Mùa rao bán tài sản
Nợ xấu được dự đoán sẽ còn tăng trong bối cảnh vừa chống dịch vừa sản xuất, khó khăn của DN sẽ kéo theo khó khăn của các ngân hàng. Và để cố gắng thu hồi tiền về cuối năm, các ngân hàng đang cấp tập đấu giá các tài sản đảm bảo.
Như thường lệ vào cuối năm, các ngân hàng dồn dập bán đấu giá tài sản đảm bảo có giá trị lớn để thanh toán nợ, chủ yếu là bất động sản và ôtô. Nợ xấu toàn ngành dự báo tiếp tục tăng, nhiều ngân hàng không khỏi lo lắng.
Thông tin rao bán cấp tập
Theo các ngân hàng, dịch Covid-19 kéo dài trong 2 năm qua đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp (DN), từ đó tác động đến chất lượng tín dụng và gia tăng nợ xấu trong hệ thống ngân hàng. Nợ xấu được dự đoán sẽ còn tăng trong bối cảnh vừa chống dịch vừa sản xuất, khó khăn của DN sẽ kéo theo khó khăn của các ngân hàng. Và để cố gắng thu hồi tiền về cuối năm, các ngân hàng đang cấp tập đấu giá các tài sản đảm bảo.
Tại Agribank, chi nhánh Trung tâm Sài Gòn phát mại 6 quyền sử dụng đất và công trình nhà cửa gắn liền với giá khởi điểm gần 430 tỷ đồng. Tổng diện tích khu đất này hơn 1.900 m2 đặt tại địa chỉ 20 Trần Cao Vân (Quận 1, TP HCM). Đây là tài sản thế chấp để thanh toán khoản nợ của Công ty TNHH Phát triển địa ốc Sài Gòn Mới.
Trước đó, Agribank (chi nhánh Bắc TP HCM) cũng bán đấu giá 2 quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất hơn 930 m2 trên đường Kinh Dương Vương (quận Tân Bình) với giá khởi điểm hơn 69 tỷ đồng. Tài sản này bảo đảm cho khoản vay của Công ty TNHH Cửu Long Phát. Tại TP Thủ Đức, Agribank cũng rao hai quyền sử dụng đất có tổng diện tích hơn 2.000 m2 với giá khởi điểm 58 tỷ đồng. Đây là tài sản bảo đảm khoản vay cho Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Thiết kế Xây dựng Phú Cường...
Còn Ngân hàng VietinBank đã đăng bán 6 quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền có diện tích hơn 8.000 m2 tại Sóc Trăng và Bạc Liêu. Tổng mức giá khởi điểm vào khoảng 60 tỷ đồng.Trước đó, vào ngày 29/11, Vietinbank cũng thông báo bán các khoản nợ vay tiêu dùng để thu hồi nợ.
Trong khi đó, nhiều ngân hàng thương mại khác cũng liên tục rao bán hàng loạt khoản nợ hoặc rao bán tài sản thế chấp của khách hàng để thu hồi nợ. Nhiều khoản nợ được rao bán không ít lần nhưng vẫn chưa xử lý xong.
Vẫn khó xử lý nợ xấu
Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh nhận định, theo thông lệ quốc tế, khi tỷ lệ nợ xấu vượt quá 3% tổng dư nợ tín dụng cho vay thì nợ xấu trở thành nguy cơ đầu độc không chỉ môi trường tài chính - tín dụng, mà còn cả nền kinh tế. Vì vậy, nỗ lực xử lý nợ xấu là nhiệm vụ không chỉ của các tổ chức tín dụng, của ngành ngân hàng mà là của toàn bộ hệ thống kinh tế - tài chính.
Đại diện Công ty Quản lý nợ và khai thác tài sản BIDV (BAMC) cho biết, tính đến ngày 30/10/2021, BAMC chỉ xử lý được 60% kế hoạch xử lý thu hồi nợ năm 2021. BAMC đã áp dụng nhiều biện pháp để thu hồi nợ, nhưng do dịch bệnh kéo dài gây đình trệ sản xuất, đứt gãy chuỗi cung ứng, DN suy giảm doanh thu, lợi nhuận, ảnh hưởng lớn đến nguồn trả nợ của các khách hàng, liên tục gây ra tình trạng trả nợ không đúng hạn. Ngoài ra, dịch bệnh cũng ảnh hưởng đến việc tiếp xúc, trao đổi, đôn đốc khách hàng trả nợ cũng như làm việc với các cơ quan tòa án, thi hành án, chính quyền để xử lý nợ.
Đại diện Công ty Quản lý nợ và khai thác tài sản Ngân hàng MB (MBAMC) cho biết, kết quả thu hồi nợ qua các tháng bị giảm, đặc biệt là vào các tháng dịch bùng phát mạnh tại TP HCM và các tỉnh phía Nam.
Đặc biệt, việc xử lý nợ qua khởi kiện và thi hành án bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Các cơ quan chức năng như tòa án, thi hành án vẫn mang tâm lý ngại tiếp xúc với đương sự. Ở các địa bàn áp dụng chỉ thị giãn cách thì việc gặp và làm việc với thẩm phán, chấp hành viên thúc đẩy giải quyết vụ việc là rất khó khăn dẫn đến các vụ việc đã khởi kiện/yêu cầu thi hành án bị đình trệ không có tiến triển trong thời gian dài.
Đại dịch Covid-19 không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả kinh doanh của hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) mà gồm cả quá trình triển khai cũng như kết quả hoạt động mua bán, xử lý nợ xấu.
Trong cuộc họp mới đây nhất của Công ty quản lý nợ và tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC) cơ quan này cho biết, bối cảnh kinh tế vĩ mô và thực trạng “sức khỏe” của các DN đang chịu ảnh hưởng tiêu cực do dịch Covid-19 cũng đã ảnh hưởng lớn đến việc tìm kiếm khách hàng mua nợ xấu. Ngoài ra, việc thu hẹp quy mô sản xuất kinh doanh, sụt giảm nguồn thu đã ảnh hưởng lớn đến nguồn trả nợ của các khách hàng mà trong thời gian trước đây VAMC áp dụng phương án xử lý nợ bằng hình thức cơ cấu nợ, đôn đốc thu hồi nợ.