Cấp thiết bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ cao mắc Covid-19
Số ca mắc Covid-19 tại Hà Nội vẫn chưa có dấu hiệu giảm trong những ngày qua. Mặc dù đa phần người mắc không có triệu chứng, hay triệu chứng nhẹ nhưng áp lực lên hệ thống y tế, đặc biệt là các trạm y tế lưu động là không hề nhỏ.
Hệ thống y tế các tuyến đang chịu nhiều áp lực
Theo thống kê mới nhất của Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), Hà Nội hiện có 10.335 F0 tự theo dõi tại nhà, 5.162 ở khu cách ly và 4.668 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 phải điều trị tại bệnh viện. Trong số này, 2.810 người diễn biến nhẹ, không xuất hiện triệu chứng.
Ngoài ra, thành phố đang điều trị cho 1.543 bệnh nhân Covid-19 ở mức độ trung bình, 315 trường hợp diễn biến nặng, nguy kịch, 275 ca phải thở ô xy qua mặt nạ, gọng kính, 15 trường hợp thở ô xy dòng cao (HFNC), 7 người thở máy không xâm lấn và 18 ca thở máy xâm lấn.
Ông Vũ Cao Cương, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội thông tin, tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố Hà Nội tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp với số ca mắc có thể vượt ngưỡng 2.000 ca/ngày trong tuần tiếp theo. Dù số ca tăng cao nhưng tỷ lệ bệnh nhân nặng, bệnh nhân tử vong trên địa bàn thành phố vẫn đang trong giới hạn kiểm soát.
Mặc dù vậy, ông Cương cũng nhận định, hệ thống y tế các tuyến đang chịu nhiều áp lực về quản lý, thu dung, điều trị. Thời gian tới, khi số mắc tiếp tục gia tăng sẽ là gánh nặng lên hệ thống y tế và có thể sẽ gia tăng tỷ lệ chuyển nặng và tử vong.
Thực tế, một bộ phận hệ thống y tế tại Hà Nội đang quá tải bởi lượng F0 tăng cao mà nhân lực y tế lại có hạn. Bà Đỗ Thị Lương - phụ trách Trạm y tế phường Yên Sở, quận Hoàng Mai cho biết, nhân lực của trạm chỉ có 8 người, trong khi đó, nhân viên y tế không chỉ tiếp nhận, theo dõi sức khỏe cho hàng trăm ca F0 đang điều trị tại nhà mà phải làm rất nhiều việc, từ thủ tục hành chính như tiếp nhận, lên danh sách, hướng dẫn F1 tự cách ly, cho đến tiêm bổ sung mũi vaccine, hướng dẫn, theo dõi điều trị F0.
Tại trạm y tế lưu động Trường mầm non xã Văn Bình, huyện Thường Tín, BS Lương Thị Luyên cho biết, trạm có 15 cán bộ, y bác sĩ, lực lượng công an, quân đội làm nhiệm vụ.
Trong đó, 5 y, bác sĩ giữ vai trò nòng cốt, các lực lượng khác đảm bảo công tác an ninh trật tự, hậu cần, vệ sinh môi trường. Trạm y tế được chia thành nhiều khu vực như khu tiếp nhận bệnh nhân; khu điều hành; khu chuyên môn của cán bộ, nhân viên y tế, khu vực cách ly, điều trị.
BS Luyên cũng chia sẻ: “Nhiệm vụ của tôi hàng ngày là tiếp nhận bệnh nhân về điều trị, sắp xếp chỗ ở cho bệnh nhân; theo dõi các chỉ số sinh tồn, chỉ số SPO2, cấp phát thuốc, hoá chất cho bệnh nhân. Sau 20 ngày đi vào hoạt động đến nay, Trạm y tế lưu động xã Văn Bình đã tiếp nhận khoảng 160 bệnh nhân F0 đều là người trên địa bàn huyện. Trong đó, có 2 bệnh nhân xã Liên Phương đã được chuyển viện điều trị, các bệnh nhân còn lại tình hình sức khoẻ đều ổn định”.
Cần thiết bảo vệ nhóm người nguy cơ
Trao đổi về tình hình điều trị F0 trên địa bàn Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng - Phó Chủ tịch Hội Nhiễm khuẩn Hà Nội cho rằng, để tránh lúng túng trong điều trị F0, Hà Nội cần hỗ trợ tối đa cho người dân về các kiến thức tự cách ly, điều trị; cung cấp nhanh nhất thuốc thiết yếu, đặc biệt là thuốc kháng virus cho F0 điều trị tại nhà.
Bên cạnh đó, Hà Nội cần phải thành lập các trung tâm điều phối thuốc để đảm bảo cung cấp thuốc kịp thời cho người nhiễm; tăng cường hơn nữa năng lực xét nghiệm để đảm bảo trả kết quả dưới 12 giờ, tránh tình trạng chờ kết quả xét nghiệm nhiều ngày như hiện nay.
Đặc biệt, Hà Nội cần huy động các bệnh viện, phòng khám tư và y, bác sĩ tình nguyện vào tham gia phòng, chống dịch, điều trị người bệnh.
Các chuyên gia y tế đều thống nhất, đối với Hà Nội, điều quan trọng hiện nay là hạn chế thấp nhất số ca tử vong do Covid-19 và một trong những chìa khóa để làm được điều này là tiêm vaccine đầy đủ cho người có nguy cơ cao.
Báo cáo của các bệnh viện cho thấy, đa số trường hợp mắc Covid-19 tử vong đều mắc bệnh nền và chưa tiêm vaccine. Cụ thể, tại Bệnh viện Thanh Nhàn, lãnh đạo bệnh viện cho biết, trong hơn 1.200 F0 nhập Bệnh viện Thanh Nhàn điều trị từ cuối tháng 4 tới nay có 48 người tử vong. 100% bệnh nhân Covid-19 tử vong ở bệnh viện này đều có bệnh lý nền; 96% chưa tiêm vaccine và 82% ở độ tuổi trên 70.
Theo kết quả phân tích số ca bệnh tử vong từ Tiểu ban điều trị, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống Covid-19 cho thấy tổng số ca tử vong do Covid-19 ở nhóm người từ 50 tuổi trở lên chiếm 84%. Vì vậy, việc triển khai mạnh mẽ, quyết liệt các giải pháp bảo vệ nhóm đối tượng nguy cơ này là rất cần thiết
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết: “Các cơ sở điều trị cũng như hệ thống theo dõi sức khỏe người bệnh ban đầu cần theo dõi chặt chẽ tình trạng người bệnh để tiên lượng sớm, kịp thời phát hiện các dấu hiệu tăng nặng, tránh tình trạng chuyển tầng khi đã quá muộn.
Trong phân loại người bệnh, cần tập trung vào nhóm người nguy cơ cao - những người trên 50 tuổi, có bệnh nền, người chưa tiêm, chưa tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19 để giám sát chặt chẽ, điều trị kịp thời, phù hợp. Các cơ sở cần củng cố hệ thống cấp cứu, vận chuyển kịp thời người bệnh từ cộng đồng đến bệnh viện và giữa các bệnh viện…”.