Ăn trứng đúng cách tránh ngộ độc
Trứng là thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, dễ chế biến, lại có giá thành rẻ nên là lựa chọn của nhiều bà nội trợ. Tuy nhiên, có thể bị ngộ độc nếu không bảo quản và chế biến trứng đúng cách.
Trứng sống có thể chứa vi khuẩn Salmonella. Loại vi khuẩn này được tìm thấy nhiều trên vỏ trứng và cả bên trong trứng. Vì vậy, bên trong những quả trứng có vẻ bình thường, sạch sẽ và tươi ngon có thể chứa vi khuẩn gây bệnh. Đặc biệt nếu ăn trứng sống hoặc chế biến không đúng cách rất dễ bị ngộ độc.
Các triệu chứng ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn Salmonella thường xuất hiện nhanh chóng, trong vòng 8 -72 giờ sau khi ăn thực phẩm bị nhiễm Salmonella.
Các triệu chứng điển hình trong giai đoạn cấp tính bao gồm: Đau bụng co thắt, ớn lạnh, tiêu chảy, sốt, đau cơ, buồn nôn, nôn, có dấu hiệu mất nước (như nước tiểu sẫm màu, khô miệng, khát nước); phân có máu…
Các chủng vi khuẩn Salmonella đôi khi gây nhiễm trùng trong nước tiểu, máu, xương, khớp hoặc hệ thần kinh (dịch tủy sống và não), và có thể gây ra bệnh nặng.
Những trường hợp ngộ độc nặng nhất thường gặp ở trẻ nhỏ, người già và người có hệ miễn dịch suy yếu. Trẻ nhỏ có thể bị mất nước nghiêm trọng có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Để phòng ngừa ngộ độc do vi khuẩn Salmonella, cần lưu ý bảo quản và chế biến trứng đúng cách:
Lựa chọn trứng có nguồn gốc xuất xứ đảm bảo an toàn và bảo quản trứng trong tủ lạnh ở 4 độ C hoặc lạnh hơn.
Không chế biến trứng bị nứt hoặc trứng bẩn; Nấu chín kỹ trứng và thức ăn có chứa trứng; Không nên ăn trứng sống hay hòa tan trứng sống trong cháo nóng, canh nóng để phòng nhiễm khuẩn. Trứng sống có thể chứa salmonella, khi ăn trứng bị nhiễm loại vi khuẩn này có thể gây ngộ độc thực phẩm. Người cao tuổi, người bị suy giảm miễn dịch, người bệnh đái tháo đường… nếu ăn trứng sống có thể làm tăng nguy cơ ngộ độc. Khi ăn trứng sống trong lòng trắng trứng sống còn có một chất gây cản trở cơ thể hấp thu biotin (vitamin H). Đây là một dưỡng chất không thể thiếu trong quá trình sử dụng protein và bột đường, cần thiết cho sự phát triển bình thường của cơ thể. Trứng sống gây ra tình trạng mất ngủ, rụng tóc nếu ăn trong một thời gian dài. Do vậy cách tốt nhất là chế biến trứng chín để ăn an toàn và bổ dưỡng nhất.
Đối với các món ăn sử dụng trứng nấu chín nhẹ như các loại sốt cần được làm từ trứng đã được tiệt trùng. Cho vào tủ lạnh các món trứng nấu chín còn thừa và sử dụng trong vòng 3 ngày.
Sử dụng trứng đông lạnh trong vòng 1 năm. Không nên để trứng đông lạnh trong vỏ. Để đông lạnh toàn bộ trứng, đánh lòng đỏ và lòng trắng với nhau. Lòng trắng trứng cũng có thể tự đông.
Nên ăn mấy quả trứng một tuần để không bị quá liều?
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Tiến, Viện Dinh dưỡng Quốc gia: Với trẻ nhỏ từ 6 - 7 tháng tuổi, mỗi bữa ăn 1/2 lòng đỏ trứng gà; Trẻ từ 8 - 9 tháng tuổi, mỗi bữa ăn 1 lòng đỏ trứng gà hoặc 4 quả trứng chim cút; Trẻ từ 10 - 12 tháng tuổi cho ăn cả lòng đỏ và lòng trắng và mỗi bữa ăn 1 quả; Trẻ từ 1 - 2 tuổi ăn từ 3 - 4 quả/tuần.
Với người lớn, một tuần chỉ nên ăn khoảng 3 quả/tuần; Người bị tăng huyết áp hoặc cholesterol cao trong máu vẫn có thể ăn trứng, vì nó không làm tăng huyết áp và cholesterol máu, tuy nhiên không nên ăn quá nhiều.