Thế giới 2021: 10 sự kiện nổi bật
Một năm đã trôi qua với rất nhiều biến động. “Một thế giới không bình yên”, “Gương mặt dữ dội của trái đất” - khi nhìn nhận lại những gì nhân loại đã phải trải qua trong năm 2021, truyền thông quốc tế đã chung nhận xét. Thế giới năm 2021 cũng được Báo Đại Đoàn Kết phản ánh nhanh, nhiều góc cạnh, bám sát những vấn đề lớn được nhiều người quan tâm. Trong số báo này, chúng tôi xin được điểm lại 10 sự kiện quốc tế lớn được Báo Đại Đoàn Kết tập trung thông tin trong năm 2021.
1. Covid-19 với biến thể Delta tấn công thế giới
Đầu năm 2021, thế giới lạc quan khi một loạt vaccine được triển khai và chiến dịch tiêm chủng nhanh chóng trở thành xương sống cho chiến lược ứng phó đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, kể từ tháng 3, biến thể Delta được phát hiện đầu tiên ở Ấn Độ đã lập tức cho thế giới thấy đại họa đã đến gần. Trong các tháng 5 và 6, Ấn Độ trở thành tâm dịch thế giới với số ca nhiễm cũng như số ca tử vong rất lớn. Hệ thống y tế không chống đỡ nổi sức tấn công của biến thể Delta mà thiếu ô xy cho bệnh nhân là vấn đề nghiêm trọng.
Sau đó, Delta lan sang nhiều nước châu Á, châu Âu, Bắc Mỹ. Đi đến đâu nó cũng gieo rắc thảm họa khó tưởng tượng. Năm 2021, khi mà biến thể Delta “thống trị”, cả thế giới có tới hơn 276 triệu người nhiễm, gần 5,4 triệu người tử vong, tương đương toàn bộ dân số New Zealand, trở thành một trong những đại dịch chết chóc nhất trong lịch sử nhân loại, sau dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918.
Covid-19 khiến kinh tế toàn cầu thiệt hại khoảng 3,3 nghìn tỷ USD, với hàng chục triệu việc làm bị mất và chuỗi cung ứng bị gián đoạn. Nếu kinh tế toàn cầu suy thoái, mức tổn thất có thể lên đến 82 nghìn tỷ USD - theo Trung tâm Nghiên cứu rủi ro Trường Kinh doanh Judge Đại học.
2. Biến thể Omicron xuất hiện cùng lời cảnh báo cho năm 2022
Ngày 11/11/2021, tại Bostwana, một quốc gia châu Phi, người ta phát hiện ca nhiễm đầu tiên do virus “lạ” gây ra. Ngày 24/11, Nam Phi công bố giải trình trình tự gene bệnh nhân nhiễm virus “lạ” này. Ngày 26/11, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) triệu tập cuộc họp khẩn cấp, tuyên bố biến thể mới của virus SAR-CoV-2 gây bệnh Covid-19 thuộc cấp độ “đáng lo ngại” và đặt tên nó là Omicron.
Kể từ đó, biến thể Omicron lây lan với tốc độ chóng mặt. Tới cuối năm 2021, nó đã có mặt tại gần 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Thực tế cho thấy, Omicron lây lan nhanh gấp 5 đến 7 lần so với các biến thể trước đó. Nhiều quốc gia đã vội vã đóng cửa biên giới, tăng cường xét nghiệm, tái áp dụng phong tỏa. Mùa Giáng sinh 2021 và đón năm mới 2022 ở hầu hết các nước đều diễn ra trong mối e ngại Omicron lây lan. Giới khoa học cho rằng, chưa xác định được rõ ràng Omicron có gây nhiều ca bệnh nặng cũng như gia tăng số người tử vong hay không, nhưng rõ ràng nó chính là lời cảnh báo cho năm 2022 về đại dịch Covid-19 vẫn có thể còn diễn biến phức tạp.
