênh Chợ Gạo, là tuyến kênh có mật độ phương tiện thuộc loại cao nhất phía Nam. Hầu hết ghe thuyền đều chở hàng hóa nông, thủy sản từ miền Tây lên TP HCM và ngược lại. Vì vậy việc cải tạo, nâng cấp tuyến kênh này là vô cùng cấp bách.
Ngoài việc nạo vét, khơi luồng cho phương tiện đường thủy, gần 700 tỷ đồng trong tổng số hơn 1.300 tỷ đồng của dự án cải tạo này sẽ được sử dụng để xây đường, cầu dân sinh ven bờ kênh. Nỗi lo sạt lở ven kênh từ lâu cũng là vấn đề nhức nhối ở địa phương. Dự kiến dự án sẽ hoàn thành vào năm 2023 tới.
Cũng đang gấp rút xây dựng còn có dự án nâng cấp tuyến kênh đường thủy Quan Chánh Bố (Trà Vinh). Đây là dự án trọng điểm quốc gia và là dự án cải tạo kênh đường thủy quan trọng ở khu vực phía Nam giúp các tàu thuyền tải trọng lớn di chuyển từ cửa biển vào sông Hậu. Với đặc thù các khu vực cửa biển ở phía Nam thường bị phù sa bồi lắng, ghe thuyền lớn từ biển khó vào cửa sông nên tuyến kênh Quan Chánh Bố có nhiệm vụ quan trọng giúp ghe thuyền vào luồng sông Hậu để di chuyển lên TP Cần Thơ, Đồng Tháp, Trà Vinh, Sóc Trăng... Đây là dự án quan trọng với giao thông đường thủy phía Nam do khu vực này chưa có một cảng biển tương xứng. Phần lớn nông thủy sản muốn xuất khẩu ra nước ngoài ở miền Tây Nam bộ vẫn phải vận chuyển lên TP HCM để đưa ra cảng biển và ngược lại, nhiều tàu vận tải lớn cũng không thể di chuyển vào. Với chiều dài khoảng 46,5 km, tuyến luồng Quan Chánh Bố dự kiến sẽ cho phép tàu vận tải từ 10.000 tấn tới 20.000 tấn di chuyển qua khi hoàn thành vào năm 2023.
Ngoài 2 dự án quan trọng kể trên, hạ tầng giao thông đường thủy khu vực phía Nam cũng sắp hoàn thành dự án cải tạo sông Sài Gòn từ khu vực cầu Bình Lợi (TP Thủ Đức) tới cảng Bến Súc (Củ Chi). Đây là dự án thực hiện theo hình thức BOT, cũng là dự án BOT đường thủy đầu tiên của cả nước. Với nguồn vốn hơn 1.300 tỷ đồng, chủ yếu là xây dựng cầu sắt Bình Lợi mới nhằm nâng mức tĩnh không. Dự án dự kiến sẽ thu phí các phương tiện đường thủy tải trọng trên 300 tấn lưu thông ở khu vực này, dọc 2 bên bờ TP HCM và Bình Dương. Tuy dự án đang bị chậm tiến độ nhưng cũng đặc biệt giúp các phương tiện vận tải cỡ lớn lưu thông trên sông Sài Gòn. Dự kiến khi hoàn thành, dự án sẽ thúc đẩy giao thông đường thủy ở TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai và cả tỉnh Tây Ninh cùng phát triển.
Với đặc điểm sông ngòi, kênh rạch đan xen chằng chịt nên nhu cầu di chuyển giao thông, vận tải hàng hóa nội địa đường thủy ở khu vực phía Nam rất lớn. Phương tiện đường thủy cũng là phương tiện quen thuộc của nhiều địa phương. Dù chưa chính thức hoàn thành nhưng việc đầu tư quan tâm tới các dự án hạ tầng đường thủy cũng có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy giao thông đường thủy, kết nối vùng miền ở khu vực phía Nam thời gian tới.