Giải bài toán thừa, thiếu giáo viên
Thiếu giáo viên là nguyên nhân dẫn đến quá tải ở nhiều trường học. Nhưng khó khăn này không chỉ riêng ngành Giáo dục có thể giải quyết khi biên chế là câu chuyện liên quan đến nhiều bộ, ngành.
Mong minh bạch thông tin
Thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), hiện cả nước còn thiếu 94.714 giáo viên, song cũng thừa đến 10.178 giáo viên ở các cấp học. Bộ GDĐT cho biết, năm học 2020 -2021 đã hướng dẫn các địa phương trong việc rà soát việc tuyển dụng, bố trí, sử dụng giáo viên hợp lý, hiệu quả; đồng thời có giải pháp lâu dài để quy hoạch, tuyển dụng và bố trí đủ giáo viên dạy đúng và đủ các môn học, thực hiện điều tiết từ nơi thừa sang nơi thiếu.
Căn cứ số thừa, thiếu giáo viên trên cả nước, Bộ GDĐT đã đề nghị Bộ Nội vụ báo cáo Chính phủ giao bổ sung 94.714 biên chế trong giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, riêng năm 2021, đề nghị bổ sung khoảng 30.000 biên chế (gồm 20.000 biên chế giáo viên cho các môn học mới cấp tiểu học, cấp THPT và 10.000 biên chế giáo viên mầm non cho các địa phương vùng sâu, vùng xa khó khăn, vùng dân tộc thiểu số).
Là một trong số 65 cán bộ nhận quyết định thuyên chuyển của huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An đến trường học mới trong năm học này, cô giáo N.T.H., giáo viên dạy Văn có nhiều tâm tư. Theo cô H., việc luân chuyển, điều động giáo viên giữa các trường trong cùng một huyện là việc làm không mới, đã thực hiện nhiều năm qua và là chính sách chung của ngành Giáo dục song khi quyết định điều động, nên có trao đổi, thông báo trước với giáo viên thay vì bất ngờ nhận được quyết định mà không được giải thích gì thêm.
Bên cạnh đó, khi thực hiện việc này phải dựa trên kết quả bình xét của trường thay vì điều chuyển không theo nguyên tắc, tiêu chí nào hoặc phải công khai các tiêu chí này, cũng nên xem xét đến các yếu tố hoàn cảnh gia đình, có như vậy giáo viên mới ổn định tư tưởng, yên tâm công tác. “Cũng cần tính đến địa bàn xã khó khăn thì cử giáo viên đi biệt phái phải có thời hạn rõ ràng, chẳng hạn không quá 3 năm hoặc giáo viên tình nguyện viết đơn thuyên chuyển thì tùy từng trường hợp để xem xét” - cô H. bày tỏ.
Trên thực tế, quyết định điều động giáo viên từ nơi thừa về nơi thiếu và ngược lại không phải là câu chuyện mới, đã được các địa phương triển khai nhiều năm qua. Nhưng có những nơi, những trường hợp các quyết định thuyên chuyển này không nhận được sự đồng thuận của người trong cuộc. Như câu chuyện ở tỉnh Quảng Nam là một ví dụ. Sau khi có ý kiến phản ánh, sở này đã mời 61/63 giáo viên được tăng cường trong năm học này và hiệu trưởng của các trường THPT gặp mặt để lắng nghe ý kiến… Từ đây, có thể thấy, nếu như trước khi tiến hành điều động, các giáo viên được hướng dẫn, giải thích, động viên thì hẳn sẽ không có những bức xúc, băn khoăn.
Bên cạnh đó, điều giáo viên và dư luận mong mỏi đó là cần thiết phải xây dựng những quy định cụ thể về điều động, điều chuyển giáo viên ở mỗi địa phương, từ đó làm cơ sở để thực hiện việc này thay vì làm ngẫu nhiên, cảm tính không theo một tiêu chí nào. Và thời hạn luân chuyển cũng cần được tính đến và ghi rõ trong quyết định để giáo viên biết, chuẩn bị tinh thần “một đi không trở lại” hay đi vài năm rồi sẽ điều động trở lại hoặc đến nơi khác. Khi mọi thứ được công khai, minh bạch thì chắc chắn giáo viên được điều động cũng sẽ vui vẻ chấp hành.
