Bài 4: Lạc quan về cuộc sống mới
Lượng F0 giảm rõ rệt, từ hàng ngàn ca, hiện chỉ còn trên dưới 100 ca mỗi ngày; số bệnh nhân nhập viện không đáng kể, trong khi người được điều trị khỏi bệnh xuất viện ngày càng nhiều; “vùng xanh” gần như được phủ kín... là những tín hiệu cho thấy, tình hình dịch bệnh Covid-19 tại tỉnh Bình Dương cơ bản được khống chế.
Bước tới đâu giữ chặt tới đó
Theo ông Nguyễn Hoàng Thao, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương, từ ngày 15/9 là một mốc cực kỳ quan trọng trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Hiện Bình Dương đang thực hiện chiến lược bước tới đâu giữ chặt tới đó, các "vùng xanh" thì xanh tới đâu giữ xanh tới đó, "vùng đỏ" còn lại đỏ tới đâu "chiến đấu" tới đó và cơ bản tỉnh đã khống chế được dịch bệnh Covid-19 bởi những cơ sở sau đây:
Thứ nhất, trên cơ sở dữ liệu của ngành y tế, một số bộ ngành Trung ương và kinh nghiệm thực tiễn đã cho thấy ở Bình Dương, các ca F0 đã và đang giảm từng ngày một cách rõ rệt. Tương ứng với điều này là các ca F0 tại các khu điều trị được ra viện ngày càng nhiều hơn, có ngày ra viện đến 7.000 ca.
Thứ hai, xét nghiệm diện rộng lượng F0 phát hiện ngày càng giảm, đặc biệt là "vùng xanh" cơ bản đã ổn định và an toàn, xét nghiệm "vùng đỏ" F0 hầu như còn rất ít.
Thứ ba, mở rộng "vùng xanh" có kiểm soát; còn "điểm đỏ", "khu vực đỏ", "gia đình đỏ" thì tiếp tục khóa chặt để sử dụng các biện pháp y tế, sử dụng các gói an sinh xã hội để hỗ trợ người dân.
Thứ tư, về vaccine, đến nay số liệu vaccine được tiêm so với số dân đã đạt gần 100%.
Thứ năm, các khu điều trị hiện nay của tỉnh đủ để đáp ứng.
Và cuối cùng là mạng lưới y tế ngày càng hoàn thiện. Cụ thể trong điều kiện bệnh viện công tiếp tục củng cố, mạng lưới y tế lưu động tại các "vùng xanh", "vùng đỏ" được tăng cường từ 1 đến 3 cơ sở, thậm chí nhiều hơn, ngay trong doanh nghiệp khu công nghiệp cũng có mạng lưới y tế. Đội ngũ y tế được tăng cường từ các tỉnh chi viện về, kể cả quân y của Bộ Quốc phòng .
Ông Nguyễn Hoàng Thao nhấn mạnh, phục hồi kinh tế là cần thiết. Song không vì thế mà tỉnh nóng vội cho mở cửa ngay đối với những hoạt động kinh tế, thương mại, dịch vụ tại những khu vực “vùng đỏ”, đặc biệt những khu vực vẫn còn nguy cơ rất cao. Tỉnh cũng đã triển khai việc thống nhất giữa các chốt lưu thông trong và ngoài tỉnh, thống nhất việc nới lỏng phạm vi giữa các “vùng xanh”, nhất là việc đi lại của người dân hiện nay trong trạng thái bình thường mới.
Trong giai đoạn tiếp theo, tỉnh sẽ tiếp tục “khóa chặt” các “điểm đỏ”, “nhà đỏ” để triển khai các biện pháp y tế để xử lý, kiểm soát tốt dịch bệnh; đồng thời tiếp tục triển khai an sinh xã hội để hỗ trợ người dân, ông Nguyễn Hoàng Thao nói.
Lộ trình 3 giai đoạn khôi phục
UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành kế hoạch khôi phục kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới sau thời gian giãn cách xã hội, trong đó nêu chủ trương, lộ trình phục hồi các hoạt động.
Ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Dương, cho biết lộ trình phục hồi kinh tế - xã hội sẽ chia làm 3 giai đoạn. Cụ thể, giai đoạn 1 (từ 15/9 – 31/10/2021), tỉnh sẽ ưu tiên triển khai việc phục hồi các hoạt động kinh tế - xã hội trên địa bàn các “vùng xanh” gồm các huyện phía Bắc: Phú Giáo, Dầu Tiếng, Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên, TX Bến Cát và TP Thủ Dầu Một. Giai đoạn 2 (từ sau 31/10), nếu được Bộ Y tế phân bổ đầy đủ vaccine, Bình Dương sẽ hoàn thành tiêm vaccine ngừa Covid-19 mũi 2 cho toàn bộ người dân trong tỉnh, đến ngày 31/10/2021 cơ bản miễn dịch cộng đồng.
Trường hợp kiểm soát dịch bệnh thành công và không còn "vùng đỏ", "vùng vàng", Bình Dương sẽ mở cửa trở lại các hoạt động kinh tế xã hội một cách có chọn lọc, ưu tiên các ngành công nghiệp, dịch vụ, thương mại. Loại trừ một số ngành nghề dễ gây bùng dịch như karaoke, vũ trường, quán bar...
