Vaccine mũi 3 để củng cố hệ miễn dịch

Đức Trân 30/12/2021 07:00

Bộ Y tế yêu cầu các địa phương phải hoàn thành việc tiêm vaccine phòng Covid-19 mũi 2 cho người từ 18 tuổi trở lên trước 31/12/2021; hoàn thành tiêm mũi 2 cho người từ 12-18 tuổi trong tháng 1/2022 và tiêm mũi thứ 3 cho người từ 18 tuổi trở lên trong quý 1/2022.

Đến sáng 29/12, đã có hơn 3 triệu liều vaccine phòng Covid-19 mũi 3 được tiêm trên phạm vi cả nước. Các địa phương có tỷ lệ bao phủ vaccine cao như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh cũng đang trong quá trình triển khai đẩy nhanh tiến độ của việc tiêm mũi vaccine nhắc lại.

Theo các chuyên gia y tế, việc tiêm vaccine mũi 3 là hết sức cần thiết nhằm tăng hiệu lực bảo vệ cơ thể, giúp cơ thể sản xuất đủ kháng thể chống lại SARS-CoV-2, nhất là trước những biến thể nguy hiểm như Delta hay Omicron.

Lý giải về lý do người dân cần tiêm mũi 3 của vaccine phòng Covid-19, PGS.TS Trần Đắc Phu - Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế) cho hay, hiệu quả bảo vệ của các loại vaccine phòng Covid-19 đang được sử dụng hiện nay tại Việt Nam nằm trong khoảng từ 78-94% tùy loại. Hiệu quả này sẽ bị giảm dần theo thời gian, đặc biệt là người từ 65 tuổi trở lên. Thông thường, nồng độ kháng thể sẽ giảm sau khi tiêm mũi cuối cùng từ 4 tháng đến 6 tháng vì vậy việc tiêm mũi nhắc lại sau 3 tháng là cần thiết để người dân có sự bảo vệ tốt nhất trước Covid-19, còn đối với người cần tiêm mũi bổ sung thì tiêm sau 28 ngày.

Giải thích thêm, ông Phu cho biết, có sự khác nhau giữa liều bổ sung và liều nhắc lại, liều bổ sung vaccine phòng Covid-19 được tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên và đảm bảo bao phủ cho toàn bộ người từ 50 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản (tiêm 1 hoặc 2 hoặc 3 mũi tùy theo loại vaccine) với khoảng cách sau mũi cuối cùng của liều cơ bản từ 28 ngày đến 3 tháng bao gồm: Người có tình trạng suy giảm miễn dịch vừa và nặng như người ghép tạng, ung thư, HIV… người đã tiêm đủ liều cơ bản bằng vaccine của hãng Sinopharm hoặc vaccine Sputnik V. Loại vaccine tiêm bổ sung cùng loại với liều cơ bản hoặc vaccine mRNA.

Còn liều nhắc lại hay còn gọi là liều tăng cường là tiêm vaccine phòng Covid-19 cho đối tượng người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản hoặc liều bổ sung với khoảng cách sau mũi cuối cùng của liều cơ bản ít nhất 3 tháng.

Trong đó, liều cơ bản là liều vaccine tiêm theo liệu trình quy định của nhà sản xuất. Trong các loại vaccine được Bộ Y tế phê duyệt và được tiêm ở Việt Nam, chủ yếu là các loại vaccine liệu trình hai liều (thường gọi là mũi một, mũi hai), như vaccine của AstraZeneca, Pfizer, Moderna, Sinopharm... mỗi liều tiêm cách nhau tối thiểu 3-8 tuần tùy loại.

Đồng quan điểm, ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho biết, tiêm chủng vaccine để phòng, chống các bệnh truyền nhiễm là biện pháp hiệu quả nhất, đặc biệt là đối với các loại dịch bệnh truyền nhiễm có tác nhân gây bệnh là do virus. Việc phát triển vaccine Covid-19 an toàn và hiệu quả là một bước tiến lớn trong nỗ lực toàn cầu, nhằm chấm dứt đại dịch.

Vaccine phòng Covid-19 giúp cơ thể được bảo vệ bởi kháng thể, giảm nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2, đặc biệt giảm triệu chứng nặng, giảm nguy cơ tử vong. Tuy nhiên, các bằng chứng thời gian gần đây cho thấy hiệu quả của vaccine có thể giảm theo thời gian và các loại vaccine phòng Covid-19 hiện đang sử dụng có thể kém hiệu quả hơn đối với biến thể của virus SASR-CoV-2.

Theo ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, việc tiêm mũi vaccine bổ sung và nhắc lại là hết sức cần thiết nhằm duy trì hiệu quả kháng thể để bảo vệ trước Covid-19, nhất là các đối tượng cao tuổi hoặc làm việc trong những môi trường có nguy cơ cao. Sự xuất hiện gần đây của biến thể Omicron càng nhấn mạnh thêm tầm quan trọng của việc tiêm nhắc lại mũi thứ 3. Tiêm vaccine Covid-19 mũi 3 sẽ có hiệu quả trong việc củng cố hệ miễn dịch, tăng khả năng phòng bệnh.

Đức Trân