Rằng qua cơn hoạn nạn...
Mỗi chúng ta đều đang sống trong “mùa dịch” với những tâm thế khác nhau. Nhưng chương trình “Cơm cho người nghèo trong đại dịch Covid-19” của Báo Đại Đoàn Kết đã lan toả một tinh thần vì nhau trong hoạn nạn.
Trong năm 2021, Việt Nam tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn trong đại dịch Covid-19. Đặc biệt làn sóng đại dịch lần thứ 4 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người nghèo, đặc biệt người nghèo thành thị, người vô gia cư, người mắc bệnh nan y, lao động tự do…
Các thành phố lớn đóng cửa, cửa hàng cơm cũng dừng hoạt động. Bữa cơm lót dạ qua ngày đang trở thành nỗi quan tâm đặc biệt của những người lao động cứ “hết mồ hôi là hết tiền”. Để có cơm ăn hằng ngày đối với người yếu thế trong xã hội, vốn có cuộc sống bấp bênh, ngày bình thường đã chẳng dễ gì nên trong hoàn cảnh dịch bệnh hoành hành lại trở nên cấp bách hơn.
Chúng tôi tìm đến xóm chạy thận ở Ngọc Hồi, Thanh Trì, Hà Nội - một ngách nhỏ nằm sát đường tàu, song song là đường quốc lộ, ầm ào xe cộ. Thực sự bước vào nơi này, chúng tôi như lặng đi khi chứng kiến một “cuộc sống khác” ở bên rìa thành phố, với bao đau đớn, mệt mỏi…
Từ nhiều năm nay, ngõ nhỏ này là nơi cư ngụ của 19 người bị bệnh thận, phải duy trì sự sống bằng chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp. Ở xóm này, có lẽ người ta không quan tâm nhau là ai, ở đâu mà chỉ cần nhìn vào những u cục nổi lên từ những cánh tay sẽ biết “thâm niên” chạy thận của người đó.
Ông Phạm Văn Hồng - trưởng xóm, là một trong những người như vậy. Sau 18 năm chạy thận, người ông hốc hác, da đen sạm, cánh tay gân guốc nổi lên những u cục. Ngày nào cũng vậy, bất kể lễ tết hay dịch dã, ông đều phải vào viện 3 lần, mỗi lần 3 đến 4 tiếng.
Theo ông Hồng, với những người chạy thận nhân tạo, bên cạnh những nỗi đau do bệnh tật hoành hành, mối lo về kinh tế cũng rất lớn. Dù có bảo hiểm y tế giúp nhẹ gánh tiền thuốc thì việc đi lại thường xuyên cũng khiến họ khó khăn cả về sức khỏe lẫn tiền bạc, nhất là chi phí cuộc sống gồm cả tiền thuê nhà cũng rơi vào 2,5 triệu đồng/tháng.
Trải qua 4 đợt dịch bệnh, người dân ở xóm chạy thận này ai cũng chung một nỗi lo lắng, họ là đối tượng dễ bị tổn thương nhất vì vừa có bệnh nền, vừa nghèo khó. Cuộc sống bấp bênh, vá víu nên trong xóm những ai còn trẻ, có tay nghề đều phải tranh thủ vừa chữa bệnh vừa làm thêm để kiếm kế sinh nhai.
Nhưng dịch bệnh xảy ra, giãn cách xã hội ập đến, tất cả đều phải trông chờ vào cứu trợ. Có điều không phải ai cũng biết về nơi này, do ở cách khá xa trung tâm thành phố, hơn nữa lo sợ dịch bệnh nên họa hoằn mới có đoàn cứu trợ tìm đến, mọi người trong xóm đành nương tựa vào nhau qua những ngày gian khó.
Khi chúng tôi tìm đến ga tàu điện Cát Linh, vào thời điểm nơi đây vẫn chưa đi vào hoạt động nên nơi đây là “nhà” của một nhóm người vô gia cư. Sau vài phút, chúng tôi tìm được một người đàn ông đang dầm mình dưới nước - con mương ở dưới chân nhà ga. Đó là ông Nguyễn Hồng Toàn (53 tuổi), thành viên nhóm 7 người sống tại khu vực này. Ông Toàn bị ung thư gan, có thêm vấn đề về thận và đường ruột nên bụng chướng to và luôn cảm thấy khó thở. Mỗi khi khó thở, ông Toàn lại chui xuống mương, dầm mình dưới nước để cảm thấy dễ chịu hơn.
