Việt Nam 2021: 10 sự kiện nổi bật

ĐẠI ĐOÀN KẾT 01/01/2022 06:30

Năm 2021, Đại hội XIII của Đảng mở ra một giai đoạn phát triển mới, với tầm nhìn không chỉ cho nhiệm kỳ 2021-2025 mà còn tới năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng và năm 2045 kỷ niệm 100 năm thành lập nước. 2021 cũng là năm đầy sóng gió, đất nước kiên cường chống chọi đại dịch Covid-19, quyết tâm mở cửa khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội. 2021 là năm tiếp tục đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực; xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Và 2021 cũng là năm Mặt trận Tổ quốc Việt Nam triển khai nhiều hoạt động thiết thực, rộng khắp, củng cố và xây dựng khối Đại đoàn kết vững mạnh, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân vượt qua khó khăn, thử thách.

Một năm nhiều niềm vui và cả những mất mát, đau thương. Nhưng trên hết vẫn là năm Việt Nam nỗ lực vượt khó. Chúng ta cùng nhìn lại 10 sự kiện nổi bật năm 2021 do Đại Đoàn Kết bình chọn.

1. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng

Đại hội diễn ra từ ngày 25/1 đến ngày 1/2/2021 tại Thủ đô Hà Nội, với 1.500 đại biểu tham dự.

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra các mục tiêu cụ thể: Đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước: Là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

2. Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021- 2026

Ngày 23/5, gần 70 triệu cử tri cả nước đi bỏ phiếu, đây là con số lớn nhất từ trước đến nay. Cử tri cả nước đã bầu 500 đại biểu Quốc hội, trong đó 1 đại biểu không được xác nhận tư cách đại biểu trúng cử. Do đó, có 499 người trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV. Ngày 20/7, Quốc hội khoá XV họp kỳ thứ nhất bầu và phê chuẩn 50 nhân sự lãnh đạo bộ máy nhà nước. Quốc hội đã bầu ông Nguyễn Xuân Phúc làm Chủ tịch nước; ông Phạm Minh Chính làm Thủ tướng Chính phủ; ông Vương Đình Huệ làm Chủ tịch Quốc hội.

Vừa sản xuất vừa chống dịch.

3. Hội nghị lần thứ tư, Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII

Tháng 10/2021, Hội nghị lần thứ tư, Ban Chấp hành Trung ương thống nhất ban hành Kết luận về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; tiếp tục thể hiện quyết tâm ngăn chặn, đẩy lùi cán bộ tham nhũng, tiêu cực; xử nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”. Trung ương sửa đổi, ban hành Quy định số 37 về những điều đảng viên không được làm (thay thế Quy định số 47 năm 2011). Những quy định mới được ví như “biệt dược” ngăn ngừa, đặc trị các loại bệnh tật phát sinh trong cơ thể của Đảng, hệ thống chính trị; giúp cán bộ, đảng viên tăng cường sức đề kháng, không bị tha hoá, biến chất về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống.

4. Hội nghị Trung ương về đẩy mạnh xây dựng chỉnh đốn Đảng

Để tăng cường kỷ cương, kỷ luật của Đảng và giữ gìn phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, tính tiên phong, gương mẫu của đảng viên, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký Quy định số 37-QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm. Quy định này thay thế Quy định số 47-QĐ/TW ngày 1/11/2011; quy định rõ 19 điều đảng viên không được làm.

