Đại hội Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ XI: Nhiều kỳ vọng đổi mới, sáng tạo
Ngày 30/12, phiên họp trù bị Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ XI nhiệm kỳ 2020-2025, đã diễn ra tại Hà Nội với phương châm “Đoàn kết - Kỷ cương - Đổi mới - Sáng tạo - Phát triển”.
Sẵn sàng đổi mới hiện đại và nhân văn
Đây là ý kiến của nhà báo Lê Quốc Minh, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam.
Theo ông Minh: Trong thời gian qua, ngoài một số thành tựu thì cũng còn nhiều vấn đề bất cập trong hoạt động của các cấp hội và Trung ương Hội. Trong đó có vấn đề gây bức xúc là câu chuyện đạo đức nhà báo.
Trong thời gian tới, chủ trương của Hội Nhà báo Việt Nam phải nâng cao chất lượng cán bộ nhà báo cả về chính trị lẫn chuyên môn nghiệp vụ. Xây dựng một đội ngũ những người làm báo hiện đại, nhân văn và có tính chiến đấu, tính phản biện. Hội sẽ chú trọng bảo vệ quyền lợi của các hội viên, nâng cao sự hợp tác giữa Hội Nhà báo Việt Nam với các Hội Nhà báo trong nước và quốc tế. Đồng thời tăng cường sự liên kết chặt chẽ hơn.
Bên cạnh đó là vấn đề bảo vệ bản quyền. Trong thời gian qua, tình trạng vi phạm bản quyền cũng gây nhức nhối. Nếu các cơ quan báo chí không bảo vệ được bản quyền rất khó để tồn tại và cạnh tranh với mạng xã hội. Để làm được việc đó cần có sự vào cuộc của cả hệ thống từ Trung ương đến các cấp hội địa phương, các cơ quan báo chí cho đến từng nhà báo.
Báo chí thế giới đang có nhiều thay đổi do lý do khách quan, chủ quan và do sự cạnh tranh công nghệ cũng như cách thức tiếp nhận thông tin người dùng thay đổi nhiều. Vì thế báo chí Việt Nam không thể không thể đứng yên, không thể thụt lùi mà phải nhanh chóng tiếp cận những công nghệ làm báo hiện đại. Nhanh chóng tạo ra những sản phẩm phù hợp với nhiều nền tảng, nơi mà độc giả sẽ hiện diện trên đó.
“Báo chí không nên chạy đua theo mạng xã hội vì nhân lực báo chí giới hạn, người sử dụng mạng xã hội lại vô hạn. Nhưng báo chí có thế mạnh là khả năng kiểm chứng, kiểm định thông tin đa chiều, có khả năng tạo ra những nội dung mang tính chuyên nghiệp. Sắp tới, thay vì chạy đua với mạng xã hội, tạo ra những nội dung hời hợt, không có ích cho xã hội thì nên đầu tư và nội dung chuyên sâu để phát huy những năng lực, sở trường của những nhà báo chuyên nghiệp.
Trong tương lai, báo chí không chỉ phản ánh những gì xảy ra mà phải gợi ý được những giải pháp cho xã hội. Phát triển theo hướng xây dựng, tuy phản ánh những vấn đề bất cập nhưng với tinh thần xây dựng xã hội mới” - ông Minh nhấn mạnh.
Đổi mới phương thức hoạt động, gắn kết hội viên
Nhà báo Phạm Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam cho rằng: Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI Hội Nhà báo Việt Nam diễn ra trong bối cảnh báo chí cả nước đứng trước thách thức lớn. Đó là thách thức về đại dịch tác động sâu sắc đến hoạt động của xã hội nói chung và báo chí nói riêng, đặc biệt ảnh hưởng đến nguồn thu quảng cáo của các cơ quan báo chí.
Bên cạnh đó là quá trình bùng nổ mạng xã hội; thách thức về quá trình chuyển đổi số, chinh phục không gian số, làm sao phân phối và truyền tải nội dung trên nền tảng số để phù hợp với nhu cầu phát triển.
“Sự đổi mới và sáng tạo của Hội Nhà báo trước hết phải là phương thức hoạt động. Làm sao hoạt động của Hội Nhà báo thực sự cần thiết gắn bó với hoạt động nghiệp vụ của các hội viên và các cơ quan báo chí. Các nhà báo và các hội viên trong giai đoạn này có trách nhiệm thể hiện được vai trò không chỉ trong tác phẩm báo chí mà thể hiện được vai trò ngay trong phát ngôn và hành động trên không gian mạng” - ông Hùng chia sẻ.
Cũng tại Đại hội, nhà báo Phan Quang Hưng, Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam khóa X thông tin: Hội Nhà báo Việt Nam khóa X, nhiệm kỳ 2015 - 2020 có những thành công tốt đẹp. Bên cạnh những hoạt động giúp cho các hội viên hoạt động nghiệp vụ đã có nhiều hoạt động tạo sân chơi lành mạnh để các hội viên của cả nước tham gia. Việc đào tạo bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ cũng như nâng cao đạo đức nghề nghiệp cho hội viên đã được Hội Nhà báo quan tâm và bồi dưỡng.
“Chúng tôi hi vọng sau kỳ Đại hội XI Hội Nhà báo Việt Nam, các nghị quyết đã thông qua sẽ là định hướng, kế hoạch để các hội nhà báo triển khai thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền” - theo ông Hưng.
Bên cạnh những thành tích đã đạt được, theo nhiều đại biểu, các hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong nhiệm kỳ vừa qua vẫn còn những vấn đề cần quan tâm. Đó là vấn đề về tổ chức liên quan đến điều lệ của hội… để Hội Nhà báo ở các địa phương hoạt động hiệu quả hơn. Trong nhiệm kỳ vừa qua, công tác bảo vệ hội viên trong quá trình tác nghiệp đã được Hội Nhà báo làm tương đối tốt.
Các tổ chức hội ở địa phương và Trung ương hội đã kịp thời vào cuộc can thiệp để bảo vệ quyền lợi chính đáng của hội viên khi một số nhà báo trong quá trình tác nghiệp bị đối tượng xấu hành hung. Đây chính là chỗ dựa vững chắc để hội viên có thể tham gia hoạt động nghiệp vụ…
Cần tăng cường quản lý hoạt động nhà báo thường trú
Nhà báo Nguyễn Thị Bích Hồng, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Lào Cao: Tôi rất kỳ vọng vào đại hội lần này ở các lãnh đạo. Chúng tôi mong muốn với lực lượng lãnh đạo trẻ tuổi và năng động sẽ thích ứng kịp thời sự phát triển chung của báo chí và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hội viên có thể phát huy những khả năng và năng lực của mình.
Ở nhiệm kỳ vừa qua so với trước đây, sự quản lý hội viên của Hội Nhà báo Việt Nam đã chặt chẽ hơn. Tuy nhiên sự tham gia hoạt động của các đồng chí thường trú trên các địa bàn chưa được triệt để. Trong thời gian tới, chúng tôi mong muốn sẽ siết chặt hơn, tăng cường hoạt động quản lý hơn để hoạt động báo chí tại các địa phương được thực hiện tốt nhất.