Nỗi lo gia tăng bệnh nhân lao vì ảnh hưởng dịch Covid

Lan Hương 29/12/2021 15:51

Việt Nam là một trong 30 quốc gia có gánh nặng bệnh lao và là một trong 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới. Hiện nay trước ảnh hưởng của dịch, càng khiến công tác phòng chống lao gặp không ít thách thức.

Những con số đáng lo ngại

Sau nhiều lần chần chừ, anh N.V.Đ. mới quyết định đến viện kiểm tra sức khỏe vì có triệu chứng sút cân, ho dai dẳng suốt và sốt về chiều tối. Sau khi làm tất cả các xét nghiệm anh tá hỏa nhận kết quả mình mắc lao.

Điều đáng nói là dù đã được bác sĩ tư vấn phương pháp điều trị và tinh thần nhưng anh Đ vẫn không khỏi lo lắng và chọn giải pháp tự cách ly, tự chữa không cho gia đình biết. Vì không điều trị theo phác đồ, cộng thêm ảnh hưởng tâm lý nên bệnh của anh ngày càng trầm trọng.

Chỉ đến khi anh bị ngất xỉu đưa vào bệnh viện cấp cứu, lúc này gia đình mới tá hỏa biết anh bị bệnh lao. May mắn bệnh anh vẫn chưa vào giai đoạn muộn, sau 2 tháng điều trị tích cực sức khỏe của anh dần hồi phục.

Theo PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình Chống lao Quốc gia, câu chuyện của anh Đ. không phải là cá biệt mà phổ biến hiện nay.

Đề cập đến những hệ lụy do nhận thức làm gia tăng tổn thất về người và tài chính do bệnh lao, PGS Nguyễn Viết Nhung cho biết, cách đây không lâu, Bệnh viện có tiếp nhận một thiếu nữ 17 tuổi, mặc dù có triệu chứng sút cân, ho, sốt trong nhiều tháng, nhưng bệnh nhân không đi khám vì cho rằng đó chỉ là những biểu hiện của bệnh hô hấp thông thường.

Khi tình trạng bệnh đến mức độ nặng, thay đổi tri thức, lú lẫn thì bệnh nhân mới đi bệnh viện. Lúc này, tình trạng bệnh đã quá nặng. Bệnh nhân đã tử vong vì bệnh lao màng não.

“Đây chỉ là một trong những trường hợp cụ thể rất đau xót mà tôi muốn nói đến, đó là những trường hợp phát hiện bệnh muộn. Điều đáng nói là bố của bệnh nhân đã từng mắc lao và tử vong vì bệnh lao cách đây 3 năm. Nhưng do sự mặc cảm, thiếu hiểu biết về bệnh lao, đã đẩy bệnh nhân đến kết cục đau lòng này. Tôi hy vọng, câu chuyện này sẽ không lặp lại ở bất kỳ gia đình khác, đặc biệt ở các khu vực vùng sâu, vùng xa. Người dân hãy tự chủ động dự phòng, ý thức để phát hiện sớm bệnh lao, tiếp cận điều trị vì bệnh lao hoàn toàn có thể chữa khỏi”, PGS Nguyễn Viết Nhung chia sẻ.

Cũng theo PGS Nguyễn Viết Nhung, các chỉ tiêu về phát hiện đều giảm do việc giảm tiếp cận của người dân đến các hoạt động phòng chống lao. Với những bệnh nhân lao, việc tiếp cận điều trị cũng gặp khó khăn.

“Nếu trước đây, bệnh nhân có thể thường xuyên đến khám hoặc khám 1-2 tuần một lần, nhưng hiện nay, bệnh nhân đều được cấp thuốc 1 hoặc 2 tháng. Mặc dù, việc cung cấp điều trị tương đối tốt, nhưng việc phát hiện người nhiễm lao rất khó khăn trong năm 2021” - PGS Nguyễn Viết Nhung cho biết.