Không thể chỉ là giải pháp tình thế
Năm học 2021 - 2022, toàn tỉnh Bình Phước có 429 trường/8.159 lớp, nhóm với gần 259 nghìn học sinh các cấp. Đây là năm học đầu tiên thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho lớp 2 và lớp 6. Cơ sở vật chất trường, lớp cơ bản đáp ứng nhu cầu dạy học, không có phòng học tạm, mượn. Tuy nhiên, toàn tỉnh vẫn thiếu 1.316 giáo viên và 586 cán bộ, nhân viên.
Giải pháp tạm thời ở một số trường đó là dồn lớp, chấp nhận không đảm bảo theo quy định về số học sinh/lớp. Đơn cử như tại Trường TH&THCS Lê Văn Tám, xã Thành Tâm, huyện Chơn Thành năm học này đã dồn học sinh khối 8 từ 4 lớp thành 3 lớp, trung bình 52 học sinh/lớp. Đồng thời, trường không nhận học sinh lớp 1 ở xã Trừ Văn Thố, huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương như năm học trước đó. Như vậy, năm nay trường còn 1.295 học sinh/32 lớp, giảm 2 lớp, giảm 30 học sinh so với năm học trước. Tuy nhiên, theo biên chế số học sinh/lớp thì Trường TH&THCS Lê Văn Tám cần 57 giáo viên đứng lớp mới đảm bảo quy định nhưng hiện chỉ có 41 giáo viên, thiếu 16 giáo viên. Khó khăn còn chồng chất hơn khi năm học này kế toán nghỉ việc, 2 giáo viên đang thời kỳ nghỉ sinh, 1 giáo viên sắp nghỉ hưu.
Tăng hợp đồng ngoài biên chế, xã hội hóa đối với một số môn học trên cơ sở phụ huynh có nhu cầu, đề nghị nhà trường thực hiện, chịu trách nhiệm quản lý và kinh phí phụ huynh chi trả… là một số giải pháp tình thế ngành Giáo dục Bình Phước đang thực hiện. Nhưng rõ ràng, để đảm bảo chất lượng dạy và học, bài toán thiếu giáo viên cần sớm được giải quyết. Ông Lý Thanh Tâm, Giám đốc Sở GDĐT Bình Phước cho biết Sở đang đề xuất với UBND tỉnh chỉ đạo Sở Nội vụ và các huyện, thị xã, thành phố tiến hành điều động giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu (khoảng 586 người); đồng thời, tiếp tục thẩm định bổ sung biên chế cho các địa phương theo tổng biên chế được giao.
Cả nước đã bắt đầu triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới ở lớp 1, 2 và 6 và sẽ tiếp tục với các khối lớp khác ở các năm tiếp theo. Để đảm bảo thành công của chương trình, nhiều chuyên gia đã chỉ ra vấn đề là phải đảm bảo sĩ số học sinh/lớp theo đúng quy định của Bộ GDĐT nhưng ở nhiều tỉnh thành, nhất là ở các khu vực nội đô đông dân, việc đảm bảo quy định về sĩ số là một yêu cầu khó khi cơ sở vật chất thiếu, giáo viên không đủ.
Ông Nguyễn Văn Diễn, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng GDĐT huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước cho biết, nếu phân bổ đủ biên chế giáo viên, huyện sẽ sẵn sàng đầu tư xây dựng thêm phòng học, mua sắm đầy đủ trang thiết bị và sẽ tách lớp. Khi đó, huyện sẽ không còn tình trạng quá tải như những năm qua.
Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn trong chuyến làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Phước vừa qua đã gợi mở địa phương bên cạnh chỉ tiêu cho phép, cần triển khai đa dạng các giải pháp, trong đó có thể tính đến giải pháp xã hội hóa đối với các môn như ngoại ngữ, tin học, thông qua việc ký hợp đồng với doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ trong thiết kế bài giảng E-learning, mô hình dạy học trực tuyến,…
Đối với giáo viên cho các trường mầm non, nhà trẻ ở các khu công nghiệp hiện nay vẫn còn thiếu ở đa số các địa phương, Bộ trưởng Sơn cho rằng giải pháp trước mắt đó là cần tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa trong giáo dục, nhất là ở thành phố, những nơi mức sống cao hơn, tập trung nhiều hơn vào cấp mẫu giáo, mầm non, tiểu học - việc này sẽ giúp giảm bớt khó khăn về thiếu giáo viên.
Về phía Bộ GDĐT cũng đang tính đến các giải pháp về chính sách nhằm huy động các lực lượng hỗ trợ nhân lực giảng dạy Tiếng Anh và Tin học; trong đó để giảm số lượng giáo viên có thể lưu ý phát huy và tận dụng bài giảng điện tử trong giảng dạy 2 môn học này.
Giáo sư, Viện sĩ Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo: 2 giải pháp căn cơ
Giáo viên nơi này thừa, nơi kia thiếu là bài toán nhiều năm vẫn chưa có lời giải triệt để, ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng giáo dục đào tạo bởi ai cũng biết, khi lớp học quá đông, giáo viên không thể quan tâm tới tất cả mọi học sinh. Không phải tự nhiên lại có quy định về số học sinh một lớp. Hay quy định về số tiết của giáo viên trong 1 năm học để bên cạnh việc dạy học trên lớp, giáo viên còn rèn luyện, bồi dưỡng, tự học nâng cao năng lực, kiến thức… nhưng nếu trường thiếu giáo viên, phải dạy tăng số tiết thì thời gian đâu để tự bồi dưỡng? Vì vậy, tôi cho rằng cần thiết phải rà soát, sắp xếp quy mô mạng lưới trường lớp một cách trách nhiệm, quyết liệt để giảm điểm trường, số trường, tăng trường liên cấp, liên xã và bán trú từ đó giảm giáo viên. Bên cạnh đó là đẩy mạnh tự chủ, xã hội hóa giáo dục đào tạo, nhất là giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông ở những nơi có điều kiện. Đi kèm với đó là phải rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan để hoàn thiện cơ chế, tạo điều kiện để các trường, các địa phương tự chủ, xã hội hóa thuận lợi.
Cục Trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo Vũ Minh Đức: Đổi mới đào tạo đội ngũ giáo viên
Việc thiếu giáo viên chủ yếu xảy ra ở các môn học như Tiếng Anh, Mỹ thuật, Âm nhạc, Tin học… bởi chế độ đãi ngộ và mức lương chưa hấp dẫn so với các công việc khác cùng chuyên ngành. Đặc biệt là có tình trạng thiếu giáo viên cục bộ ở những địa phương có các khu công nghiệp, bởi mức lương của công nhân tại các khu công nghiệp cao hơn hẳn mức lương của giáo viên, không thu hút được nguồn nhân lực tham gia giảng dạy, nên có tình trạng nhiều lao động chấp nhận công việc ở các khu công nghiệp thay vì công việc dạy học.
Một trong những giải pháp để giải quyết tình trạng này là việc đào tạo đội ngũ giáo viên cũng cần phải được thay đổi để vừa đảm bảo nâng cao chất lượng, vừa có thể điều chỉnh, sắp xếp đội ngũ giáo viên phù hợp với tình hình thực tế. Các trường sư phạm cũng phải đổi mới quá trình đào tạo của mình để cho một giáo viên có thể giảng dạy được nhiều môn theo hướng tích hợp liên môn như vậy thì khi có thừa thiếu cục bộ thì có thể điều chuyển được và sẽ hạn chế được tình trạng thừa thiếu cục bộ. Bản thân các nhà giáo cũng phải nhận thức tình hình hiện nay đối với nhu cầu việc làm cũng như nhu cầu về sự nghiệp giáo dục để thích ứng với việc là dạy tích hợp liên môn và đặc biệt là phải luôn luôn có ý thức vươn lên, nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ sư phạm đạo đức nhà giáo, để đáp ứng yêu cầu thì mới có thể giữ được việc làm ổn định.