Nguy hiểm làm đẹp ở cơ sở không phép
Nhiều chuyên gia y tế khẳng định, bất kỳ can thiệp dao kéo nào cũng đều có một tỷ lệ nhất định các biến chứng như nhiễm trùng, hoại tử, xuất huyết, tụ máu, chảy dịch… Tuy nhiên, hiện vẫn có một bộ phận người dân không để ý đến những nguy hiểm nói trên để thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ ở những cơ sở thẩm mỹ không đảm bảo.
Còn coi nhẹ tính mạng bản thân
Nhiều năm qua, đã có rất nhiều lời cảnh báo về hệ lụy khi phẫu thuật thẩm mỹ. Nhất là khi xuất hiện ngày càng nhiều trung tâm thẩm mỹ “chui”, không có giấy phép kinh doanh, một số bác sĩ hành nghề không có chứng chỉ hoặc “tay ngang” chuyển sang cầm dao kéo.
Liên tiếp những trường hợp gặp biến chứng sau làm thẩm mỹ thời gian qua vẫn chưa phải là hồi chuông cảnh tỉnh người dân cẩn trọng trước khi làm đẹp, hay từ bỏ thói quen “nghiện” thẩm mỹ. Vẫn có rất nhiều người coi nhẹ sự an toàn, tính mạng bản thân khi giao cơ thể cho những cơ sở không đảm bảo chất lượng.
Ví dụ như trường hợp bệnh nhân nữ 25 tuổi tại Hà Nam đã tiêm filler (chất làm dầy) tại một spa không đảm bảo chất lượng. Sau đó, vùng tiêm filler có dấu hiệu tím, hoại tử. Bệnh nhân được đưa đến Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng đau đầu, buồn nôn, hoại tử nhiễm trùng da vùng sống mũi và trán…
Mới đây, Sở Y tế TP HCM đã vào cuộc làm rõ nguyên nhân của hai trường hợp tử vong sau phẫu thuật thẩm mỹ. Trường hợp đầu tiên, người phụ nữ 31 tuổi tử vong sau 14 giờ hút mỡ bụng. Ngày 6/12, Bệnh viện Nhân Dân 115 (TP HCM) đã tiếp nhận 1 trường hợp bị tai biến thẩm mỹ.
Nữ bệnh nhân là chị H.T.N. (31 tuổi, ngụ tại quận 8) được chuyển đến cấp cứu vào rạng sáng cùng ngày trong tình trạng ngưng tim, ngưng thở, đồng tử giãn, tím tái toàn thân. Khai thác bệnh sử ghi nhận, vào chiều 5/12, nữ bệnh nhân đã được thực hiện phương pháp hút mỡ bụng và nâng mũi làm đẹp tại một cơ sở thẩm mỹ trên địa bàn Quận 1. Các bác sĩ đã nỗ lực hồi sức, tuy nhiên người bệnh đã không qua khỏi.
Ngoài ra, các bác sĩ Bệnh viện Nhân dân 115 cũng cấp cứu 1 trường hợp tai biến sau thẩm mỹ khác nhưng bệnh nhân cũng không qua khỏi. Cụ thể, bệnh nhân nữ 24 tuổi (ngụ Quận 10) vào một thẩm mỹ viện trên đường Độc Lập, quận Tân Phú để thẩm mỹ vùng lưng.
Sau khi được ủ tê da vùng lưng, bệnh nhân bị co giật, diễn biến nặng, khó thở, tím tái. Thẩm mỹ viện đã gọi xe cấp cứu chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện Nhân dân 115. Tại đây, các bác sĩ nhanh chóng cấp cứu, đặt nội khí quản. Tuy nhiên, đến 16h30’ cùng ngày, bệnh nhân đã tử vong.
Không chỉ phụ nữ, cuối năm 2019, dư luận từng bàng hoàng khi nghe tin về vụ tử vong của một người đàn ông do hút mỡ bụng tại Thẩm mỹ viện Việt Hàn (Hà Nội).
