Sức mạnh đồng lòng từ Ngày hội Đại đoàn kết
Kỷ niệm 91 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam - Ngày Truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11/1930-18/11/2021), tùy theo điều kiện đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19, nhiều khu dân cư trên cả nước đã tưng bừng tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc. Ngày Truyền thống của Mặt trận đã trở thành ngày hội của lòng dân.
Đưa công tác Mặt trận về với cộng đồng dân cư
Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2021 diễn ra khi toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đang chung sức, đồng lòng đẩy lùi dịch bệnh Covid-19. Trong bối cảnh đặc biệt ấy, theo tình hình thực tế, nhiều khu dân cư trên cả nước đã tổ chức ngày hội đảm bảo nghiêm các quy định an toàn phòng, chống dịch.
Là xã “vùng xanh” của tỉnh Bắc Kạn, năm nay Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc vẫn được đồng bào các dân tộc thôn Bản Chằng, xã Yên Cư, huyện Chợ Mới tổ chức như thông lệ.
Với bà con nơi đây, một năm có rất nhiều ngày Tết với những ý nghĩa khác nhau. Tết Nguyên đán mở đầu một năm mới, Tết Thanh minh và Tết rằm Tháng bảy. Nhưng từ nhiều năm nay, thôn Bản Chằng còn có một ngày hội lớn khác là Ngày hội Đại đoàn kết.
Đồng bào các dân tộc sinh sống ở Bản Chằng gọi Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc là “Ngày anh em đoàn kết”. Ngày hội không chỉ là dịp ôn lại truyền thống của Mặt trận mà còn là nơi gặp gỡ, gắn kết tình làng, nghĩa xóm, nơi được giãi bày tâm tư nguyện vọng với lãnh đạo các cấp, nơi người dân cùng bàn bạc tìm cách bảo ban nhau thoát nghèo, phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư.
Nói về ý nghĩa của ngày hội, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến khẳng định, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2021, được tổ chức tại các khu dân cư trên phạm vi cả nước đúng vào dịp kỷ niệm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam - Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là việc có ý nghĩa lớn trong cộng đồng dân cư.
Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc năm nay càng có ý nghĩa khi cả nước đang chung sức, đồng lòng để vượt đại dịch Covid-19. Vì vậy, ngày hội chính là dịp để toàn dân đoàn kết, cùng siết chặt tay nhau thực hiện chủ trương chung của Đảng và Nhà nước: vừa kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe của nhân dân, vừa khôi phục phát triển kinh tế - xã hội.
Để đạt được mục tiêu đó, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến cho biết, năm nay Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã ban hành văn bản hướng dẫn để việc tổ chức ngày hội phù hợp với tình hình thực tế tại mỗi địa phương. Đối với những “vùng xanh” ngày hội được tổ chức hoạt động bình thường. Những nơi “vùng vàng” thì tổ chức có hạn chế và kiểm soát dịch bệnh. Những nơi nguy cơ cao thì không tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết tập trung mà chủ yếu là tổ chức thăm hỏi, động viên, chia sẻ thông qua các phương tiện thông tin đại chúng hoặc tổ chức trong phạm vi rất nhỏ để có thể thăm hỏi động viên bà con nhân dân.
Trong ngày hội, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước, các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các đồng chí lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ đều đi xuống các địa bàn dân cư để gặp gỡ động viên bà con và lắng nghe tâm tư nguyện vọng của nhân dân, thể hiện đúng tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc.
Từng cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đi về dự Ngày hội với bà con, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến chia sẻ cảm nhận về một không khí, hồ hởi, phấn khởi trong nhân dân.
Nhân lên sức mạnh đại đoàn kết từ mỗi khu dân cư
Qua gần 20 năm tổ chức, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc dịp kỷ niệm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam đã trở thành nét đẹp truyền thống, đưa công tác Mặt trận về với cộng đồng dân cư, hướng đến từng gia đình và mỗi người dân.
Trong dịp về dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc với nhân dân thôn 5 xã Yên Sở huyện Hoài Đức, Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc năm nay càng có ý nghĩa đặc biệt hơn khi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang chung sức, đồng lòng vừa phòng, chống đại dịch Covid-19, với quyết tâm “chống dịch như chống giặc”, vừa tích cực, khẩn trương triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp.
Nhấn mạnh mục đích của Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc là nhằm xây dựng, củng cố và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; tăng cường sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc và nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong thời kỳ mới, Tổng Bí thư khẳng định, kết quả của ngày hội sẽ đem lại những giá trị tinh thần, làm giàu thêm ý chí cách mạng, tôn vinh sức mạnh cộng đồng, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội từ mỗi thôn, bản, làng, tổ dân phố, cụm dân cư... trong cả nước.
Và thông điệp về việc giữ gìn phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết cũng được các vị lãnh đạo cấp cao nhất của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội nhắc tới khi về dự Ngày hội Đại đoàn kết với nhân dân trên mọi miền Tổ quốc.
