Gỡ khó cho du lịch
Trong bối cảnh bình thường mới, phục hồi và phát triển hoạt động du lịch đang là vấn đề cấp thiết. Mặc dù các bộ, ngành đã đề xuất nhiều giải pháp tháo gỡ, song bức tranh du lịch vẫn chưa thật sáng sủa, chính vì thế rất cần sự chung tay của cộng đồng để tháo gỡ, đưa du lịch phục hồi, phát triển bền vững.
Động lực để phục hồi sau 2 năm ngưng trệ
Ông Đoàn Văn Việt, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Trong 4 đợt bùng phát dịch Covid-19, các hoạt động du lịch quốc tế tại Việt Nam đóng cửa hoàn toàn, khách nước ngoài chủ yếu là các chuyên gia, khách công vụ. Du lịch nội địa hoạt động phụ thuộc vào chu kỳ bùng phát dịch và diễn ra hết sức cầm chừng.
Theo số liệu thống kê, năm 2020, lượng khách quốc tế chỉ đạt 3,7 triệu lượt, giảm 80% so với năm 2019; khách nội địa đạt 56 triệu lượt, giảm 34% so với cùng kỳ năm 2019; tổng thu từ du lịch đạt 312.200 tỷ đồng, giảm 59% so với năm 2019.
Năm 2021, tình hình càng tồi tệ hơn với đợt dịch thứ 4 bùng phát mạnh trong cả nước, khiến các hoạt động kinh tế, xã hội của phần lớn tỉnh/thành phố trong cả nước đình trệ nhiều tháng, khách du lịch quốc tế chưa đón, khách du lịch nội địa tiếp tục giảm gần 30% so với cùng kỳ năm 2020.
Với thực trạng dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp trên thế giới và được dự báo sẽ gây ra những ảnh hưởng lâu dài, phát triển du lịch nội địa được xác định là một định hướng chiến lược để bảo đảm sự phát triển bền vững của ngành du lịch.
Trong hai tháng cuối năm 2021, cùng với việc triển khai thực hiện chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 của Chính phủ, hoạt động du lịch nội địa đang từng bước được tái khởi động. Nhiều địa phương trong cả nước đã chủ động xây dựng những kịch bản mới để thúc đẩy thu hút khách du lịch nội địa trên cơ sở bảo đảm an toàn cho khách và người dân tại điểm đến và thực hiện tốt các quy định về phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Chính phủ.
Đối diện với dịch Covid-19, thêm một lần nữa toàn xã hội càng nhận thức sâu sắc hơn về tầm quan trọng của thị trường nội địa với quy mô dân số gần 100 triệu người và có nhu cầu, khả năng đi du lịch ngày càng cao.
Một trong những xu hướng hiện nay là du lịch nông thôn gắn với những chuyến đi ngắn ngày, gần nơi sinh sống của du khách. Đó chính là những điểm tựa vững chắc cho phát triển du lịch nội địa trước những thách thức bất khả kháng của khách quan và phục hồi trong tình hình mới.
Bên cạnh đó, chiến dịch tiêm chủng vaccine là cơ hội để Việt Nam đạt được miễn dịch cộng đồng, để người dân quay về cuộc sống bình thường mới và cũng là cơ hội để du lịch Việt Nam thử sức trong tình hình mới, thích ứng an toàn và phục hồi, phát triển bền vững hơn…
Hướng phát triển
Theo Tiến sĩ Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, tại Việt Nam đang ghi nhận những chuyển biến tích cực trong việc phòng, chống dịch Covid-19. Chương trình tiêm chủng quốc gia lớn nhất cả nước đã và đang được triển khai, đạt được sự bao phủ tương đối rộng, ngành du lịch cũng đang bắt đầu tái khởi động với việc thí điểm chương trình “Hộ chiếu vaccine” tại đảo Phú Quốc - Kiên Giang, tiến tới nhân rộng sang các địa phương trong cả nước.
Chính vì thế, hơn lúc nào hết, những vấn đề liên quan đến phục hồi và phát triển du lịch trong giai đoạn bình thường mới và trong tương lai là vô cùng cấp thiết để du lịch Việt Nam nhanh chóng hòa mình vào xu thế chung của thế giới, nâng cao vị thế và sức cạnh tranh trong bối cảnh hoàn toàn mới.
Nhiều chuyên gia nhận định, để phục hồi và phát triển du lịch trong bối cảnh mới, ngành du lịch cần phải được định hướng tiệm cận gần hơn nữa với xu hướng phát triển theo hướng tăng trưởng xanh, vì môi trường an toàn, xã hội khỏe mạnh, và sự phát triển của thế hệ tương lai. Chất lượng nguồn nhân lực và thu hút trở lại lực lượng lao động du lịch chuyên nghiệp…
Bên cạnh đó, công nghệ là xu thế tất yếu trong bối cảnh mới mà bất cứ các bên liên quan nào muốn tồn tại, phục hồi và phát triển phải thích ứng.
Cũng theo Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, du lịch Việt Nam cần chủ động, linh hoạt, tranh thủ tốt mọi cơ hội và điều kiện thuận lợi, thích ứng nhanh với tình hình để triển khai đồng bộ và hiệu quả các giải pháp phục hồi và phát triển du lịch Việt Nam trong bối cảnh mới để tiếp tục khẳng định chỗ đứng và vị thế của du lịch Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Liên kết doanh nghiệp lữ hành để có thể tạo ra và cung cấp các sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu mới là điều cần thiết ngay trong giai đoạn còn phải đối phó với đại dịch cũng như trước và sau khi đại dịch kết thúc.
Ông Phùng Quang Thắng, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist cho rằng, sản phẩm du lịch phù hợp với bối cảnh mới là yếu tố đặc biệt quan trọng trong hoạt động của du lịch nói chung và của từng doanh nghiệp du lịch, lữ hành nói riêng. Quá trình này sẽ được diễn ra ở nhiều khâu và ở hoạt động khác nhau.
Trong đó, sản phẩm phải đáp ứng nhu cầu du lịch đã thay đổi, chiến lược sản phẩm du lịch được cân nhắc, nguồn lực để tạo ra sản phẩm thích hợp được đề cao trong đó vai trò quan trọng là nguồn nhân lực.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã buộc hoạt động xây dựng sản phẩm thay đổi không như cách truyền thống từng làm, liên kết doanh nghiệp trong xây dựng sản phẩm cũng là một trong những giải pháp để vượt qua khó khăn và thích ứng với bối cảnh mới do ảnh hưởng của đại dịch tạo ra.