Sẵn sàng ‘mở cửa’ bầu trời
Việt Nam sẽ chính thức mở lại đường bay quốc tế thường lệ theo hai giai đoạn, bắt đầu từ 1/1/2022. Trong đó, giai đoạn 1 kết nối với 9 thị trường và giai đoạn 2 nâng lên 15. Theo đánh giá của giới chuyên gia, khôi phục các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ vào lúc này là vô cùng cần thiết…
Nhiều đường bay nội địa tăng tần suất khai thác từ 16/1/2022
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn vừa ký Quyết định 2233 sửa đổi, bổ sung một số nội dung tại Quy định tạm thời về tiếp tục triển khai các đường bay nội địa chở khách thường lệ đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 cho phép tăng tần suất khai thác trên các đường bay nội địa từ 29/12 đến hết ngày 16/2/2022, chia 2 giai đoạn từ 29/12 đến 18/1/2022 và từ 19/1/2022 đến 16/2/2022. Cụ thể đường bay Hà Nội – TP Hồ Chí Minh sẽ tăng lên 25 chuyến khứ hồi/ngày giai đoạn 29/12/2021 đến 18/1/2022 và 52 chuyến khứ hồi/ngày từ 19/1/2022 đến 16/2/2022. Tương tự, các chặng bay khác như TP Hồ Chí Minh - Đà Nẵng tăng tương ứng 20 chuyến khứ hồi/ngày và 27 chuyến khứ hồi/ngày.
Niềm vui ngày cận Tết
Cùng với việc thí điểm mở lại 9 đường bay, mới đây, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 9467/VPCP–QHQT truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đối với đề nghị của Tổng công ty Hàng không Việt Nam về việc sớm cho phép mở lại khai thác chuyến bay thường lệ đi châu Âu, Úc.
Theo đó, Phó Thủ tướng Thường trực giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan tổng hợp, xử lý kiến nghị của doanh nghiệp (DN), xem xét kỹ và chủ động quyết định việc nối lại đường bay thương mại quốc tế thường lệ tới các địa bàn có hệ số an toàn cao, bảo đảm nguyên tắc thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, tạo điều kiện thuận lợi đi lại trên cơ sở tuân thủ hướng dẫn về giám sát y tế nhập cảnh, hỗ trợ các DN vận tải duy trì hoạt động dịch vụ và kinh doanh.
Đây thực sự là tin vui không chỉ đối với ngành du lịch, các hãng hàng không mà còn là tin vui của người dân ở trong và ngoài nước.
Đặc biệt là với những người đang có người thân, con em học tập và sinh sống ở nước ngoài đã bị mắc kẹt suốt gần 2 năm qua do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
“Con trai tôi hiện đang làm việc tại Hàn Quốc đã hết hợp đồng cách đây 6 tháng nhưng dịch Covid-19 khiến việc đi lại rất khó khăn nên chưa thể về nước. Dù được phía công ty bảo lãnh nhưng công việc thất thường, thu nhập giảm đáng kể đã phải tiêu vào số tiền tiết kiệm. Chính vì vậy, việc Chính phủ cho phép mở đường bay từ ngày 1/1/2022 tới thực sự là tin vui với gia đình tôi” , chị Nguyễn Thị Tâm (quận Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ.
Nhiều người dân cũng cho biết, đây sẽ là cơ hội để gia đình, ông bà, cha mẹ, con cái được đoàn tụ, đặc biệt hơn khi dịp Tết Nguyên đán đã cận kề.
Đối với ngành hàng không, việc mở rộng đường bay chính là đòn bẩy để phục hồi sau một thời gian dài tăng trưởng âm. Thời điểm này, các hãng hàng không đã công bố kế hoạch dự kiến mở lại đường bay quốc tế từ ngày 1/1/2022.
VietJet cho biết hãng dự kiến khai thác trở lại các chuyến bay thường lệ quốc tế từ đầu năm 2022. Các chặng bay sẽ được khai thác từ 1 chuyến khứ hồi/tuần và sẽ tăng lên theo nhu cầu của người dân, du khách.
Tương tự, Vietnam Airlines đã lên kế hoạch nối lại các chuyến bay quốc tế thường lệ giữa Việt Nam và 15 quốc gia, vùng lãnh thổ trong nửa đầu năm 2022.
Theo đó, giai đoạn 1 dự kiến bắt đầu từ 1/1/2022, hãng lên kế hoạch khai thác các chuyến bay 2 chiều giữa Việt Nam và Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore, Thái Lan, Lào, Campuchia. Giai đoạn này dự kiến chỉ thực hiện trong thời gian ngắn khoảng 2 tuần. Hãng sẽ mở bán vé sau khi có phê duyệt của nhà chức trách.
Bamboo Airways cho biết trong giai đoạn đầu, hãng sẽ khai thác tối đa theo tần suất được Cục Hàng không Việt Nam phân bổ. Sau đó, hãng tiến tới bay quốc tế thường lệ hàng ngày, đồng thời mở thêm nhiều tuyến bay quốc tế mới trong giai đoạn tiếp theo khi điều kiện cho phép.
Đón cơ hội phục hồi
Theo dự báo của Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế (IATA), thị trường hàng không sẽ phục hồi vào khoảng năm 2023, tuy nhiên tốc độ phục hồi của các thị trường khác nhau, phụ thuộc vào tỷ lệ tiêm vaccine và kế hoạch mở cửa đường bay quốc tế của các quốc gia. IATA cũng dự báo đến năm 2022, khu vực châu Á cũng sẽ phục hồi dần, tuy nhiên tốc độ phục hồi còn chậm hơn châu Âu và Bắc Mỹ.
