Hợp lý nhưng phải khả thi
Từ 1/1/2022, những cá nhân, hộ gia đình không phân riêng loại rác hữu cơ và vô cơ sẽ bị báo cơ quan chức năng xử lý, phạt tiền. Quy định trên của Luật Bảo vệ môi trường 2020 được cho là ưu việt để đảm bảo mỗi người dân có ý thức bảo vệ môi trường. Song, vấn đề ở chỗ lấy đâu nhân lực để phân loại?
Theo quy định từ luật, hộ gia đình không phân loại rác có thể bị từ chối thu gom rác, thậm chí báo với cơ quan có thẩm quyền để xử lý. Luật cũng quy định, càng xả nhiều rác càng mất nhiều tiền (vì tính theo khối lượng rác), không “cào bằng” người nào cũng bằng nhau như trước.
Quy định tính tiền theo khối lượng rác được cho là để đảm bảo công bằng, tránh tình trạng người đổ ít rác cũng nộp số tiền như người xả nhiều rác. Quy định như vậy là đúng đắn, hợp lý, dư luận xã hội hết sức ủng hộ. Song, vấn đề ở chỗ lượng rác thải sinh hoạt hàng ngày của các hộ gia đình, nếu có “cân, đo, đong, đếm” cẩn thận từng tí cũng chỉ chênh nhau chẳng đáng là bao.
Hơn nữa, với một số lao công được giao nhiệm vụ thu gom rác của cả một khu dân cư lớn với hàng trăm hộ gia đình, hàng nghìn nhân khẩu, liệu có thể đảm bảo được quy định của luật là cân (hoặc đo) chính xác số rác thải của mỗi cá nhân, hộ gia đình? Nếu vậy, chắc các công ty môi trường đô thị phải cho công nhân đi thu gom rác 24/24 giờ mới kịp.
Thôi thì cứ cho là các công ty môi trường đô thị sẽ nhận thêm người để có một lực lượng hùng hậu đi thu gom rác, đảm bảo việc “cân, đo, đong, đếm” chính xác số lượng rác thải, không cho các cá nhân, hộ gia đình gian lận. Song, làm thế nào để phân định các cá nhân, hộ gia đình đã chấp hành việc phân loại rác vô cơ và hữu cơ lại là cả vấn đề.
Bởi nếu người dân cứ xách 2 túi rác ra xe thu gom, làm thế nào để nhân viên thu gom rác phân định được rác vô cơ và hữu cơ không bị trộn lẫn khi không mở ra kiểm tra thực tế? Còn nếu với cá nhân, hộ gia đình nào cũng bắt phải mở túi rác ra để kiểm tra thì liệu trong một ngày thu gom được bao nhiêu hộ gia đình, bao nhiêu khu dân cư, tổ dân phố?
Mà đâu phải ai cũng đổ rác thải trong ngày, có những người do đi công tác, do ít rác nên để 2-3 ngày mới đổ, lúc đó rác thải đã bốc mùi, mở ra kiểm tra liệu có gây ô nhiễm không khí trong khu dân cư đông đúc?
Phân tích như vậy để các cơ quan chức năng thấy và lường trước những vấn đề phát sinh khi thực hiện quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, chứ bài viết không hề có ý “bàn lùi”. Khi đã thấy trước được những vấn đề như vậy, cơ quan chức năng sẽ có giải pháp tối ưu để vừa đảm bảo quy định của luật, lại không ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân.
Rất hy vọng tới khi Luật Bảo vệ môi trường 2020 có hiệu lực thi hành, mỗi cá nhân, hộ gia đình sẽ chấp hành nghiêm quy định. Dư luận xã hội cũng kỳ vọng các cơ quan hữu trách sẽ có phương án để đảm bảo thực hiện nghiêm quy định của luật, nhưng cũng đồng thời không gây ô nhiễm không khí, tạo phiền hà cho người dân.