Tới dự Ngày hội Đại đoàn kết với đồng bào Cơ Tu ở xã Ba, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam nhắc lại lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết! Thành công, thành công, đại thành công! Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc mong muốn, cấp ủy, chính quyền và nhân dân cần tiếp tục thực hiện lời dạy của Người để xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp.
Khẳng định ngày hội là một dịp có ý nghĩa rất lớn để cán bộ các cấp lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc căn dặn cán bộ địa phương phải gần dân, sát dân, việc lắng nghe nhân dân phải được thực hiện thường xuyên, hàng ngày, thông qua nhiều hình thức khác nhau để người dân tin tưởng, ủng hộ. Có như vậy mới thể hiện vai trò lãnh đạo của Đảng, chính quyền.
Từ Ngày hội Đại đoàn kết tại liên khu dân cư Pác Bó, Nặm Lìn, Nà Lẹng, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, Thủ tướng Phạm Minh Chính một lần nữa khẳng định, đoàn kết là vấn đề có ý nghĩa chiến lược, là một nhân tố cơ bản quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Người đứng đầu Chính phủ đề nghị, cấp ủy, chính quyền địa phương và bà con nhân dân phải bảo vệ, giữ gìn, phát huy những giá trị quý báu này để vượt qua những khó khăn, thách thức sắp tới, khắc phục hậu quả dịch bệnh, thực hiện thành công các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.
Trong Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc với nhân dân xóm Quyết Tâm (xã Trung Lương, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng nêu rõ, càng lúc khó khăn, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc của chúng ta càng phát huy cao độ hơn bao giờ hết.
Nhắc lại Định Hóa là nơi Bác Hồ viết cuốn sách “Sửa đổi lối làm việc”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, chúng ta phải tiếp tục đổi mới hơn nữa tất cả các mặt hoạt động. Quốc hội và các cơ quan trong hệ thống chính trị, Mặt trận Tổ quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng phải nỗ lực đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, tất cả vì cuộc sống bình yên và ngày càng ấm no, sung túc hơn của người dân, bảo đảm mọi quyền lợi chính đáng của nhân dân.
Chăm lo giữ gìn, hun đúc truyền thống đoàn kết quý báu của dân tộc
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Chính sách Mặt trận là chính sách rất quan trọng. Công tác Mặt trận là công tác rất quan trọng trong toàn bộ công tác cách mạng”.
Sau khi Đảng thành lập và lãnh đạo cách mạng Việt Nam (3/2/1930), Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị thành lập Hội Phản đế Đồng minh - hình thức tổ chức đầu tiên của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam (nay là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam).
Trong suốt quá trình đó, đoàn kết là sợi dây xuyên suốt để Mặt trận thực hiện sứ mệnh của mình. Đoàn kết trong Mặt trận Liên Việt, nhân dân ta đã kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng và không ngừng lớn mạnh trở thành hậu phương lớn của tiền tuyến lớn miền Nam.
Đoàn kết trong MTTQ Việt Nam, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Liên minh các lực lượng dân tộc dân chủ và hoà bình Việt Nam, nhân dân ta đã làm tròn nhiệm vụ lịch sử vẻ vang giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, hoàn thành cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân trong cả nước.
Cứ như vậy, trong mọi hoàn cảnh khó khăn, thách thức, Mặt trận luôn là nơi khơi dậy và phát huy lòng yêu nước của người Việt Nam, tập hợp và tăng cường sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc để giành độc lập, tự do cho Tổ quốc và xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.
Tiếp nối sứ mệnh đó, trong giai đoạn hiện nay, Mặt trận tiếp tục là trung tâm đoàn kết, tuyên truyền, tập hợp rộng rãi các tầng lớp nhân dân chung sức, đồng lòng thực hiện các mục tiêu, lý tưởng của Đảng, góp phần thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới.
Nhân Kỷ niệm 91 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam - Ngày Truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11/1930-18/11/2021), Chủ tịch Đỗ Văn Chiến đã gửi tới đồng bào cả nước lời nhắn nhủ, dù trong mọi hoàn cảnh, mọi tình huống, phải chăm lo giữ gìn, hun đúc truyền thống đoàn kết quý báu của dân tộc để phát huy và lưu truyền lại cho các thế hệ mai sau.
Người đứng đầu Mặt trận cũng khẳng định, trách nhiệm của MTTQ Việt Nam là sẽ cố gắng làm sao động viên, giữ gìn, phát huy, nhân lên sức mạnh đại đoàn kết từ đó giúp cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách, xây dựng đất nước ta phát triển ngày càng phồn vinh, hạnh phúc và mọi người, mọi nhà có được cuộc sống ấm no hạnh phúc.
73.900 khu dân cư tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết
Theo UBTƯ MTTQ Việt Nam, trong năm 2021 có tổng số 73.900 khu dân cư trong cả nước tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết đạt tỷ lệ 67,2%. Đã có hơn 26.400 phần quà được trao tặng cho các gia đình tiêu biểu, gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn cùng 11.562 nhà Đại đoàn kết được khánh thành và trao tặng trong dịp ngày hội năm nay.