‘Đánh’ vào túi tiền sẽ nhớ

Tinh Anh 30/12/2021 07:00

Ngày 1/1/2022, Luật Xử lý vi phạm hành chính 2020 có hiệu lực thi hành. Theo đó, mức xử phạt người vi phạm giao thông sẽ được nâng từ tối đa 40 triệu đồng lên tối đa 75 triệu đồng. Đây được xem là “cây gậy” dùng để “đánh” vào túi tiền của nhiều người bất chấp quy định của pháp luật, ngang nhiên vi phạm Luật Giao thông đường bộ.

Tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP, mức xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ đã được nâng lên tới 40 triệu đồng những tưởng đã đủ sức răn đe, phòng ngừa các hành vi vi phạm. Song, thực tế không phải vậy, nhiều người vẫn bất chấp quy định pháp luật, ngang nhiên thực hiện những hành vi gây nguy hiểm cho người và phương tiện khác.

Đơn giản là bởi với một số lỗi vi phạm, đối tượng vi phạm, mức xử phạt 40 triệu đồng có thể đã là một khoản “thiệt hại” lớn cần cân nhắc khi thực hiện hành vi vi phạm. Song, với nhiều lỗi vi phạm với những người giàu thì mức xử phạt hành chính 40 triệu đồng chỉ như “muỗi đốt inox”, chẳng thấm tháp vào đâu so với cái lợi mà họ thu về.

Chẳng hạn như tại Khoản 9, Điều 12, Nghị định 100, tổ chức có hành vi mở đường nhánh đấu nối trái phép vào đường chính, hoặc xây dựng nhà ở lấn chiếm đất đường bộ sẽ bị phạt 30-40 triệu đồng. Thử hỏi, với việc xây dựng lấn chiếm đường và mở đường nhánh đấu nối vào đường chính sẽ thu về bao nhiêu tiền, liệu phạt 40 triệu đồng có thấm tháp gì?

Hay như với những “ma men”, “nhà có điều kiện”, thì việc bị đo nồng độ cồn vượt quá ngưỡng cho phép trong hơi thở, trong máu, rồi bị phạt kịch khung 40 triệu đồng liệu có đủ để làm họ sợ? Hoặc giả, với những người nghiện ma túy thì đến sức khỏe bản thân họ còn chẳng quan tâm, nói gì việc bị lực lượng chức năng phát hiện nồng độ ma túy rồi bị phạt 40 triệu đồng?

Thêm một ví dụ khác. Tại Khoản 1, Điều 14, Nghị định 100 quy định: Tổ chức có hành vi xây dựng hoặc thành lập bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ, trạm thu phí đường bộ khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước về giao thông vận tải đồng ý theo quy định sẽ bị phạt tới 40 triệu đồng. Thử hình dung, với một trạm thu phí tự phát, một bãi đỗ xe lậu, hay với một bến xe lập trái phép, cái lợi sẽ là bao nhiêu, sá gì số tiền phạt 40 triệu đồng?

Đưa ra một vài ví dụ về lỗi vi phạm trong giao thông đường bộ để thấy rằng, mức phạt tới 40 triệu đồng cũng đã cao, nhưng chưa đủ sức răn đe đối với một số hành vi và một số đối tượng không biết kiêng dè pháp luật. Có thể, ngay cả mức phạt cao tới 75 triệu đồng mà vài ngày nữa sẽ thực hiện thì cũng chưa chắc đủ sức răn đe với những người này.

Song, dù sao thì việc Luật Xử lý vi phạm hành chính đã nới “trần” mức xử phạt vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ lên 75 triệu đồng cũng đã khiến không ít người phải “chờn”. Chưa kể cứ 10 lần vi phạm mà đều bị phạt kịch khung là đã mất 750 triệu đồng, nếu hành vi vi phạm tái diễn nhiều lần còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự, liệu có biết sợ?

Lâu nay, nhiều người ỷ thế “nhà giàu”, “lắm tiền, nhiều của” nên chơi ngông cố tình vi phạm pháp luật rồi chấp nhận nộp phạt. Những người này chỉ sợ duy nhất một điều, đó là bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Song, họ cũng nắm được quy định pháp luật, biết mức độ thế nào thì chỉ bị xử lý hành chính nên vẫn “nhờn luật”.

Giờ với việc nâng cao mức xử phạt vi phạm hành chính trong nhiều lĩnh vực chứ không chỉ riêng lĩnh vực giao thông đường bộ, tin chắc sẽ có nhiều người biết sợ mà không dám nhu nhơ với pháp luật. “Đánh” vào túi tiền chính là biện pháp hiệu quả để răn đe, phòng ngừa vi phạm.

Tinh Anh