Bài 3: Nỗ lực giúp dân vượt qua khó khăn
Có thời điểm trên địa bàn tỉnh Bình Dương dịch diễn biến cực kỳ nặng, mỗi ngày, ghi nhận hàng nghìn ca mắc mới. Thậm chí, có những ngày Bình Dương còn vượt TP HCM về số ca mắc khiến ngành y tế bị quá tải trầm trọng; đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn. Trước tình hình này, tỉnh Bình Dương đã huy động gần như toàn bộ lực lượng và vật chất để hỗ trợ người dân vượt qua thời khắc khở khăn nhất.
Kế hoạch thần tốc ở vùng "đỏ đậm đặc"
Tỉnh Bình Dương buộc phải áp dụng biện pháp giãn cách xã hội mạnh hơn tại 11 phường thuộc vùng "đỏ đậm đặc" của TP Thuận An và TX Tân Uyên. Theo đó, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 quyết định thực hiện biện pháp "khoá chặt" 15 ngày đối với 11 phường ở TP Thuận An và TX Tân Uyên, riêng TP Dĩ An có 4 phường cũng phải thực hiện biện pháp mạnh trong vòng 7 ngày.
Việc thực hiện "khóa chặt" nhằm hạn chế tối đa sự di chuyển của người dân để tranh thủ sàng lọc bóc tách F0. Với việc "khoá chặt" số dân gần 720.000 người, chính quyền Bình Dương đã phải lên kế hoạch cung cấp lương thực, thực phẩm cho người dân trong 15 ngày và thần tốc chuẩn bị gạo, thực phẩm để kịp thời cung ứng cho người dân.
Để thực hiện được kế hoạch, tỉnh Bình Dương đã sử dụng 5.753 tấn gạo từ nguồn cấp của Thủ tướng Chính phủ và chi số tiền gần 540 tỷ đồng để mua thực phẩm cho người dân 11 phường bị "khoá chặt".
Với mục tiêu không có người dân nào bị thiếu đói, chính quyền tỉnh Bình Dương đã hỗ trợ toàn bộ nhân lực, cùng với sự hỗ trợ của lực lượng quân đội, tình nguyện viên đã suốt ngày đêm tổ chức phân chia gạo, rau củ quả thành từng phần và kịp thời mang đến tận nhà cho các hộ dân với phương châm "đóng gói tới đâu, phân phát tới đó".
Tại thị xã Tân Uyên có 7 phường bị "khoá chặt" với khoảng 332.000 người phải cung cấp lương thực, trong đó, phường Tân Hiệp đông nhất là 61.800 người. Trong khi đó, tại TP Thuận An có 4 phường phải "khoá chặt", chính quyền thành phố đã thực hiện cấp phát 215,45 tấn gạo cho người dân, 617,56 tấn rau củ quả (đã cấp phát cho khu phố giao cho dân), 50 tấn cá, 88.216 gói mì, 11.027 chai dầu ăn, 11.027 chai nước mắm, 40.147 bịch hạt nêm, 30.000 hộp cá…
Ông Nguyễn Thanh Tâm, Chủ tịch UBND TP Thuận An, cho biết thành phố đã điều động tất cả nguồn lực, làm xuyên đêm, vừa tổ chức xét nghiệm sàng lọc, bóc tách F0 vừa tranh thủ vận chuyển lương thực đến cho người dân. Lãnh đạo TP Thuận An nói rằng, do số lượng người dân trên địa bàn 4 phường bị "khoá chặt" rất lớn nên địa phương phải chia ra nhiều đợt và cố gắng bằng mọi cách lo người dân không bị đói.
Trao đổi về vấn đề này, ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, cho biết, để người dân ở tại 11 phường đang thực hiện biện pháp "khoá chặt, đông cứng" không bị thiếu đói. UBND tỉnh đã giao cho UBND TP Thuận An và TX Tân Uyên xây dựng kế hoạch cụ thể, phân công các phòng, ban có liên quan và UBND 11 phường nhằm triển khai kế hoạch của Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh tỉnh.
Bên cạnh đó, các địa phương phải tạo điều kiện cho đơn vị cung ứng, xe hàng hóa và nhân viên bao gói sản phẩm đến điểm tập kết, giao nhận trong suốt quá trình thực hiện "khóa chặt". Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tại các chốt chặn tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất 3 tại chỗ, 2 điểm đến, 1 cung đường trong vùng "khóa chặt" được vận chuyển hàng hóa lưu thông phục vụ sản xuất, xuất khẩu và hàng hóa thiết yếu để đảm bảo cuộc sống của công nhân tại doanh nghiệp.
