Thành cổ Sơn Tây

KHÔI NGUYÊN 30/12/2021 08:00

Nằm giữa thị xã Sơn Tây cách trung tâm Hà Nội hơn 40 km, thành cổ Sơn Tây là một công trình kiến trúc quân sự cổ độc đáo nhất Việt Nam được xây dựng vào năm 1822, năm Minh Mạng thứ 3. Thành được xây dựng kiên cố để bảo vệ vùng đất phía Tây Bắc Thăng Long.

Ấn tượng đầu tiên mà du khách dễ dàng cảm nhận ở thành cổ Sơn Tây là hình ảnh những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi tỏa bóng mát quanh năm. Những bộ rễ sần sùi vươn dài ôm trọn lấy những bờ tường rêu phong, những cổng thành đổ nát tạo một nét đẹp cổ kính. Thành cổ Sơn Tây là tòa nhà quân sự được xây bằng đá ong có tổng thể hình vuông mỗi chiều khoảng 400 m, cao 5 m với tổng thể 16 ha.

Thành có bốn cổng chính: chính Nam gọi là cổng Tiền, chính Bắc là cổng Hậu, hai cổng Tả và Hữu. Hai cổng Tiền và Hậu đều có cầu bắc qua hào nước dẫn vào cổng thành. Cổng Tiền nhìn ra phố Quang Trung, cổng hậu hướng ra phố Lê Lợi thẳng tới bờ sông Hồng. Cổng Tả nhìn ra chợ Nghệ, cổng Hữu hướng ra phố Trần Hưng Đạo.

Mỗi cổng thành có hình tứ giác, có mặt cắt hình thang. Phía trên mỗi cổng đều có lầu canh (vọng lâu) và chỉ có duy nhất một lối ra vào. Phía ngoài có đắp Dương mã thành (mang cá) hình chóp nón chắn phía ngoài của thành. Bề mặt thành có nhiều lỗ phía trên để quân lính nấp từ trong bắn súng ra ngoài.

Cổng thành cổ Sơn Tây.

Trong thành, các công trình được xây dựng theo kiểu đối xứng trên trục trung tâm Nam - Bắc. Chính giữa là Vọng cung nữ là nơi nghỉ của vua mỗi khi đi tuần và là nơi để các quan trong trấn hằng năm tới tế lễ hoặc bái vọng mỗi khi có chiếu chỉ.

Phía Tây là võ miếu, nơi thờ các tướng sĩ đã anh dũng hi sinh khi chiến đấu bảo vệ thành. Ở bốn góc thành xưa kia có bốn giếng nước hình vuông to, xây bậc đá ong xuống tận đáy để cung cấp nước cho quân lính sinh hoạt.

Chính giữa thành là một kỳ đài to lớn được xây dựng theo hình tháp 8 cạnh, cao 18 m. Đường lên đỉnh tháp là một cầu thang đá được thiết kế theo kiểu kiến trúc xoáy trôn ốc với 50 bậc đá dài, trên đường lên sẽ thấy những ô cửa sổ nhỏ hứng trọn ánh nắng mặt trời rất nên thơ, đẹp mắt. Kỳ đài vừa là tháp canh vừa là cột cờ của thành trì, đồng thời cũng là địa điểm quan sát cao nhất. Dưới chân tháp, du khách có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh hai giếng nước to lớn, xanh trong, tạo nên một vẻ đẹp nên thơ, lãng mạn.

Theo sử sách ghi lại, thành cổ Sơn Tây được xây dựng để quản trị cả một vùng rộng lớn gồm một nửa tỉnh Hà Tây cũ, toàn bộ tỉnh Vĩnh Phúc và gần như toàn bộ tỉnh Phú Thọ. Không những thế thành còn trấn trị toàn vùng Tây Bắc, vùng thượng lưu sông Hồng, vùng lưu vực sông Lô, sông Chảy.

Giới nghiên cứu nhìn nhận: Trải qua suốt lịch sử xây dựng thành Sơn Tây, phải ghi nhận rằng đến đời Nguyễn hệ thống thành lũy cấp tỉnh được xây dựng quy củ nhất. Thành cổ Sơn Tây là tòa thành khá tiêu biểu cho cấp tỉnh của thời Nguyễn. Cùng với việc chuyển địa điểm tỉnh lị về nơi hiện nay cũng là lúc tòa thành Sơn Tây được xây đắp, nó gắn liền với sự ra đời của tỉnh lị của thị xã Sơn Tây. Đó là một di tích văn hóa, thành Sơn Tây đã ghi dấu cuộc kháng chiến vô cùng anh dũng của quân và dân ta chống cuộc thực dân Pháp xâm lược cuối thế kỷ XIX. Điều quan trọng hơn, nếu như rất nhiều tỉnh lị khác thành trì và cả khu vực thành cổ đã biến mất cùng với thời gian qua quá trình đô thị hóa thì thành Sơn Tây vẫn còn giữ được hình hài của nó. Vì thế việc bảo vệ tôn tạo các công trình kiến trúc của thành cổ Sơn Tây là việc làm rất cần thiết để từ đó đưa thị xã Sơn Tây thành một địa chỉ du khách thăm quan trong và ngoài nước.

Xung quanh thành là hào nước rộng tới hơn 25 m, sâu khoảng 4 m và dài 1.792 m được nối ra sông Tích.

Có thể thấy, với nghệ thuật kiến trúc độc đáo của các hạng mục như cổng thành, kỳ đài, đoan môn, vọng cung..., sau gần 200 năm, bị nhiều cuộc chiến tranh và thời gian tàn phá, giờ đây Thành cổ chỉ còn lại một phần tường thành, cửa tiền, cửa hậu được bao phủ bởi rêu phong và rễ của những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi; hai khẩu thần công và một số phế tích như Vọng lâu, nền điện Kính Thiên... Thành cổ Sơn Tây từng là thủ phủ của vùng đất Tam Tuyên mênh mông (gồm 3 tỉnh Sơn Tây, Hưng Hóa, Tuyên Quang) dưới thời nhà Nguyễn.

Tuy nhiên thành cổ Sơn Tây lại là thành duy nhất hiện nay còn sót lại với hiện trạng khá nguyên vẹn về hình hài của nó bởi vì các tỉnh lị khác, thành trì và cả khu vực thành cổ đã thành phế tích cùng với thời gian. Qua quá trình đô thị hóa thì thành cổ Sơn Tây là di tích lịch sử văn hóa còn rất hiếm ở nước ta đại diện cho thành lũy Việt Nam thời kỳ chống giặc ngoại xâm.

Năm 1994, Bộ Văn hóa - Thông tin chính thức công nhận Thành cổ Sơn Tây là Di tích lịch sử kiến trúc cấp quốc gia.

Ngày nay, khi đến với mảnh đất Sơn Tây, bên cạnh những danh lam, thắng cảnh nổi tiếng như làng cổ Đường Lâm, đền Và, chùa Mía…, thành cổ Sơn Tây đã trở thành địa chỉ thú vị cho những người yêu thích khám phá lịch sử, là điểm tham quan hấp dẫn cho các gia đình vào mỗi dịp cuối tuần bởi vẻ đẹp cổ kính, rêu phong và không gian bình yên nơi đây.

Năm tháng cứ trôi qua nhưng thời gian không thể xóa được dấu tích lịch sử. Thành cổ vẫn còn đó dù không trọn vẹn nhưng vẫn oai phong, cổ kính, thể hiện uy thế một thời kỳ lịch sử hào hùng của dân tộc.

KHÔI NGUYÊN