Lương giáo viên vẫn còn thấp lắm!
Trao đổi với Báo Đại Đoàn Kết, GS. TS Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, đào tạo sư phạm không thể không có kế hoạch. Phải tính toán cho phù hợp, không thể thả nổi như hiện nay bởi trường nào cũng muốn tuyển sinh nhiều, nhất là những ngành mình có sở trường mà không căn cứ trên nhu cầu tuyển dụng thực tế từ các địa phương.
PV: Hiện nay nhiều địa phương thống kê có tình trạng thừa thiếu – giáo viên cục bộ. Từ góc độ đào tạo ở các trường sư phạm cần có những thay đổi nào để góp phần giảm bớt tình trạng này thưa giáo sư?
GS. TS Trần Hồng Quân: Thừa rõ ràng là vấn đề chúng ta làm chưa làm tốt công tác dự báo, quy hoạch nhân lực. Nếu thống kê được những môn học nào thừa giáo viên thì phải có kế hoạch đào tạo giảm bớt thay vì đào tạo theo thế mạnh của các trường mà không tính đến nhu cầu tuyển dụng của địa phương. Khi đó, câu chuyện cử nhân thất nghiệp sẽ dai dẳng và khiến những người có dự định, mong muốn đầu quân vào ngành sư phạm cũng lo lắng, thậm chí chùn bước.
Việc đào tạo và sử dụng giáo viên hiện nay khác trước nhiều. Trước đây trung học sư phạm, cao đẳng sư phạm và đại học sư phạm đều có nhiệm vụ đào tạo giáo viên còn hiện nay, trung học sư phạm đã bỏ, cao đẳng sư phạm cơ bản chủ yếu còn nhiệm vụ đào tạo giáo viên mầm non. Tuy nhiên, vẫn còn có những điểm chung là thiếu nhiều giáo viên ở các môn Âm nhạc, Mỹ thuật, Ngoại ngữ… Đặc biệt là giáo viên dạy giáo dục khuyết tật rất thiếu vì ít người học.
Giải quyết tình trạng này, tôi cho rằng phải thay đổi bằng chính sách, không có cách nào khác, Không thể bắt buộc ai học ngành sư phạm hay bắt buộc học giáo dục trẻ khuyết tật. Không thể chỉ trông chờ vào lòng yêu nghề, đam mê với nghề nghiệp của một bộ phận giáo viên bởi có “thực mới vực được đạo”, trong khi các ngành nghề khác lương cao, dễ xin việc hơn là sư phạm…
Chỉ có chính sách mới làm thay đổi lượng và chất trong câu chuyện giáo viên. Đến nay chúng ta đã miễn học phí cho sinh viên sư phạm và có thêm chính sách hỗ trợ phí sinh hoạt hàng tháng cho sinh viên nhưng cân nhắc giữa 4 năm đại học với cơ hội việc làm, chế độ đãi ngộ và môi trường làm việc, cơ hội thăng tiến… trong cả mấy chục năm sự nghiệp tiếp theo là cả một khoảng cách. Mức lương ra trường của giáo viên những năm đầu chưa thể trang trải cuộc sống như những ngành học khác. Lương giáo viên vẫn còn thấp lắm so với mặt bằng thu nhập của xã hội hiện nay. Nhất là khi nhiều ngành nghề có những thu nhập tăng thêm đáng kể, thậm chí cao hơn lương.
Học xong ngành sư phạm chưa chắc làm ngành này. Thực tế nhiều báo cáo đã chỉ ra những giáo viên Ngoại ngữ hay Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật… giỏi hoàn toàn có thể tìm kiếm cơ hội việc làm ở các doanh nghiệp với mức lương cao hơn nhiều so với giáo viên trong khi công việc đỡ vất vả, áp lực hơn. Đó là vấn đề lớn của đào tạo sư phạm và đội ngũ giáo viên hiện nay và chỉ có thể thay đổi nếu có những thay đổi căn cơ từ chính sách.
Không chỉ câu chuyện số lượng mà câu chuyện chất lượng đội ngũ cũng còn nhiều điều phải bàn, thưa giáo sư?
- Chúng ta vẫn chưa thể thỏa mãn vấn đề chất lượng đội ngũ, nhất là khi triển khi Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 với những yêu cầu mới. Một khó khăn tôi muốn đề cập đó là các trường sư phạm không được thu học phí nên việc đầu tư, nâng cấp, thu hút giảng viên giỏi cũng hạn chế. Các trường sư phạm cũng chật vật nếu muốn trang bị thêm cơ sở vật chất, tạo điều kiện để cải thiện chất lượng đào tạo sư phạm cũng khó vì không có kinh phí.
Tình trạng thiếu giáo viên ở các địa bàn khó khăn như vùng núi, vùng sâu vùng xa đang là một vấn đề làm “đau đầu” nhiều địa phương. Theo giáo sư có nên yêu cầu bắt buộc với giáo viên mới vào ngành phải có ít nhất 3 năm công tác vùng sâu, vùng xa trước khi về đô thị, nông thôn công tác hay không?
- Tôi không ủng hộ chính sách này bởi mọi việc đều phải xuất phát từ tinh thần tự nguyện của người trong cuộc. Thu hút người giỏi vào sư phạm đã khó, nay lại còn “bắt buộc” như vậy thì có lẽ thêm nhiều học sinh giỏi đắn đo muốn đầu quân vào ngành. Giáo dục miền núi có những đặc thù riêng mà nếu tuyển giáo viên đi “nghĩa vụ” một thời gian rồi về thì khó có sự chuyên tâm, gắn bó với vùng đất, với con người nơi ấy. Khi thiếu tâm huyết thì khó nâng chất lượng giáo dục lên như kỳ vọng. Vì vậy, cá nhân tôi cho rằng nên thay đổi về mặt chính sách với những tạo điều kiện thuận lợi hơn cho giáo viên công tác ở đây cả để họ toàn tâm toàn ý gắn bó với sự nghiệp giáo dục miền núi vốn nhiều khó khăn, thách thức đặc thù. Đào tạo giáo viên tại chỗ cho tốt để bám trụ lâu dài với mảnh đất nơi đó, đặc biệt là giáo viên là người bản địa.
Trân trọng cảm ơn ông!