Tạo sức hút cho phim Việt hóa

Minh Quân 31/12/2021 14:05

Trong những năm gần đây, xu hướng sản xuất các bộ phim Việt hóa dựa kịch bản của nước ngoài đang gia tăng cả ở lĩnh vực phim điện ảnh và truyền hình. Tuy nhiên, ngoài việc giải “cơn khát” về kịch bản thì số lượng vẫn chưa song hành với chất lượng.

Có phải là giải pháp tình thế?

Nhìn lại thị trường điện ảnh cũng như độ phủ sóng của các bộ phim truyền hình trong những năm qua không thể phủ nhận phim Việt đang có một sự “bứt tốc” ngoạn mục. Trong đó, có sự góp sức đáng kể của dòng phim Việt hóa dựa trên các kịch bản phim điện ảnh, truyền hình thành công nước ngoài.

Ở lĩnh vực điện ảnh có thể kể đến như Tháng năm rực rỡ, Tiệc trăng máu, Em là bà nội của anh, Bạn gái tôi là sếp… Hay ở phim truyền hình là Người phán xử, Nhà trọ Balanha, Gạo nếp gạo tẻ, Cây táo nở hoa… và gần đây nhất là bộ phim “đình đám” Hương vị tình thân.

Với sự tham gia của dòng phim trên, giờ đây khán giả đã có nhiều “món ngon” để giải trí cả ở ngoài rạp lẫn trên truyền hình. Đây cũng là một hướng đi cho các nhà làm phim trong việc giải “cơn khát” về kịch bản. Thậm chí tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 22 vừa diễn ra, dòng phim này đã có cơ hội gia nhập “đường đua” tranh giải.

Tuy nhiên, không phải nhà sản xuất nào cũng thành công với dòng phim Việt hóa. Cũng đã có những bộ phim phải nhận nhiều lời chỉ trích từ khán giả. Ví dụ, bộ phim Hậu duệ mặt trời khi được Việt hóa đã khiến khán giả hồi hộp mong chờ. Nhưng khi lên sóng, diễn xuất và bối cảnh nhiều “sạn” đã khiến khán giả phản ứng và không đạt được thành công như mong đợi.

Bộ phim Sắc đẹp ngàn cân có diễn viên Minh Hằng đóng chính vấp phải nhiều chỉ trích vì không có tính sáng tạo, bê nguyên bản gốc…

Cảnh trong phim Tiệc trăng máu.

Đích đến của thành công

Cũng như các loại hình giải trí khác, với điện ảnh hay phim truyền hình khi Việt hóa sẽ đối mặt vô số những thử thách. Nhưng nếu nhìn rộng ra, các bộ phim làm lại từ kịch bản nước ngoài không phải là vấn đề riêng của Việt Nam. Đây là xu hướng thịnh hành trên thế giới, các nhà sản xuất muốn tiết kiệm thời gian đầu tư vào một kịch bản phim hay để nhằm kiếm lợi nhuận cao.

Ở đó, một thử thách với các nhà sản xuất, đạo diễn là phải có tay nghề cao, có thể phả “tinh thần” mới vào cái cũ, mới mà không mất đi cái hay đã thành công của bản gốc.

Nhìn nhận về thực trạng này, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh cho biết, với tôi, áp lực làm phim Việt hóa cũng không khác gì làm một bộ phim hay. Đương nhiên, khi làm phim Việt hóa, chúng tôi luôn có những cái khó và cái dễ riêng. Nhưng đích đến của chúng tôi vẫn là làm ra những tác phẩm đủ chất lượng và phù hợp với thị trường.

Đồng quan điểm, dạo diễn Nguyễn Quang Dũng bày tỏ, khi bắt tay vào làm phim, điều đầu tiên mà chúng tôi hướng đến là kể cho khán giả nghe những câu chuyện. Ở Việt Nam, nhiều người vẫn còn chưa thực sự hiểu rõ về phim Việt hóa. Tuy nhiên, tôi nghĩ, điện ảnh Việt hiện đang có đà phát triển. Do đó, dù còn nhiều định kiến, phim Việt làm lại từ tác phẩm nước ngoài vẫn phần nào được nhìn nhận.

Phim hay, tạo được sự đồng cảm với số đông khán giả mới có cơ hội đi xa, và muốn đi xa hơn thì phải hay hơn. Một phim thành công là do chính người thực hiện chứ không phải vì nó là phim phim chuyển thể, phim kịch bản gốc.

“Thực tế, nhiều khán giả khi đến rạp sẽ không quan tâm đó là một phim làm lại, một phim kịch bản gốc hay một phim chuyển thể văn học mà chỉ đơn thuần họ cảm thấy nội dung phim thú vị, phù hợp với bản thân mình. Phim Việt hóa không phải là xu hướng. Nhưng hiện nay nó lại như một sự ứng phó, bù đắp cho thị trường đang phát triển rất nhanh mỗi năm mà nhân lực và đào tạo chưa theo kịp” - đạo diễn nhận định.

Thực tế cho thấy, khi đưa một sản phẩm của nước ngoài trở thành phim Việt, đội ngũ sản xuất cần có những sự tìm tòi, thay đổi bối cảnh của phim cho phù hợp. Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh chia sẻ, anh cùng đoàn làm phim phải nghiên cứu về các phong cách sống lẫn sinh hoạt của người cao tuổi tại Việt Nam để hợp với nhân vật trong phim Em là bà nội của anh. Hay đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cũng từng mất nhiều thời gian để chọn bối cảnh lịch sử của Việt Nam để ứng với bản gốc của bộ phim Tháng năm rực rỡ.

Rõ ràng, phim Việt hóa đang là nhân tố giúp cho thị trường phim Việt trở nên sôi động hơn, nhất là sau thời kỳ bị ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19. Tuy nhiên, phim Việt hóa chỉ có thể thỏa mãn yếu tố giải trí nhất thời cho công chúng.

Để có một nền điện ảnh phát triển đúng nghĩa, làm giàu cho văn hóa đất nước, không thể thiếu những bộ phim mà kịch bản được viết từ chính những vấn đề liên quan đến văn hóa, con người Việt.

Theo nhiều chuyên gia văn hóa, làm lại phim thành công trước đó của nước ngoài là chuyện không hề dễ. Các đạo diễn và nhà làm phim phải đau đầu cho bài toán đổi mới tình tiết, câu chuyện, bối cảnh của bản gốc để phù hợp với văn hóa Việt, khiến khán giả xem thấy được nét riêng dù biết rằng nó là bộ phim được làm lại từ phim nước ngoài. Tuy nhiên, ngay cả khi các nhà làm phim giải quyết được câu chuyện này thì nó chỉ dừng ở mức trọn vẹn, còn câu chuyện doanh thu là điều khó ai đoán trước được. Bởi dòng phim Việt hóa xét cho cùng còn phụ thuộc rất lớn vào việc chọn lựa kịch bản của nhà làm phim và sự sáng tạo của đạo diễn.

Minh Quân