Trồng táo dễ như chơi
Trồng táo đúng là “làm chơi ăn thật”. Có người đưa cây giống về, bỏ quên cả tuần rồi đem trồng mà cây vẫn sống. Nhiều người lấy được giống, trồng vội rồi quên bẵng. Chỉ tới khi cây ra trĩu quả mới nhớ tới nó. Hiện ít có loại cây ăn quả nào mà “dễ tính” như táo.
Nhưng đó là chuyện cũ rồi. Bây giờ cây táo được nhiều người coi trọng. Người ta chọn lọc cẩn thận các giống táo, lên phương án cẩn thận, lập kế hoạch, ấn định tiến độ từ lúc trồng tới lúc… hốt bạc!
Tôi sang Viện Nghiên cứu rau quả (ở cạnh Học viện Nông nghiệp Việt Nam), các chuyên gia ở đây cho tôi biết, qua mấy năm thử nghiệm, họ đã chọn ra giống đại táo và coi nó là giống “chủ bài” để cung cấp cho bà con ở các địa phương. Đúng là “đại táo”, quả táo to, màu trắng xanh rất đẹp, chỉ 2-3 quả là được 1 lạng. Táo vừa ngọt lại vừa giòn, rẻ (khoảng 30.000 đồng/kg). Để trồng táo phải chọn cây giống tốt. Táo không trồng từ hạt vì khả năng phân ly của nó, cây dễ phân tính. Ta chủ yếu nhân giống bằng phương pháp ghép. Bước đầu lên đến các cơ sở lớn để mua giống cho đảm bảo.
Thời vụ trồng cũng nên xem xét. Tuy nó có thể trồng quanh năm nhưng nên chọn thời điểm thích hợp nhất: Miền Bắc trồng vào mùa thu và mùa xuân, miền Nam nên trồng vào đầu mùa mưa. Táo không kén đất nhưng tốt nhất vẫn là những nơi có tầng canh tác dày, nhiều mùn, tơi xốp, giàu dinh dưỡng. Đất phù sa, đất bãi bồi hay đất trong vườn là tốt nhất. Nó là cây ưa sáng, càng nhiều sáng càng tốt nên tránh trồng ở những nơi cớm rợp, ít sáng. Táo ưa loại đất có pH 5-7. Nếu đất chua, ta phải chủ động bón thêm vôi.
Khoảng cách trồng thông thường từ 3 – 4 m một cây. Sau 20 - 30 ngày trồng, bà con pha loãng phân với nước tưới cho cây. Mỗi tuần tưới một lần, duy trì liên tục trong 1 - 2 tháng đầu để kích thích cây bén rễ, cứng cáp, phát triển nhanh.
Cây táo phát triển thân um tùm nên cũng cần nhiều nước. Tuy nhiên, để tránh gốc bị ngập úng kéo dài, ta nên líp luống hoặc đắp ụ để trồng. Táo cho năng suất rất cao nhưng hoàn toàn phụ thuộc vào lượng phân bón mà ta cung cấp cho nó. Phải bón lót thật đầy đủ, đào hố sâu và rộng để trữ nguồn dinh dưỡng. Rễ táo phát triển mạnh, nó có thể ăn xa gấp 5-6 lần đường kính của tán, và ăn sâu tới tận 1,5 m. Khi táo ra hoa kết trái cần tăng cường thêm phân cho cây.
Táo ra rất nhiều hoa và cũng rụng rất nhiều những hoa không kịp thu phấn, những hoa không thụ phấn sẽ bị rụng. Có một kinh nghiệm nhỏ: Chờ tới khi hoa táo ra rộ, ta khoanh bỏ hẳn một lớp vỏ rộng khoảng 2 cm, vị trí khoanh ở phần thân chính, cách gốc độ 1-1,2 m, nơi các cành bên bắt đầu ra ít hoa hoặc không có hoa. Sau khi khoanh ta phải buộc trống ngay. Cây táo trồng chỉ 1 năm cho thu hoạch, sau 5 – 6 năm mới phải thay gốc nên số tiền đầu tư không lớn. Trong quá trình chăm sóc, chỉ cần lưu ý khi cây ra quả non phải tỉa bớt quả để cây tập trung dinh dưỡng nuôi quả to và không bị gãy cành. Không buộc, trống sẽ gẫy cành. Việc này chỉ áp dụng với cây táo vì hết vụ ta lại đốn cây, chờ cành mới mọc lên. Táo dễ trồng, trồng thuần, trồng xen đều được hết. Mỗi héc ta có thể thu được 30-35 tấn quả, bán ngót nghét nửa tỉ đồng!…