Chính vì vậy, theo các chuyên gia, việc mở lại đường bay quốc tế thường lệ sẽ giúp các hãng hàng không giảm chi phí rất lớn khi chủ động xây dựng lịch bay, mở bán 2 chiều chở khách. Khi bay thường lệ, chi phí các hãng sẽ giảm bớt, là cơ sở điều chỉnh giá vé thấp.
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Hàng không Việt Nam (VABA) Bùi Doãn Nề cho rằng, chủ trương mở lại đường bay quốc tế thường lệ của Chính phủ là điều kiện hết sức thuận lợi giúp các hãng hàng không giảm bớt các chi phí, chủ động xây dựng lịch bay, mở bán vé 2 chiều vận chuyển khách.
Trước đây, khi thực hiện các chuyến bay “giải cứu”, thuê chuyến, chi phí phục vụ các chuyến bay này rất tốn kém, nhất là ở các đầu bay nước ngoài có giá dịch vụ cao. Khi bay thường lệ, chi phí các hãng hàng không sẽ giảm bớt, là cơ sở điều chỉnh hạ giá vé để hành khách đi lại thuận lợi.
Đại diện Công ty Dịch vụ lữ hành Saigontourist nhận định, “mở cửa bầu trời” sẽ là bước khởi đầu tích cực và là điều kiện để cấu thành sản phẩm tour du lịch, từ đó việc đón khách quốc tế sẽ nhanh chóng được kích hoạt trở lại.
Bởi thực tế cho thấy, với tình hình kiểm soát dịch bệnh của Việt Nam và thế giới, sắp tới thị trường du lịch quốc tế sẽ có sự phục hồi tốt. Do đó, việc mở cửa đường bay sẽ là cơ hội để các công ty lữ hành đón đầu các đoàn khách quốc tế trong thời gian sớm nhất.
Theo các chuyên gia kinh tế, việc mở lại các chuyến bay quốc tế thời điểm này là vô cùng cần thiết nhằm khôi phục hoạt động vận tải hành khách quốc tế, thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế, du lịch nói chung tạo điều kiện cho bà con người Việt Nam về quê dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần. Tuy nhiên, quá trình mở cửa vẫn phải đảm bảo kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19.
Hiện, Bộ Y tế đã ban hành văn bản về việc phòng, chống dịch Covid-19 đối với người nhập cảnh, áp dụng từ ngày 1/1/2022. Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, yêu cầu chung là người nhập cảnh phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trước khi nhập cảnh (trừ trường hợp trẻ em dưới 2 tuổi).
Đối với người nhập cảnh đã tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh Covid-19, tự theo dõi sức khỏe tại nơi lưu trú trong 3 ngày đầu kể từ ngày nhập cảnh, không được tiếp xúc với người xung quanh, không được ra khỏi nơi lưu trú.
Đối với người nhập cảnh chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều, thực hiện cách ly tại nơi lưu trú trong 7 ngày kể từ ngày nhập cảnh. Cùng với hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ GTVT, cảng hàng không và các hãng hàng không đều đã lên kế hoạch nhằm đảm bảo tốt công tác phòng, chống dịch.
Ông Võ Huy Cường, Cục phó Cục Hàng không Việt Nam: Bước đệm để mở cửa an toàn
Hiện hơn 90% người dân trong nước được tiêm vaccine mũi 1; người tiêm đủ hai mũi tỷ lệ cũng rất cao. Ngoài ra, thời gian qua các hãng bay đã có nhiều kinh nghiệm hơn khi bay giải cứu. Điển hình như có những chuyến cứu hộ người Việt ở châu Phi với toàn bộ người được đón về đều mắc Covid-19, nhưng các thành viên tổ bay không ai bị lây nhiễm.
Do đó việc mở đường bay là rất cần thiết, góp phần kích thích nhu cầu đi lại của người dân từ các quốc gia, vùng lãnh thổ tới Việt Nam một cách bình thường, thay vì phải di chuyển, trung chuyển qua các địa bàn khác. Đồng thời, đây cũng là lộ trình từng bước mở lại đường bay, tránh gây tâm lý lo sợ trong dư luận về dịch bệnh, để người dân, doanh nghiệp có thể yên tâm “mở cửa” lại là an toàn và bền vững.
PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế): Không thể “đóng cửa” mãi
Không thể kéo dài tình trạng “đóng cửa”. Thời điểm này, quan trọng là ngành y tế phải có sự chuẩn bị chu đáo với nhiều phương án.
Cần có sự thống nhất giữa Bộ Giao thông vận tải; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Y tế… để đưa ra những quy định cụ thể hơn đối với khách nhập cảnh.
Đối với lo ngại của một số địa phương trong việc kiểm soát dịch bệnh khi mở cửa đường bay thương mại quốc tế, rất cần có sự thống nhất với các địa phương. Các địa phương có tỷ lệ tiêm chủng thấp mà có địa điểm du lịch thì Chính phủ nên hỗ trợ để đẩy mạnh tỷ lệ tiêm chủng.
Từng khách sạn, khu nghỉ dưỡng đón khách nước ngoài phải có trách nhiệm bảo đảm không để du khách gây lây nhiễm dịch bệnh ra bên ngoài. Trong trường hợp có khách là F0 thì cơ sở mà khách mua bảo hiểm phải hỗ trợ để chữa trị, không tạo ra gánh nặng cho địa phương...