Từ ‘zero Covid’ tới bình thường mới
Năm 2021, đại dịch Covid-19 tiếp tục gây những thiệt hại to lớn trên phạm vi toàn thế giới. Việt Nam không nằm ngoài vòng xoáy đó khi phải chịu những tổn thất nặng nề về kinh tế - xã hội. 2021 cũng là năm ghi dấu sự thay đổi to lớn về chủ trương phòng, chống dịch của nước ta, từ “zero Covid” tới “bình thường mới”.
Biến chủng mới làm thay đổi mọi thứ
Đợt dịch thứ 4 kéo đến với biến chủng Delta có độc lực mạnh, khả năng lây nhiễm nhanh hơn, nồng độ virus trong dịch đường hô hấp gấp 1.000 lần so với chủng cũ; chỉ trong 2-3 ngày đã có thêm một vòng lây nhiễm mới (các chủng cũ 5-7 ngày); khoảng 80% người nhiễm không có triệu chứng hoặc biểu hiện rất nhẹ; lây nhiễm xảy ra trước khi bệnh nhân có xuất hiện triệu chứng gây khó khăn cho việc phát hiện. Tỷ lệ lây nhiễm ở mức cao, 1 người nhiễm lây cho 9-10 người, đã xuất hiện các trường hợp lây nhiễm kéo dài (nhiều hơn 14 ngày).
Bắt đầu từ tháng 4 và nhanh chóng lan nhanh trên cả nước, sự xuất hiện của biến chủng Delta thực sự khuynh đảo mọi mặt đời sống xã hội nước ta. Ban đầu, dịch xuất hiện ở Hải Dương, sau đó lan ra Bắc Giang, Bắc Ninh. Tiếp đó, dịch bùng phát dữ dội ở TPHCM, với số ca mắc lên tới hàng nghìn người mỗi ngày, số người tử vong cũng rất lớn.
Thực tế cho thấy trong giai đoạn đầu, tốc độ lây lan của biến thể Delta đã nhanh hơn tốc độ đáp ứng phòng, chống dịch, các nguyên tắc “vàng” đã triển khai trong các đợt dịch trước chưa theo kịp với sức lan truyền của dịch bệnh. Điều đó gây áp lực lớn cho hệ thống y tế trong bối cảnh năng lực y tế, nhất là y tế cơ sở còn nhiều hạn chế; nhân lực, trang thiết bị, hạ tầng cơ sở chưa chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống nhiều người mắc nên xảy ra quá tải cục bộ, dẫn đến số tử vong tăng mạnh trong thời gian ngắn.
Với tốc độ lây lan rất nhanh của biến thể Delta, dịch bệnh không lây theo chuỗi từ người này sang người kia mà theo lây theo chùm ca bệnh, F0 tăng theo cấp số nhân.
Ở thời điểm đó, để ứng phó với tình huống này thì giãn cách xã hội là giải pháp quyết định để ngăn chặn dịch lây lan trong cộng đồng. Chỉ có thực hiện triệt để giãn cách giữa người với người, gia đình với gia đình mới chặt đứt được chuỗi lây nhiễm của virus SARS-CoV-2 với biến thể Delta.
Trong rất nhiều cuộc họp về chống dịch với các địa phương, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính luôn nhấn mạnh, phòng, chống dịch thì quan trọng nhất là chống lây nhiễm giữa người với người, kiểm soát được con người thì cắt được lây nhiễm. Bởi nếu dịch lây lan trên diện rộng, hệ thống y tế sẽ quá tải, nhiều người bị nặng, nhiều người tử vong và có thể đe dọa đến sự ổn định, phát triển của đất nước.
Thực hiện giãn cách xã hội chỉ có hiệu quả nếu làm thực chất, nghiêm ngặt, mạnh mẽ, quyết liệt ngay từ đầu, xuyên suốt trong tất cả các cấp trên nguyên tắc “ai ở đâu ở đó”; dứt khoát không để người dân tự rời khỏi địa bàn đang có dịch làm lây lan sang các địa bàn, địa phương khác; “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”, phát hiện, xử lý ngay người đến từ vùng có dịch hoặc đến từ địa bàn khác mà không khai báo…
Thực tế, tại nhiều tỉnh đã thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg “sớm một bước, cao hơn một mức”, thì tình hình dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát như 6 tỉnh Nam Sông Hậu (Cà Mau, Bạc Liêu, An Giang, Hậu Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng), Bến Tre, Trà Vinh, Bình Phước, Bà Rịa-Vũng Tàu… Điển hình, tại Hà Nội với rất nhiều biện pháp quyết liệt để thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 kết hợp xét nghiệm, truy vết thần tốc đã phát huy hiệu quả rõ rệt khi khoanh vùng, cô lập ngay các ổ dịch phức tạp xuất hiện trong hệ thống phân phối hàng hóa, tại cộng đồng, trong một thời gian khá dài.