Biến thách thức thành cơ hội

Thực tế cho thấy, lâu nay những người bị lao vẫn luôn mang mặc cảm, sự tự ti đa phần có ý giấu bệnh trước ảnh hưởng của dịch Covid càng nhiều bệnh nhân lao chần chừ không đi khám và điều trị. Việc này đồng nghĩa với việc gia tăng số bệnh nhân tử vong do lao cũng như làm gia tăng số người mới mắc bệnh lao.

Đánh giá của của chuyên gia y tế cho thấy, trong đại dịch Covid-19, công tác chống lao tại Việt Nam đối mặt với nhiều khó khăn trong việc tiếp cận điều trị cho bệnh nhân, nhất là khi bước vào làn sóng dịch thứ tư. Trong đó, lịch hẹn tái khám dài hơn, số lượng người đến khám bệnh, chữa bệnh tại nhiều cơ sở y tế giảm mạnh. Đặc biệt trong thời gian thực hiện cách ly xã hội, số lượng bệnh nhân đến khám giảm tới 50-70% ở nhiều nơi.

Trên thực tế, số liệu phát hiện ca nhiễm của Chương trình Chống lao Quốc gia sụt giảm đáng kể so với cùng kỳ năm 2020, với 62.998 bệnh nhân được phát hiện so với 82.368 bệnh nhân 10 tháng đầu năm 2020 (giảm 23,52%).

Tỷ lệ phát hiện tất cả các bệnh nhân mới và tái phát 10 tháng đầu năm là 61,5/100.000 dân, chỉ đạt 52,2% chỉ tiêu kế hoạch phát hiện cả năm (117,9/100.000 dân), đặt ra rất nhiều khó khăn và thách thức cho năm 2021.

Tỷ lệ điều trị khỏi bệnh nhân lao có bằng chứng vi khuẩn học mới và tái phát mới đạt 84,7%. Tỷ lệ điều trị thành công là 91,9%, đạt mục tiêu Chương trình chống Lao quốc gia đã đề ra là trên 90%. Một số tỉnh có tỷ lệ điều trị khỏi cao như Hòa Bình (94%), Khánh Hòa (96%) và đặc biệt là HậuGiang (98%). Tỷ lệ âm hóa đờm sau 2(3) tháng điều trị của bệnh nhân trong năm 2020 đạt 85,6%. Những số liệu này đã cho thấy hoạt động điều trị vẫn được duy trì tốt với tỷ lệ điều trị khỏi do vậy cần nhiều nỗ lực từ các địa phương cũng như của xã hội để hướng đến mục tiêu chấm dứt bệnh Lao.

Đề cập đến vấn đề trên, đại diện Bộ Y tế cũng cho biết, để đảm bảo công tác khám chữa bệnh vừa đảm trách công tác phòng, chống đại dịch Covid-19 hiệu quả nên rất nhiều cơ sở Y tế xuất hiện tình trạng quá tải kéo dài.

Các cơ sở Y tế và các đơn vị chống lao trên toàn quốc cũng chịu sự tác động chung của toàn ngành y tế. Với sự gia tăng nguồn lực y tế cho công tác phòng chống dịch nên tình trạng thiếu nhân lực cho các hoạt động thường quy của chương trình như: Phát hiện chủ động, xét nghiệm, giám sát ….).

Rõ ràng những thách thức hiện nay là rất lớn, chúng ta phải chạy đua với thời gian trong tiến trình đạt cam kết toàn cầu về chấm dứt bệnh lao năm 2030.

Hơn bao giờ hết, chúng ta cần sự hỗ trợ gấp đôi để nâng cao nhận thức và tham vọng của mình, tôn trọng các cam kết và huy động các nguồn lực cần thiết để giúp đạt được các mục tiêu.

Cơ hội cho tất cả mọi người chung tay giúp sức, nâng cao nhận thức về bệnh lao, đồng thời kêu gọi sự quan tâm, hành động của các cấp chính quyền, các ban, ngành đoàn thể và cộng đồng để chiến thắng bệnh lao.

Lan Hương