3. Ông Joe Biden trở thành Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ và vụ bạo loạn Đồi Capitol
Ngày 20/1/2021, ông Jobiden (đảng Dân chủ) chính thức nhậm chức Tổng thống Mỹ, sau chiến thắng trước đương kim Tổng thống Donald Trump (đảng Cộng hòa). Đây cũng là chiến thắng của bà Kamala Harris trong vai trò Phó Tổng thống nữ đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ.
Chiến thắng của ông Biden cũng đặt dấu chấm hết cho chính sách “Nước Mỹ trên hết” của thời ông Trump và được coi là cuộc đua gay cấn bậc nhất so với tất cả các kỳ bầu cử trước đó. Trong năm đầu nắm quyền tại Nhà Trắng, ông Biden đã phải “chiến đấu” với đại dịch Covid-19 lan tràn, với nạn thất nghiệp và suy giảm kinh tế trong nước; đồng thời áp dụng các chính sách đối ngoại mềm dẻo hàn gắn đồng minh cũng như các đối tác khác trên thế giới. Thành công của ông Biden đối với nước Mỹ đã tác động đến nhiều khu vực trên thế giới.
Tuy nhiên, chiến dịch rút quân đầy hỗn loạn khỏi Afghanistan cũng khiến ông Biden chịu nhiều chỉ trích, khi bị cho là “bỏ rơi” đồng minh.
Cũng liên quan tới cuộc đua vào Nhà Trắng, một sự kiện gây chấn động chính là “vụ bạo loạn Đồi Capitol”, khi mà vào ngày 6/1, đám đông ủng hộ ông Donald Trump xông vào Đồi Capitol trong lúc quốc hội Mỹ họp để chứng nhận chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống. Vụ bạo loạn ngay trong nhà Quốc hội Mỹ khiến 5 người chết, trật tự chỉ được vãn hồi sau khi Lầu Năm Góc triển khai vệ binh quốc gia ứng phó. Đây là lần đầu tiên đám đông bạo lực tấn công vào biểu tượng của nền dân chủ Mỹ khiến hình ảnh của Mỹ bị ảnh hưởng nặng nề trên toàn thế giới.
4. Chỉ trong vòng 3 tháng vây hãm, Taliban kiểm soát Afghanistan
Tháng 5, ngay sau khi Mỹ rút quân khỏi Afghanistan, lực lượng Taliban đã lập tức mở liên tiếp những đợt tấn công và nhanh chóng tiến vào Kabul, ngày 15/8.
Như vậy là chỉ trong vòng 3 tháng, lực lượng Taliban đã lật đổ chính phủ được cho là thân phương Tây, làm chủ đất nước Afghanistan - quốc gia có vị trí địa chiến lược vô cùng quan trọng. Chiến thắng của Taliban được coi là một thất bại của Mỹ, vốn đã đổ gần 2.300 tỷ USD vào đất nước này và đầu tư huấn luyện, trang bị cho một đội quân lớn nhưng không có tinh thần chiến đấu, dễ dàng thất bại trên chiến trường.
Sau khi kiểm soát Afghanistan, Taliban nỗ lực xây dựng hình ảnh ôn hòa hơn, nhưng đất nước đã rơi vào cảnh chật vật vì viện trợ bị cắt, hơn 9,5 tỷ USD tài sản ở nước ngoài bị phong tỏa. Liên hợp quốc cảnh báo tình thế bế tắc của Taliban có nguy cơ đẩy khoảng 14 triệu người vào nạn đói và quốc gia Trung Á trên bờ vực sụp đổ.
5. Đảo chính quân sự ở Myanmar, bà Aung San Suu Kyi bị bắt
Tình hình tại Đông Nam Á bất ngờ nóng lên từ ngày 1/2, khi quân đội Myanmar tiến hành đảo chính, lật đổ chính phủ, bắt cố vấn nhà nước, bà Aung San Suu Kyi, thành lập chính quyền quân sự.