Nhiều địa phương khác như Khánh Hòa, Phú Yên, TP Đà Nẵng đã tranh thủ thời gian “vàng”, tập trung cao độ chỉ đạo quyết liệt, khẩn trương nhất việc xét nghiệm, bóc tách hết F0, phân loại điều trị ngay, bóc tách nguồn lây, bao vây ổ dịch. Từ đó xác định được cụ thể và bảo vệ được thật chắc các “vùng xanh”; có biện pháp, lộ trình cụ thể để chuyển “vùng vàng” thành “vùng xanh”, “vùng cam” thành “vùng vàng” và khoanh chặt, thu hẹp “vùng đỏ”.
Ngay tại các tỉnh có dịch bệnh còn phức tạp như Bình Dương, Đồng Nai, Long An thì thực hiện giãn cách xã hội cũng là khoảng thời gian để thiết lập và củng cố vững chắc các “chiến khu xanh” làm “căn cứ” để từng bước xanh hóa “vùng vàng”, “vùng cam”, cô lập, thu hẹp “vùng đỏ”… Còn ở TPHCM, trong thời gian giãn cách xã hội, những cơ chế đặc biệt, đặc thù đã được áp dụng để đáp ứng yêu cầu cấp bách của công tác phòng, chống dịch từ chiến lược xét nghiệm, cách ly đến điều chỉnh lại hệ thống điều trị, phác đồ điều trị, hỗ trợ an sinh cho người dân…
Thích ứng an toàn, linh hoạt
Chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 thần tốc với quy mô lớn nhất trong lịch sử tiêm chủng tại Việt Nam được chính thức phát động, với mục tiêu tiêm chủng cho khoảng 75 triệu người, với 150 triệu mũi tiêm trong nửa cuối năm 2021 và đầu năm 2022. Một tháng trước đó, Quỹ Vaccine phòng, chống Covid-19 đã được thành lập để tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, đóng góp tự nguyện bằng tiền, vaccnie của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài; hoạt động mua, nhập khẩu, nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước.
Thời điểm phát động chiến dịch tiêm chủng vaccine, Việt Nam mới có gần 4 triệu liều vaccine từ nguồn viện trợ của Liên minh COVAX và nguồn mua để tiêm cho lực lượng tuyến đầu chống dịch. Đến nay, chiến dịch vaccine đã tiệm cận với thành công khi gần 100% dân số trên 18 tuổi đã được tiêm đủ 2 mũi.
Sự thành công của chiến dịch này được xem là một trong những căn cơ, mang tính quyết định để chủ động kiểm soát dịch bệnh, hoà nhịp với quá trình mở cửa trở lại của nền kinh tế thế giới để phục hồi và tăng trưởng kinh tế một cách vững chắc, đồng thời sớm tận dụng được các cơ hội để duy trì và thúc đẩy các động lực tăng trưởng xuất khẩu và đầu tư khi các đối tác thương mại, đầu tư lớn của Việt Nam đang trên đà phục hồi mạnh mẽ.
Với thành tựu đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP, chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” từ tháng 10/2021, qua đó, phấn đấu đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới trong thời gian sớm nhất.
Quan điểm của Chính phủ là bảo đảm “mục tiêu kép” nhưng đặt sức khỏe, tính mạng người dân lên trên hết, trước hết; các giải pháp phòng, chống dịch phải dựa trên cơ sở khoa học, phù hợp với thực tiễn và điều kiện của đất nước; đảm bảo người dân được bảo vệ tốt nhất trước dịch bệnh, được tiếp cận dịch vụ y tế sớm nhất, nhanh nhất, ngay từ cơ sở; nhưng không gây ách tắc cho lưu thông, sản xuất.
Với những nỗ lực để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, nước ta sẽ sớm trở lại cuộc sống bình thường mới, vừa thích ứng an toàn với dịch bệnh, vừa khôi phục và phát triển kinh tế, góp phần thực hiện mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn khuyến cáo, toàn bộ người dân đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam cần đi tiêm vaccine phòng Covid-19. Tiêm chủng không chỉ là quyền lợi, trách nhiệm của mỗi cá nhân mà còn là trách nhiệm đối với cộng đồng. Còn tại các địa phương, quản lý chặt chẽ nhóm nguy cơ cao trên địa bàn, tổ chức rà soát, lập danh sách, thống kê tất cả những người thuộc nhóm nguy cơ cao, tổ chức tiêm vét vaccine, thực hiện tiêm lưu động ngay tại nhà, bảo đảm không bỏ sót người thuộc nhóm nguy cơ.