Trước đó, Bộ Chính trị đã ban hành kết luận về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Theo đó, Bộ Chính trị yêu cầu cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu, tạo sự thống nhất cao trong toàn Đảng và đồng thuận trong xã hội về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung. Đồng thời, xử lý nghiêm việc lợi dụng chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ để thực hiện hoặc bao che hành vi vụ lợi, tham nhũng, tiêu cực, vi phạm kỷ luật của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Cũng về công tác cán bộ, ngày 9/12, tại Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Kết luận và Quy định của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, do Bộ Chính trị tổ chức, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặt vấn đề: (1) Lâu nay, chúng ta đã từng bàn nhiều, làm nhiều về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; vì sao lần này Trung ương lại tiếp tục bàn và ra Nghị quyết về vấn đề này? (2) Những tinh thần mới, nội dung mới của lần này là gì? (3) Và chúng ta phải làm gì và làm như thế nào để thực hiện có kết quả Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 lần này, biến Nghị quyết thành hiện thực sinh động? Tổng Bí thư nhấn mạnh, phải xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức cách mạng trong sáng, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, có năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Cán bộ dù ở vị trí nào cũng phải luôn luôn có ý thức đầy đủ về trách nhiệm của mình, làm “đúng vai, thuộc bài”, thật sự có chất lượng, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; gắn bó mật thiết với nhân dân, được nhân dân tin yêu, quý trọng.

Bộ đội đi chợ giúp dân trong đại dịch Covid-19.

5. Làn sóng dịch Covid-19 thứ 4

Từ ngày 27/4, dịch Covid-19 với biến chủng Delta bùng phát dữ dội, đặc biệt tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam rồi lan ra 63/63 tỉnh thành trong cả nước. Kể từ khi dịch bùng phát từ đầu 2020 đến ngày 25/12/2021, cả nước đã ghi nhận hơn 1,6 triệu ca mắc, trong đó hơn 30.000 người tử vong. Hệ thống y tế nhiều tỉnh thành phía Nam, đặc biệt là TP HCM quá tải, ngành y tế phải huy động một lượng lớn nhân lực, trang thiết bị để hỗ trợ. Nhiều tỉnh thành phải thực hiện giãn cách xã hội. Chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hóa, giao thông - vận tải đứt gãy. Lực lượng Quân đội được điều động trực tiếp tham gia phòng, chống dịch, giúp đỡ người dân vượt qua khó khăn trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội.

Tuy nhiên, trong những tháng ngày gian nan ấy, càng sáng ngời tinh thần đoàn kết lá lành đùm lá rách, sáng ngời nghĩa đồng bào. Biết bao cử chỉ đẹp, hành động đẹp xuất hiện. Đồng bào ta trong cả nước, cộng đồng doanh nghiệp dù trong khó khăn gian khổ vẫn nhiệt tình đóng góp ủng hộ phòng, chống Covid-19. Quỹ vaccine được thành lập và chủ trương “ngoại giao vaccine” được triển khai. Từ chỗ là quốc gia chậm tiêm vaccine, chỉ trong một thời gian ngắn, Việt Nam đã vượt lên trở thành quốc gia có tỷ lệ bao phủ vaccine cao của thế giới.

Ngày 11/10, Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” mở ra giai đoạn mới, áp dụng biện pháp chống dịch thống nhất toàn quốc. Kinh tế phục hồi nhanh chóng đi cùng với các biện pháp phòng, chống dịch. Nhiều địa phương mở cửa trường đón học sinh đến lớp học trực tiếp. Các đường bay thương mại quốc tế dần được nối lại và khách du lịch quốc tế đã trở lại Việt Nam.

6. Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam kêu gọi ủng hộ công tác phòng, chống dịch Covid-19

Ngày 16/9, tại Hà Nội, Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam và Tiểu ban Vận động và huy động xã hội thuộc Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 tổ chức chương trình tiếp tục đợt vận động “Toàn dân đoàn kết, ra sức phòng, chống dịch Covid-19”. Thay mặt Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam và Tiểu ban Vận động và huy động xã hội, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến, Trưởng Tiểu ban Vận động và huy động xã hội, kêu gọi toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, chiến sĩ các lực lượng vũ trang; các doanh nhân, doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế; các tổ chức quốc tế, người Việt Nam ở nước ngoài; các tổ chức tôn giáo; các tầng lớp nhân dân… phát huy tinh thần đại đoàn kết dân tộc, “thương người như thể thương thân”, “bầu ơi thương lấy bí cùng”, với phương châm: “người có của góp của, người có công góp công; có nhiều góp nhiều, có ít góp ít” ủng hộ kinh phí, trang thiết bị y tế, lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm…cho công tác phòng, chống dịch.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, rất nhiều đóng góp, hỗ trợ đã được gửi đến MTTQ các cấp trong cả nước. Những đóng góp đều được trân trọng ghi nhận và nhanh chóng chuyển tới những địa chỉ cần thiết, góp phần quan trọng tăng cường nguồn lực cho công tác phòng, chống Covid-19 của đất nước.