Theo kết quả thanh tra của Sở Y tế Hà Nội, cơ sở này không được phép thực hiện các dịch vụ xâm lấn có gây chảy máu hoặc tiêm, truyền, phẫu thuật, chỉ được cấp phép làm dịch vụ chăm sóc da, phun, xăm thẩm mỹ (không dùng phẫu thuật, không gây chảy máu), mua bán mỹ phẩm.
Cẩn trọng khi làm đẹp
Các bác sĩ của Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, bệnh viện từng tiếp nhiều nhận nhiều trường hợp biến chứng sau tiêm filler. Đa số bệnh nhân thực hiện ở cơ sở thẩm mỹ không phép, người tiêm không phải là bác sĩ và không được đào tạo về tạo hình - thẩm mỹ, không được học về các biến chứng của tiêm chất làm đầy cũng như cách để phòng tránh các biến chứng này.
BS Nguyễn Quang Minh, Phó Trưởng khoa Nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ tế bào gốc, Bệnh viện Da liễu Trung ương lý giải, biến chứng sau tiêm filler gồm cấp tính và mạn tính. Trong đó, biến chứng cấp tính có thể gặp là tắc mạch, các vấn đề nguy hiểm liên quan khi tiêm vào mạch máu hoặc tiêm chèn trên mạch máu.
Nặng nề nhất, các bác sĩ vẫn gặp những ca biến chứng mù mắt hoặc hoại tử vùng mũi, trán...
Những thủ thuật này thường gặp ở những người tiêm mạch máu lớn hoặc nguyên nhân do người tiêm không được đào tạo về tiêm chất làm đầy, họ sử dụng kim nhọn, tiêm áp lực hoặc thể tích lớn, tốc độ nhanh, không đúng vị trí giải phẫu.
Với các trường hợp biến chứng muộn, thường do tiêm filler giá rẻ, trôi nổi, không được cấp phép. Trong quá trình tiêm, người thực hiện không đảm bảo vô trùng, vô khuẩn, đưa hoạt chất vừa dễ dị ứng lại thêm các yếu tố nhiễm khuẩn từ bên ngoài vào.
Phản ứng muộn này có thể gặp sau tiêm một thời gian, với các biểu hiện viêm như sưng đỏ, tạo thành khối cục, có triệu chứng nhiễm trùng từ đó tạo mủ, vỡ mủ… Nguy hiểm nhất là tình trạng viêm sưng tái diễn nhiều lần tạo ổ áp xe mang tính mãn tính, kéo dài.
Theo BS Quang Minh, sắp vào mùa “làm đẹp đón Tết”, nhiều người có nhu cầu lựa chọn các thủ thuật tạo sự thay đổi nhanh chóng như căng chỉ, tiêm botox, filler… Làm đẹp là nhu cầu chính đáng. Tuy nhiên, người dân cần cân nhắc để lựa chọn các dịch vụ phù hợp, an toàn bởi có những người không nên tiêm filler, botox; đồng thời lựa chọn cơ sở làm đẹp uy tín và chất lượng, lựa chọn bác sĩ, sản phẩm được cấp phép...
BS Nguyễn Đình Minh, Khoa Phẫu thuật thẩm mỹ, tạo hình hàm mặt, Bệnh viện E khuyến cáo, trước khi quyết định thực hiện phẫu thuật để làm đẹp, chị em nên tìm đến những bác sĩ nhiều kinh nghiệm và đã được cấp chứng chỉ hành nghề phẫu thuật thẩm mỹ để tham khảo kỹ; thực hiện tại các khoa, bệnh viện thẩm mỹ đã được cấp phép, có uy tín.
“Tuyệt đối không nên phó thác số phận và nhan sắc của mình cho các cơ sở chui, không có giấy phép; các nhân viên spa không có bằng cấp chuyên ngành” - bác sĩ Minh nói.