Ông Toàn bị bệnh hiểm nghèo, những ngày dịch, ông cùng mọi người không thể mưu sinh và may mắn nhận được hỗ trợ của các đoàn thiện nguyện. Mỗi lần nhận được suất cơm hay suất cháo, ông chỉ biết chảy nước mắt, chắp tay cúi đầu cảm tạ, vì không biết nói gì hơn.
Trong câu chuyện vội vã với ông Toàn, chúng tôi chỉ nghe được những tiếng thì thào, có câu nói không rõ, nhiều khi phải thở rít lên vì quá xúc động. Tạm biệt ông bằng một lời hẹn “chiều tối chúng cháu sẽ quay lại”, chúng tôi nhớ mãi ánh mắt khắc khoải và thoáng đâu đó một nụ cười của ông gửi theo đoàn thiện nguyện.
Đó chỉ là một trong hàng ngàn hoàn cảnh mà chúng tôi đã gặp trên hành trình “Cơm cho người nghèo trong đại dịch Covid-19”. Hà Nội đã ôm vào lòng những niềm xót xa như thế, nhưng không phải ai cũng nhận ra hoặc vì cuộc sống đã kéo chúng ta đi quá xa trong bộn bề công việc để khi bất chợt đối diện, mới thấy rằng, còn được bình an trong ngôi nhà của mình, còn có cơm ăn mỗi ngày đã là một niềm hạnh phúc.
Chương trình “Cơm cho người nghèo trong đại dịch Covid-19” do Báo Đại Đoàn Kết phát động từ tháng 9/2021 nhằm thực hiện chỉ đạo của Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến với mục tiêu tiếp sức các nhóm thiện nguyện, trong đó, hoạt động đầu tiên là hỗ trợ 10.000 suất cơm cho khoảng 3.000 người nghèo, người yếu thế, người vô gia cư, người có hoàn cảnh khó khăn trong đại dịch Covid-19 trên địa bàn Hà Nội.
“Chương trình cơm cho người nghèo trong đại dịch Covid-19” đã đi được một đoạn đường và không chỉ thực hiện trên địa bàn Hà Nội mà còn tìm tới những người nghèo, người yếu thế, trẻ em bị mồ côi cha, mẹ do Covid-19 ở Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Tĩnh, Tuyên Quang…
Càng đi chúng tôi càng chứng kiến nhiều mảnh đời éo le cần chia sẻ và càng thấy sự san bớt khó khăn cho những phận đời éo le không nên là chuyện của tổ nhóm nào, mà cần lan tỏa trong xã hội để làm sáng lên tinh thần tương thân tương ái: Người giàu chia sẻ với người nghèo, người khỏe mạnh giúp đỡ người bệnh tật. Đó là điều mà Chương trình “Cơm cho người nghèo trong đại dịch Covid - 19” hướng tới để có được sự tham gia càng ngày đông đảo của bạn đọc, nhà hảo tâm.
Chương trình “Cơm cho người nghèo trong đại dịch Covid-19” đã, đang và tiếp tục phối hợp các chính quyền địa phương; các tổ, nhóm tình nguyện thực hiện cho đến khi nước ta khống chế được dịch bệnh, cuộc sống người dân trở lại trạng thái bình thường.
Nhà báo Lê Anh Đạt, Quyền Tổng Biên tập Báo Đại Đoàn Kết cho rằng, nếu có chút dư, hãy sẻ chia trong lúc này. Sự sẻ chia, cho đi chính là của để dành gửi vào cuộc đời này, phòng khi gặp gian khó, nguy nan. Đưa cánh của tay mình ra với người khốn khó để khi rơi vào cảnh khốn cùng sẽ có nhiều cánh tay đưa ra với mình….
Nhà báo Lê Anh Đạt cũng khẳng định, ngoài câu chuyện nhường cơm sẻ áo, Báo Đại Đoàn Kết mong muốn qua chương trình sẽ khơi dậy, lan tỏa những giá trị của người Việt Nam, đó là tinh thần đoàn kết, gắn bó, thương yêu, hy sinh vì nhau mỗi khi gặp khó khăn, hoạn nạn.
Mọi sự ủng hộ xin gửi về: Toà soạn Báo Đại Đoàn Kết 66 Bà Triệu, Hàng Bài, Hoàn Kiếm, TP Hà Nội. Đường dây nóng tiếp nhận hiện vật: 0988185528. Tài khoản tiếp nhận: 112000132970, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - Chi nhánh TP Hà Nội. Chủ tài khoản: Báo Đại Đoàn Kết.