Trang thiết bị y tế phục vụ chống dịch Covid-19 vào danh mục bình ổn giá
Đó là điểm mới được thể hiện trong Nghị quyết số 12/2021/UBTVQH15 do Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ký về việc cho phép thực hiện một số cơ chế chính sách trong lĩnh vực y tế để phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19.
Nghị quyết gồm 9 điều, cụ thể như sau:
Điều 1, Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; Điều 2, Điều động, huy động người tham gia xét nghiệm, tiêm chủng, khám bệnh, chữa bệnh Covid-19; Điều 3, Kinh phí chi thường xuyên của cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 công lập và hoàn trả chi phí phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; Điều 4, Về thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với người bệnh Covid-19; Điều 5, Khám bệnh, chữa bệnh từ xa cho người bệnh Covid-19, người không thể tiếp cận cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do dịch bệnh Covid-19; Điều 6, Việc quản lý thuốc, nguyên liệu làm thuốc trong bối cảnh dịch Covid-19; Điều 7, Bình ổn giá trang thiết bị y tế; Điều 8, Về chế độ chính sách đối với người được điều động, huy động tham gia phòng, chống dịch Covid-19 bị nhiễm Covid-19; người phải cách ly y tế sau thời gian làm việc tại các cơ sở thu dung, điều trị Covid-19. Điều 9, Về hiệu lực thi hành.
Đáng chú ý trong Nghị quyết này tại khoản 2 Điều 6 có quy định: Trường hợp thiếu thuốc phòng, điều trị Covid-19, Bộ trưởng Bộ Y tế quyết định việc sử dụng miễn phí thuốc sản xuất trong nước thuộc lô được sản xuất để phục vụ cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc có chỉ định sử dụng phòng, điều trị Covid-19 nếu đáp ứng đồng thời các điều kiện sau đây: Được sản xuất theo đúng quy trình sản xuất trong hồ sơ đăng ký lưu hành thuốc đã được Bộ Y tế thẩm định và cấp giấy đăng ký lưu hành; Đáp ứng tất cả các nội dung như hồ sơ đăng ký lưu hành thuốc đã được Bộ Y tế phê duyệt; Được sự đồng ý của cơ sở sản xuất thuốc.
Tại khoản 3 điều này có chỉ rõ, việc cấp giấy đăng ký lưu hành đối với thuốc mới có chỉ định sử dụng phòng, điều trị Covid-19 (không bao gồm vaccine) sản xuất ở nước ngoài đã được cấp phép lưu hành hoặc cấp phép sử dụng trong trường hợp khẩn cấp hoặc cấp phép lưu hành, sử dụng có điều kiện bởi một trong các cơ quan quản lý dược chặt chẽ (SRA) do Tổ chức Y tế thế giới công bố được thực hiện như sau:
Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định của pháp luật về dược, Bộ Y tế thẩm định hồ sơ hành chính để cấp giấy đăng ký lưu hành trên cơ sở thừa nhận kết quả cấp phép của cơ quan quản lý dược chặt chẽ (SRA); không phải thẩm định hồ sơ kỹ thuật và không phải đánh giá đáp ứng thực hành tốt sản xuất thuốc đối với cơ sở sản xuất thuốc theo quy định của Luật dược. Cơ sở đăng ký thuốc chịu trách nhiệm về tính chính xác, hợp pháp của hồ sơ kỹ thuật, hồ sơ đánh giá đáp ứng thực hành tốt sản xuất thuốc đối với cơ sở sản xuất thuốc.
Điểm 7 của Nghị quyết cũng nêu rõ, bổ sung trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 vào danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá.
Ngay sau khi nhận được Tờ trình số 521/TTr-CP ngày 17/11/2011 của Chính phủ về việc cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc biệt, đặc cách, đặc thù trong phòng, chống dịch Covid-19 để thực hiện Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch Covid-19, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giao Ủy ban Xã hội phối hợp với Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội thẩm tra Tờ trình của Chính phủ. Sau thời gian ngắn làm việc khẩn trương, trách nhiệm của các cơ quan của Quốc hội; căn cứ ý kiến của Thường trực Ban Bí thư ngày 30/12 Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 12. Nghị quyết có hiệu lực kể từ ngày ký.