Phát huy vai trò của cấp ủy trong kiểm tra, giám sát đảng viên
Tính đến ngày 30/12, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp 10 kỳ. Qua đó đã xem xét, kiến nghị xử lý kỷ luật nhiều cán bộ. Những sai phạm của cán bộ đảng viên càng đặt ra những bài học trong công tác cán bộ, cũng như trách nhiệm trong kiểm tra, giám sát.
Năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII. Nhưng cũng là năm “nóng” với công tác cán bộ. Trong năm qua, bên cạnh việc Trung ương ban hành nhiều văn bản quan trọng về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng như: Quy định số 22 - QĐ/TƯ; Hướng dẫn số 02 - HD/TW; Kết luận số 21- KL/TW về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”, thì qua đó đã phát hiện nhiều sai phạm của cán bộ xảy ra tại nhiều Bộ, ngành, địa phương.
Cụ thể, Báo cáo của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tiêu cực cho thấy, từ tháng 1/2021 đến 11/2021, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã tập trung kiểm tra, xử lý kỷ luật và kiến nghị, yêu cầu xử lý kỷ luật 12 tổ chức đảng và 20 đảng viên thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý liên quan đến các vụ án, vụ việc Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.
Trong đó có 3 ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương Đảng, 2 Thứ trưởng, 1 nguyên Chủ tịch tỉnh, 1 nguyên Phó Bí thư tỉnh ủy, 13 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang.
Qua các kết luận được Ủy ban Kiểm tra Trung ương phát hiện, điều mừng là các cấp ủy, tổ chức Đảng và Ủy ban Kiểm tra các cấp trong cả nước đã thực hiện đúng theo tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là “không dừng, không nghỉ”, “không chùng xuống”. Qua đó góp phần quan trọng vào việc đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng.
Nhưng qua đây cũng đặt ra vấn đề trách nhiệm trong công tác cán bộ, cũng như trách nhiệm của các cấp ủy Đảng trong công tác kiểm tra giám sát đối với đảng viên. Đó là tại sao cấp ủy cấp dưới không phát hiện ra sai phạm trong khi sai phạm diễn ra trong thời gian dài, có tính hệ thống? Sai phạm chỉ được phát hiện sau khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương vào cuộc?
Những câu hỏi đó cũng gắn liền với vấn đề trách nhiệm. Theo ông Nguyễn Quyết Thắng, đại diện cử tri phường Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội thì ở cấp cơ sở tinh thần đấu tranh tự phê bình và phê bình còn nhiều hạn chế, yếu kém, nể nang. Trong khi đó trong công tác cán bộ quy trình vẫn chưa chặt chẽ, vẫn còn hiện tượng “chạy chức, chạy quyền”.
Ông Thắng cho rằng: Dẫu kiểm tra giám sát trong Đảng có tăng cường, nhưng nhiều khi không chất lượng, không hiệu quả. Các sai phạm của cán bộ đảng viên vẫn chủ yếu do người dân, báo chí phát hiện, phản ánh, hay đơn thư khiếu nại tố cáo.
“Tại cuộc tiếp xúc cử tri của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tôi đã đề cập chúng ta kiểm tra, giám sát rất tốt. Thế nhưng phát hiện ra được sai phạm, tham nhũng thì không thu hồi được tài sản. Mất cán bộ, tổ chức yếu, nhưng cuối cùng tiền của dân cũng bị mất theo. Điều đó cho thấy, công tác cán bộ và đánh giá cán bộ vẫn hình thức” - ông Thắng bày tỏ.
Ông Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, những sự việc trên cho thấy đang có vấn đề trong công tác cán bộ, cũng như trách nhiệm của cấp ủy các cấp trong công tác kiểm tra, giám sát đối với đảng viên.
Theo ông Hòa, có thể phát hiện ra vi phạm của đảng viên nhưng có sự nể nang, né tránh, không dám làm. Thời gian qua nhiều vụ việc chủ yếu được cấp trên là Ủy ban Kiểm tra Trung ương kiểm tra phát hiện sai phạm. Còn cấp dưới không thấy “động tĩnh” gì. Như vụ ông Trần Văn Nam, cựu Bí thư Bình Dương.
“Làm gì có chuyện ở trên biết mà dưới lại không biết? Cho nên vai trò lãnh đạo của Đảng rất là quan trọng” - ông Hòa nói.
Ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cũng cho rằng, nhiều cán bộ tại các Bộ, ngành, địa phương bị kỷ luật trong năm qua, qua đó cho thấy công tác cán bộ vẫn còn có những bất cập. Nhất là những vụ việc được phát hiện trong thời gian qua chủ yếu do Ủy ban Kiểm tra Trung ương, người dân và cơ quan báo chí vào cuộc phát hiện. Còn các cơ quan quản lý nhà nước phát hiện rất ít.
“Cán bộ tại các bộ, ngành, địa phương mình quản lý mà mình không phát hiện ra. Do đó để giải quyết vấn đề trên cần làm trong sạch đội ngũ phụ trách, bởi nếu sạch thì sẽ không để xảy ra những sai phạm. Đồng thời làm tốt hơn nữa vai trò giám sát của MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội” - ông Túc nhấn mạnh.