Xúc động lễ tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19.

7. Lễ tưởng niệm đồng bào và cán bộ, chiến sĩ hy sinh, tử vong trong đại dịch Covid-19

Vào lúc 20h ngày 19/11, UBTƯ MTTQ Việt Nam và UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức Lễ tưởng niệm đồng bào và cán bộ, chiến sĩ hy sinh, tử vong trong đại dịch Covid-19. Buổi lễ diễn ra tại điểm cầu TP HCM và Thủ đô Hà Nội, được truyền hình trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam và đài truyền hình các tỉnh, thành phố tiếp sóng.

Đây là hoạt động đầy ý nghĩa thể hiện sự chia sẻ, động viên của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trước những mất mát, đau thương của các gia đình, người thân và lan tỏa tình nhân ái cộng đồng. Đồng thời buổi lễ cũng nhằm tiếp tục động viên tinh thần các lực lượng tuyến đầu và nâng cao ý thức trách nhiệm của Nhân dân trong tham gia phòng, chống dịch Covid-19; khích lệ tinh thần đại đoàn kết, ý chí quật cường của toàn dân tộc để mỗi người cùng đồng lòng vượt qua khó khăn, thách thức, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, phục hồi sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Phát biểu tại Lễ tưởng niệm, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến xúc động bày tỏ: “Đại dịch tàn ác đã phá vỡ hạnh phúc của biết bao gia đình đang êm ấm: Cháu mất ông bà, cha mẹ mất con, vợ chồng mất nhau, con mất cha mẹ. Đại dịch “tràn qua”, để lại hàng nghìn người già yếu không còn nơi nương tựa, hơn 2.600 trẻ em mất cha mẹ, nhiều em còn quá nhỏ, trên đầu chít khăn tang nhưng vẫn hồn nhiên, thơ dại, chưa cảm nhận được sự mất mát quá lớn trong cuộc đời - thật là xót thương, nhói lòng, rơi lệ... Thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tôi thấu hiểu, đồng cảm và chia sẻ đau thương, mất mát với người thân của những người quá cố, mong các gia đình nén đau thương, vượt qua sự mất mát quá lớn này, dần trở lại cuộc sống bình thường, trong điều kiện mới. Nhất là các cháu bị mất cha, mẹ là một biến cố lớn trong cuộc đời. Đảng, Nhà nước, bà con lối xóm, họ hàng thân thích, sẽ đồng hành cùng với các cháu trên con đường bước vào đời”.

8. Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc

Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2021 diễn ra trong bối cảnh cả nước tăng cường phòng, chống dịch Covid-19. Tuy vậy, tất cả các địa phương trong cả nước đều đã tổ chức Ngày hội. Các vị lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng, Nhà nước đã về địa phương chia vui với bà con.

Chung vui với bà con thôn 5, xã Yên Sở, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bày tỏ niềm vui, phấn khởi khi tham dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, được gặp gỡ, tiếp xúc với nhân dân, thấy ai cũng phấn chấn, vui vẻ trong không khí thân tình. Tổng Bí thư nhấn mạnh, mục đích của Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc là nhằm xây dựng, củng cố và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; tăng cường sức mạnh của khối Đại đoàn kết dân tộc và nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong thời kỳ mới. Tổng Bí thư nêu rõ: Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc năm nay càng có ý nghĩa đặc biệt hơn khi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang chung sức, đồng lòng vừa phòng, chống đại dịch Covid-19, với quyết tâm “chống dịch như chống giặc”, vừa tích cực, khẩn trương triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp.