Và ở giai đoạn 3 (từ sau 31/12/2021), nếu kiểm soát dịch bệnh thành công và không còn "vùng đỏ", "vùng vàng", tỉnh sẽ mở cửa lại toàn bộ hoạt động kinh tế - xã hội. Một số ngành nghề nhạy cảm, dễ gây bùng phát dịch sẽ phải có tiêu chí điều kiện hoạt động.
“Tuyệt đối không được chủ quan, nóng vội nới lỏng các yêu cầu giãn cách đối với những địa phương chưa thật sự kiểm soát được dịch bệnh. “Tránh việc lơ là, mất cảnh giác khi phòng, chống dịch mới đạt được kết quả ban đầu và chủ quan, nóng vội muốn mở lại ngay các hoạt động sản xuất - kinh doanh khi chưa chuẩn bị tốt, chưa an toàn đã nới lỏng các biện pháp chống dịch”, Mai Hùng Dũng nhấn mạnh.
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương, thực hiện các kế hoạch trên, người đứng đầu các địa phương hoàn toàn chịu trách nhiệm nếu trong quá trình điều hành khôi phục hoạt động kinh tế - xã hội để bùng phát dịch bệnh trên địa bàn quản lý.
Quán triệt phương châm "An toàn mới sản xuất, sản xuất phải an toàn". Tuân thủ các hướng dẫn về an toàn phòng chống dịch của Bộ Y tế trong từng ngành, lĩnh vực gắn với điều kiện cụ thể, đặc thù của từng địa phương trong tỉnh; quyết tâm bảo vệ được thành quả chống dịch; nhanh chóng thu hẹp vùng đỏ, mở rộng, bảo vệ vững chắc vùng xanh.
Từng bước mở cửa, hồi phục kinh tế, giải quyết việc làm và tổ chức thực hiện tốt công tác bảo đảm an sinh xã hội, không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc. Giữ vững an ninh chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội.
Cuộc sống mới ở “vùng xanh”
Cuộc sống của người dân ở các địa phương “vùng xanh” tại Bình Dương đã dần trở lại trạng thái “bình thường mới”; các DN, cơ sở kinh doanh bắt tay vào khôi phục sản xuất. Việc thiết lập “vùng xanh” và đưa cuộc sống trở lại trạng thái “bình thường mới” trên toàn tỉnh,… là thành quả đáng ghi nhận trong cuộc chiến chống dịch Covid-19.
Suốt hơn tháng kể từ lúc đợt dịch lần thứ tư bùng phát mạnh, cửa hàng thời trang của chị Trần Lan Hoa ở đường Quang Trung, phường Phú Cường, TP Thủ Dầu Một phải tạm ngưng kinh doanh để thực hiện công tác phòng, chống dịch, điều này đã làm ảnh hưởng đến thu nhập, cuộc sống gia đình. Khi cửa hàng được mở cửa trở lại, chị Hoa, chia sẻ: “Không chỉ gia đình tôi mà tất cả người dân ở đây đều phấn khởi vì việc đi lại, trao đổi hàng hóa được thuận lợi. Điều này giúp cho chúng tôi yên tâm lao động sản xuất để từng bước ổn định cuộc sống”.
Hầu hết người dân đều tuân thủ nghiêm thông điệp “5K” của Bộ Y tế. Không chỉ hàng quán và người dân đang vui mừng, hồ hởi với lệnh nới lỏng giãn cách, một lượng lớn công nhân lao động làm việc tại các DN trú đóng trên địa bàn “vùng xanh” cũng vui mừng vì sắp được đi làm trở lại.
Ghi nhận của phóng viên, trên các con đường “vùng xanh” thuộc TP Thuận An, người dân và xe cộ lưu thông với số lượng nhiều hơn so với những ngày thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg tăng cường. Người dân được ra đường, đi chợ sau khi đã tiêm 2 mũi vaccine và 1 mũi vaccine đủ 14 ngày theo quy định mới của tỉnh.
Ông Mai Văn Tuấn (khu phố Phú Hội, phường Vĩnh Phú, TP Thuận An), hồ hởi bày tỏ cảm xúc: Thật là vui sau khi phường trở về trạng thái "bình thường mới". Thời gian trước tuân thủ ở nhà theo quy định, giờ được đi ra đường tôi thấy thoải mái hơn, rất vui và không bị gò bó nữa. Tôi mong dịch bệnh qua mau để cuộc sống sớm trở về cuộc sống như trước đây”.
Ông Bùi Minh Trí, Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương, cho biết không ít DN đã khôi phục hoàn toàn công suất sản xuất. Cũng theo ông Trí, Ban quản lý đã gửi công văn đề nghị các chủ đầu tư và DN thuộc “vùng xanh” tại các địa phương trong tỉnh đề nghị chủ đầu tư, DN phải quản lý, kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện ra vào DN.
Đồng thời thực hiện việc quản lý chặt chẽ thông tin liên quan đến người lao động của mình (người ở chung, địa chỉ nơi đang ở, lộ trình di chuyển hàng ngày từ nơi ở đến công ty, doanh nghiệp), đo thân nhiệt và yêu cầu người lao động phải khai báo y tế bắt buộc hàng ngày khi đến làm việc. Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, an ninh trật tự, an toàn trong sản xuất.