Nét đẹp nhà sàn của người Tày

TH. ANH 30/12/2021 11:52

Nếu có dịp đến Cao Bằng, hay Hà Giang, chúng ta dễ dàng bắt gặp nhiều ngôi nhà sàn của người Tày. Trải qua thời gian, ngôi nhà sàn chở che cho những cư dân hiền lành, chất phác nơi vùng núi cao.

Theo các chuyên gia văn hóa: Nhà sàn của người Tày ra đời bắt nguồn từ thuở xưa có nhiều thú dữ, rắn rết nên con người phải làm nhà cao để tránh. Nhưng mặt khác nhà sàn còn có rất nhiều tiện dụng khác như gà, lợn không thể leo trèo, thoáng mát, hợp vệ sinh… Nhờ ở nhà sàn mà sức khỏe của con người cũng tốt hơn.

Nhà thơ Dương Thuấn, tác giả cuốn sách “Văn hóa Tày ở Việt Nam và tiến trình hội nhập thế giới” thông tin: Trong kiến trúc của người Tày, đáng chú ý nhất là ngôi nhà sàn. Người Tày đã ở nhà sàn từ rất lâu đời, và kiến trúc của một ngôi nhà sàn khá phức tạp. Một ngôi nhà sàn bình thường có 5 gian dọc, 5 gian ngang. Nhà to hơn có thể lên đến 6-7 gian dọc ngang. Để dựng được ngôi nhà sàn thì cần phải có sự tính toán rất tài tình của người thợ mới thực hiện được.

Việc dựng ngôi nhà sàn cũng đủ cho thấy trình độ toán học ứng dụng của những người thợ Tày đã đạt đến trình độ cao. Mọi thứ họ đo và đục đẽo bằng tay nhưng rất chuẩn xác, các ngôi nhà thường có 36 cột, 42 cột, 49 cột. Nếu như hướng bản và hướng nhà biểu hiện quan niệm về phong thủy rất rõ thì những ngôi nhà sàn dựng ở trong bản lại thể hiện một kiến trúc rất độc đáo. Ngôi nhà sàn bình thường có 4 mái, với 2 mái chính to rộng và 2 mái nhỏ hai bên.

Để dựng được một ngôi nhà sàn phải chọn miếng đất rộng khoảng 400-500 m2, san thành nền bằng phẳng rồi chôn đá tảng để dựng lên, rồi kê cột. Ngôi nhà sàn bình thường từ 5 - 7 gian, từ 30-56 cái cột, các cột cao khoảng 8-15 m. Mỗi cái cột đều được kê trên một hòn đá tảng rất vững chãi.

Theo quan niệm của người Tày, ngôi nhà sàn đẹp thường là ngôi nhà lưng quay về núi, mặt hướng ra đồng ruộng. Vào mùa hè, sự cao ráo của sàn cũng giúp cho không khí được lưu thông, thoáng mát, khi mưa sẽ không ẩm ướt, còn mùa đông tránh được giá lạnh. Nhà sàn của người Tày mang những nét đẹp và kiến trúc thẩm mỹ đặc trưng riêng, điển hình cho sự hòa hợp với thiên nhiên và chiều sâu văn hóa.

Cách bài trí bên trong của một ngôi nhà sàn, thông thường gian chính giữa để bàn thờ tổ tiên. Đối diện bàn thờ tổ tiên là bếp lửa, khoảng giữa trước bàn thờ và bếp lửa dành để tiếp khách đàn ông. Dọc phía bên trái nhà dành cho tiếp khách phụ nữ và là chỗ ngồi để ăn cơm. Dọc phía bên phải nhà là chạn để bát đũa, tủ đựng thức ăn, gạo rượu, rau cỏ, nồi chảo, muối mỡ. Khoảng sàn trống giữa bàn thờ và bếp lửa là chỗ linh thiêng của ngôi nhà. Đầu cầu thang lên nhà thường có vại hoặc máng nước để rửa tay chân trước khi vào nhà…

Ngày nay, cùng với sự phát triển kinh tế, xã hội, đời sống vật chất của nhân dân được nâng cao, những ngôi nhà cao tầng dần thay thế những ngôi nhà sàn cổ. Khi ngày càng có nhiều những ngôi nhà bê tông mọc lên thì ngôi nhà sàn càng trở nên quý giá bởi giá trị văn hóa độc đáo của kiến trúc dân tộc. Việc gìn giữ và bảo tồn những giá trị văn hóa độc đáo ấy càng được đề cao hơn bao giờ hết. Càng ngày càng có nhiều người đến chiêm ngưỡng nhà sàn với tư cách là một giá trị. Khách phương Tây đến Việt Nam đều rất thích ngắm nhà sàn, ăn ở nhà sàn, ngủ ở nhà sàn, chụp ảnh nhà sàn.

TH. ANH