Cứu Quốc, Giải Phóng - sức mạnh của Đại Đoàn Kết

Ái Châu 03/01/2022 09:00

Báo Cứu Quốc, Báo Giải Phóng chính là niềm tự hào thiêng liêng, là sức mạnh nội sinh để Báo Đại Đoàn Kết phát triển. 80 năm - một hành trình mà các thế hệ đồng nghiệp đáng kính để lại chính là hành trang quý giá để đội ngũ cán bộ, phóng viên Báo Đại Đoàn Kết hôm nay tiếp tục viết nên lịch sử tờ báo của Mặt trận. 

Ngày 25/1/1942, Báo Cứu Quốc - Cơ quan cổ động của Tổng bộ Việt Minh đã ra đời tại huyện Sóc Sơn (Hà Nội). Là cơ quan cổ động của Việt Nam độc lập đồng minh (Việt Minh), song Báo Cứu Quốc lại do Tổng Bí thư Trường Chinh thay mặt Đảng trực tiếp phụ trách từ năm 1942 đến năm 1944 và từ năm 1944 do đồng chí Xuân Thủy làm Chủ nhiệm kiêm Chủ bút.

Từ số đầu tiên đến khi cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám thành công và công bố danh sách Chính phủ lâm thời (28/8/1945), Báo Cứu Quốc chỉ có 30 số (từ năm 1942 đến năm 1943 có 9 số, năm 1944: 9 số và năm 1945: 12 số), nhưng Báo Cứu Quốc có quyền tự hào vì đã đóng góp vào sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc, giành độc lập, tự do trong cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Trong đấu tranh, hoạt động bí mật, cơ quan Báo Cứu Quốc đã phải chuyển địa điểm nhiều lần: Kim Anh (Phúc Yên), Thuận Thành, Tiên Du (Bắc Ninh), Hạ Dương, Trâu Quỳ (Gia Lâm, Hà Nội), Vạn Phúc (Hà Đông), Chùa Thầy (Sài Sơn, Quốc Oai, Sơn Tây), Thu Quế (Đan Phượng, Hà Đông). Với sự đùm bọc của nhân dân, của các tổ chức đảng và Mặt trận, với tư cách là người chiến sĩ cách mạng, những người làm Báo Cứu Quốc đã hoàn thành trách nhiệm lịch sử vẻ vang trong sự nghiệp giải phóng dân tộc mà mốc son chói lọi là Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Sau ngày lễ Độc lập, với trách nhiệm và cũng là niềm tự hào, Báo Cứu Quốc số ra ngày 5/9/1945 đã đăng toàn văn bản Tuyên ngôn độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc ngày 2/9/1945 tại quảng trường Ba Đình, Hà Nội. Báo cũng đăng lời tuyên thệ của Chính phủ lâm thời và lời thề của quốc dân quyết tâm bảo vệ nền độc lập của dân tộc. Đó là những tài liệu vô cùng quý giá ở một thời điểm thiêng liêng của dân tộc và cách mạng; có giá trị lớn lao đối với nền báo chí cách mạng Việt Nam và khoa học lịch sử, với lịch sử Đảng, lịch sử Nhà nước cách mạng Việt Nam và đối với nhiều ngành khoa học xã hội khác khi cần phải trở lại đúng bản gốc của Tuyên ngôn độc lập.

Sự thành công của Cách mạng Tháng Tám cùng với Tuyên ngôn độc lập và sự ra đời Nhà nước cách mạng kiểu mới - nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - đã mở ra kỷ nguyên mới của lịch sử dân tộc, kỷ nguyên độc lập, tự do và tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Cứu Quốc cũng là tờ báo đầu tiên đăng khoảng 400 bài báo của Bác Hồ với nhiều bút danh khác nhau. Nhiều văn bản quan trọng của đất nước lần đầu tiên được công bố trên Báo Cứu Quốc như: Tuyên ngôn độc lập, Lời thề của Chính phủ và Lời thề của Quốc dân được đăng ngay sau ngày Lễ độc lập, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến...

Trước yêu cầu xây dựng một tờ báo của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, đầu năm 1964, Báo Cứu Quốc cử Tổng Biên tập Trần Phong (tức Kỳ Phương) cùng các đồng chí Tống Đức Thắng, Thái Duy (Trần Đình Vân) vào miền Nam để xây dựng Báo Giải Phóng.

Báo Giải Phóng được phát hành trong vùng giải phóng và cả vùng địch kiểm soát; đến tay cả bạn bè trên thế giới. Cần nhấn mạnh rằng, Mặt trận và tờ báo của Mặt trận có vai trò rất quan trọng trong hoạt động đối ngoại, tuyên truyền đường lối và sự nghiệp kháng chiến chính nghĩa của dân tộc Việt Nam, tranh thủ sự đoàn kết và ủng hộ quốc tế.

Quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ đã được Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 11 (3/1965), lần thứ 12 (12/1965) xác định. Những trận thắng quân viễn chinh Mỹ ở Núi Thành, Quảng Nam (26/5/1965), Vạn Tường, Quảng Ngãi (8/1965); mùa khô 1965 - 1966, mùa khô 1966-1967 và cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân (1968) đã được Báo Giải Phóng phản ánh đầy đủ; điều này không chỉ có ý nghĩa cổ vũ mà còn có giá trị về phương diện chính trị, lịch sử và công tác báo chí.

Báo Giải Phóng không chỉ là cơ quan của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, sau chiến thắng Mậu Thân năm 1968, Báo còn phản ánh tiếng nói và hoạt động của Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam do Luật sư Trịnh Đình Thảo làm Chủ tịch. Từ ngày 6/6/1969, Báo còn là cơ quan của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam do Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát làm Chủ tịch. Đồng chí Thép Mới làm Tổng Biên tập Báo Giải Phóng từ năm 1969 đến năm 1971.

Có thể nói, trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Báo Cứu Quốc, Báo Giải Phóng luôn là những tờ Báo đi đầu trên mọi mặt trận.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, đầu năm 1977, Báo Cứu Quốc và Báo Giải Phóng sáp nhập thành Báo Đại Đoàn Kết - Cơ quan Trung ương của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Trong suốt quá trình xây dựng và phát triển, với tư cách là tờ báo của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam - Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Báo luôn phấn đấu, nỗ lực phản ánh đầy đủ, chân thực đời sống xã hội qua từng giai đoạn lịch sử; kêu gọi, tập hợp quần chúng, góp phần phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc nhằm thực hiện những nhiệm vụ mà cách mạng đặt ra, đáp ứng sự tin cậy của bạn đọc trong và ngoài nước, sự tin yêu của những người làm công tác Mặt trận.

Chỉ còn ít ngày nữa Lễ kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Báo Cứu Quốc - Giải Phóng - Đại Đoàn Kết sẽ diễn ra, tuỳ theo bối cảnh diễn biến tình hình thực tế của đại dịch, Báo Đại Đoàn Kết sẽ tổ chức lễ kỷ niệm trang trọng, đầm ấm. Đối với đội ngũ cán bộ, phóng viên Báo Đại Đoàn Kết hôm nay đã chuẩn bị tâm thế hướng về ngày lễ kỷ niệm trong niềm tự hào và biết ơn vô hạn.

80 năm đã trôi qua, bên cạnh sự đóng góp to lớn của tờ báo đối với đất nước, với dân tộc là sự cống hiến, hy sinh thầm lặng của biết bao thế hệ cán bộ, phóng viên Báo Cứu Quốc - Giải Phóng - Đại Đoàn Kết.

Cứu Quốc, Giải Phóng chính là niềm tự hào thiêng liêng của Đại Đoàn Kết. Cứu Quốc, Giải Phóng cũng là sức mạnh nội sinh để Báo Đại Đoàn Kết phát triển như ngày hôm nay. Hành trình của các thế hệ đồng nghiệp đáng kính chính là hành trang quý giá để đội ngũ cán bộ, phóng viên Báo Đại Đoàn Kết hôm nay tiếp tục viết nên lịch sử của tờ báo Mặt trận.

Bày tỏ sự biết ơn và tri ân các thế hệ cán bộ, phóng viên Báo Cứu Quốc - Giải Phóng - Đại Đoàn Kết qua các thời kỳ, nhà báo Lê Anh Đạt - Quyền Tổng Biên tập Báo Đại Đoàn Kết, khẳng định, “nối tiếp truyền thống lịch sử hào hùng, Báo Đại Đoàn Kết sẽ tiếp tục phát huy tiếng nói của mình, tiếng nói của đoàn kết, tiếng nói của nhân dân, tiếng nói của sự đồng lòng để cùng đất nước chiến thắng đại dịch Covid-19, trở lại trạng thái bình thường và tiếp tục phát triển toàn diện như mong mỏi của Bác Hồ: “Đất nước ta sẽ sánh vai với các cường quốc năm châu” và cũng là hiện thực hoá Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra về khát vọng xây dựng một đất nước Việt Nam hùng cường”.

80 năm Báo Cứu Quốc - Giải Phóng - Đại Đoàn Kết, dù dưới các tên gọi khác nhau nhưng ở giai đoạn nào tờ báo cũng đứng ở vị trí tiên phong, không ngừng phát triển, xứng đáng là tiếng nói của khối đại đoàn kết toàn dân tộc và đồng hành cùng sự nghiệp cách mạng.

Ái Châu