Ai bị sót hỗ trợ, giải quyết ngay
Bà Nguyễn Ngọc Hằng, Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Bình Dương cho rằng, trong khi người lao động được tiếp tục hỗ trợ gói 30.000 tỷ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, được nhận thấp nhất 1,8 triệu đồng/người thì không ít người vẫn đang gặp nhiều khó khăn vì không tham gia đóng bảo hiểm thất nghiệp, họ cần được quan tâm. Vì thế, sở đã đề xuất UBND tỉnh hỗ trợ các nhóm này, mức hỗ trợ giao động khoảng 1 triệu đồng/người.
Sở LĐ-TB&XH tiếp tục trình UBND tỉnh phê duyệt thêm một gói hỗ trợ khác, đó là hỗ trợ các đối tượng F0 đang điều trị tại nhà hoặc các cơ sở điều trị tập trung trong thời gian tới. Mức hỗ trợ khoảng 1 triệu đồng/người, ưu tiên người ở trọ không may mắc Covid-19 và chỉ áp dụng từ ngày có quyết định trở về sau.
“Với các đối tượng được hỗ trợ trong 12 nhóm quy định của Nghị quyết số 68 của Chính phủ, sở đang chỉ đạo các huyện, thị, thành phố đẩy nhanh tiến độ hơn nữa. Dù gói này được triển khai đến hết ngày 31/12, nhưng phải hoàn thành thủ tục hồ sơ sớm hơn, để tiền hỗ trợ đến tay bà con. Với nhóm đối tượng là người lao động mất việc, ngừng việc do ảnh hưởng dịch bệnh, đến nay cơ bản đã giải quyết xong, tiền đã đến tay người lao động”, bà Hằng nói.
Với gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng từ kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, BHXH tỉnh đang đẩy nhanh tiến độ, có văn bản hướng dẫn cụ thể cách đăng ký hồ sơ đến các huyện, thị, thành phố. Bà Lê Minh Lý, Giám đốc BHXH tỉnh, cho biết: “BHXH Bình Dương sẽ đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ và hoàn thành đúng kế hoạch khoảng 1,5 tháng tính từ ngày triển khai (1/10) theo đúng chỉ đạo của BHXH Việt Nam.
Bà Nguyễn Ngọc Hằng thông tin thêm thời gian qua Sở LĐ-TB&XH cũng nhận được phản ánh từ một vài khu nhà trọ chưa nhận được hỗ trợ chính sách và đã chỉ đạo các địa phương rà soát việc này, không để bà con bức xúc cũng như thiếu công bằng. Đơn cử như gói 800.000 đồng từ Nghị quyết 04 của HĐND tỉnh hay Quyết định 12 của UBND tỉnh, dù đã hết hạn đăng ký vào cuối tháng 8, nhưng ai đã đăng ký mà bị sót danh sách, khi địa phương nhận phản ánh là giải quyết ngay.
Bên cạnh đó, nhiều sở, ngành, tổ chức như Hội Chữ thập đỏ tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh và các xã, phường vẫn đang tích cực kêu gọi các nguồn hỗ trợ giúp người lao động ở trọ. Trong khi đó, Liên đoàn Lao động tỉnh đang rà soát danh sách các công ty, doanh nghiệp hoạt động sản xuất trở lại, qua đó liên kết với người lao động mất việc, cần việc để đáp ứng ngay, không để lao động chờ việc.
Đề cập đến công tác hỗ trợ những người gặp khó khăn do dịch Covid-19, ông Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Dương cho hay, tỉnh đã vận động được nguồn kinh phí với tổng giá trị gần 255 tỷ đồng, trong đó có gần 122 tỷ tiền mặt và hàng hóa phục vụ phòng chống dịch trị giá khoảng 133 tỷ đồng. Ông Lộc gửi lời cảm ơn đến doanh nghiệp, nhân dân trong và ngoài tỉnh thời gian qua đã sát cánh, hỗ trợ Bình Dương.
Cũng trao đổi về vấn đề trên, theo ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Bình Dương, địa phương đang triển khai chính sách hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh. “Các huyện, thị xã, thành phố đã triển khai thống kê danh sách và trực tiếp chi hỗ trợ ở từng địa bàn. Do đang giãn cách xã hội và lực lượng dồn nhiều để phòng, chống dịch nên công tác triển khai chính sách có gặp khó khăn. Tuy nhiên, chúng tôi đã đề nghị các địa phương sớm thực hiện nhanh nhất có thể”, ông Tuyên nói.
Trong trạng thái “bình thường mới”, để hỗ trợ cho người lao động khó khăn, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương dự kiến tham mưu UBND tỉnh hỗ trợ 1 triệu đồng/người cho F0 điều trị tại nhà trọ; 500.000 đồng/người cho F0 xuất viện và cách ly 14 ngày tại nhà. Sở cũng đang rà soát các đối tượng thật sự khó khăn để ban hành chính sách an sinh xã hội, với mức hỗ trợ 1 triệu đồng/người, gồm: người lao động tự do tiếp tục tạm dừng hoạt động (bán vé số, bán hàng rong...), hộ nghèo, cận nghèo, người bảo trợ xã hội, người có công.