“Việc xây dựng đời sống văn hóa ở mỗi gia đình, ở từng thôn, xóm có thành công hay không là do chính mỗi chúng ta; xây dựng khu dân cư lành mạnh, bình yên và giàu đẹp là để cho chính chúng ta hưởng thụ” - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.

Hàng không Việt Nam sẵn sàng nối lại các đường bay thương mại quốc tế.

9. Hội nghị đối ngoại toàn quốc trong tình hình mới

Phát biểu tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng diễn ra vào sáng 14/12, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, hội nghị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng vì đây là hội nghị đối ngoại toàn quốc đầu tiên do Bộ Chính trị, Ban Bí thư trực tiếp chỉ đạo, tổ chức để bàn về công tác đối ngoại của Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân và của cả hệ thống chính trị.

Tổng Bí thư nhấn mạnh, kế thừa và phát huy truyền thống đối ngoại vẻ vang của Dân tộc, nhất là tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta đã kế thừa và không ngừng bổ sung, phát triển, hoàn thiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, rộng mở vì hoà bình, hợp tác và phát triển, thực thi chính sách đối ngoại đa phương hoá, đa dạng hoá, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; chúng ta đã xây dựng nên một trường phái đối ngoại và ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo của Thời đại Hồ Chí Minh, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”, “gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển”, thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam. Đó là: Mềm mại, khôn khéo, nhưng rất kiên cường, quyết liệt; linh hoạt, sáng tạo nhưng rất bản lĩnh, kiên định, can trường trước mọi thử thách, khó khăn vì độc lập dân tộc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân. Đoàn kết, nhân ái, nhưng kiên quyết, kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc. Biết nhu, biết cương; biết thời, biết thế; biết mình, biết người; biết tiến, biết thoái, “tùy cơ ứng biến”, “lạt mềm buộc chặt”!

10. Đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực

Bộ Chính trị thống nhất với Đề án “Sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng”, theo đó tên gọi của Ban Chỉ đạo được bổ sung thêm cụm từ “tiêu cực”. Điều này một lần nữa khẳng định quyết tâm mạnh mẽ của Đảng, Nhà nước trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Có thể thấy, trong năm 2021, dù phải đương đầu với muôn vàn khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra, nhưng cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực không chùng xuống, không ngừng nghỉ. Nhiều cán bộ cấp cao, nhiều tổ chức đảng vi phạm bị xử lý kỷ luật, trong đó có nhiều người đã phải chịu sự trừng phạt nghiêm khắc của pháp luật.

Trong số các vụ án bị khởi tố, xét xử trong năm 2021, dư luận đặc biệt quan tâm những vụ án trong ngành Y tế, nhất là việc nâng khống giá thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế dùng để chống dịch Covid-19. Nhiều cán bộ cao cấp trong ngành Y tế, nhiều cán bộ các bệnh viện, trung tâm kiểm soát dịch bệnh (CDC) bị bắt giữ, truy tố, xét xử.

Những điều đó một lần nữa cho thấy cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực cũng là một điểm nhấn trong năm 2021. Và cuộc chiến với “giặc nội xâm” sẽ vẫn còn tiếp diễn.

“Dịch Covid-19 đã đẩy nền kinh tế thế giới tiếp tục suy thoái sâu và Việt Nam khó đứng ngoài vòng xoáy này. Việt Nam đã buộc phải thực hiện biện pháp giãn cách nghiêm ngặt nhằm khống chế dịch bệnh. Tuy nhiên, đến cuối năm 2021, với tỷ lệ phủ vaccine cao, tốc độ tiêm chủng nhanh chóng và kinh tế Việt Nam hồi phục mạnh mẽ với những tín hiệu tươi sáng, lạc quan” - Đây là nhận định trong một bài viết của hãng tin Sputnik (Nga).

ĐẠI ĐOÀN KẾT