Động thái của quân đội châm ngòi cho làn sóng biểu tình quy mô lớn trong nước, khiến hơn 1.100 người thiệt mạng khi binh sĩ dùng vũ lực trấn áp. Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã ra tuyên bố chung về tình hình ở , trong đó lên án bạo lực, ủng hộ tiến trình dân chủ và kêu gọi các bên đối thoại hòa bình. ASEAN hồi tháng 10 cũng lần đầu tiên thống nhất không mời lãnh đạo chính quyền quân sự dự hội nghị thượng đỉnh.
Cũng từ đó lún sâu vào khủng hoảng kinh tế, có thể khiến 25 triệu người sống trong cảnh nghèo đói vào năm tới - theo Chương trình Phát triển Liên hợp quốc.
6. Bà Angela Merkel rời chính trường nước Đức. Ông Fumio Kishida trở thành Thủ tướng Nhật Bản
Bà Angela Merkel, người được xem như một tượng đài đã dẫn dắt Đức và Liên minh châu Âu (EU) vượt qua nhiều sóng gió, đã rời chính trường hôm 8/12 kết thúc 4 nhiệm kỳ dài tổng cộng 16 năm, để lại ghế Thủ tướng cho Olaf Scholz.
Bà Merkel đã để lại nhiều di sản trong 4 nhiệm kỳ liên tiếp lãnh đạo nước Đức, trong đó có chính sách rộng cửa với người nhập cư, nữ quyền, chống Covid-19, tăng tốc kinh tế đất nước, siết chặt quan hệ các nước EU và có cái nhìn xác đáng về quan hệ giữa hai bờ Đại Tây dương.
Tại Nhật Bản, ngày 4/10, hai viện của Quốc hội nước này đã chính thức bầu ông Kishida Fumio - tân Chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền, làm Thủ tướng thứ 100 của nước này. Ông Kishida phải đối mặt với dịch Covid-19 cũng như thúc đẩy nền kinh tế Nhật Bản tiến lên sau quãng thời gian dài tụt giảm.
Như vậy, trong năm 2021, nền kinh tế lớn thứ ba và thứ tư thế giới (Nhật Bản và Đức) đều có Thủ tướng mới.
7. Tàu container lớn nhất thế giới mắc kẹt ở kênh đào bộc lộ điểm yếu chí tử của thương mại toàn cầu
Trong lúc thế giới hứng chịu tình trạng đứt gãy nghiêm trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, thì xảy ra một sự cố hy hữu: Ever Given, một trong những tàu container lớn nhất thế giới với tổng trọng tải hơn 200.000 tấn, hôm 24/3 đã mắc cạn ở kênh đào Suez, bịt kín tuyến hàng hải quan trọng bậc nhất thế giới, khiến mọi hoạt động di chuyển qua kênh đào bị đình trệ trong gần một tuần.
Cả thế giới lập tức cảm nhận được tác động từ sự cố chỉ với một con tàu, bởi 13% hoạt động thương mại và 10% hoạt động vận chuyển dầu đường biển trên toàn cầu đi qua kênh Suez, cửa ngõ cho dòng chảy hàng hóa giữa châu Âu và châu Á. Thương mại toàn cầu được ước tính thiệt hại khoảng 6-10 tỷ USD trong một tuần Ever Given mắc kẹt, còn Ai Cập thất thu khoảng 12-14 triệu USD mỗi ngày.
Ngày 29/3, tàu Ever Given được giải cứu nhưng đã cho thế giới thấy một trong những điểm yếu chí tử của hệ thống thương mại toàn cầu. Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) cảnh báo khi tàu chở hàng càng lớn và phức tạp, việc chúng phụ thuộc vào những tuyến đường biển nhỏ hẹp, được xây dựng từ cách đây rất lâu là một rủi ro rất lớn.
8. Lũ lụt bất thường ở Trung Quốc. Nhiều quốc gia châu Âu bị mưa lũ tấn công
Thế giới năm 2021 hứng chịu nhiều thiên tai, trong đó trận lũ ở Trịnh Châu, thủ phủ tỉnh Hà Nam của Trung Quốc, trong nửa cuối tháng 7 được coi là một trong những sự kiện bất thường và gây tác động nặng nề nhất. Thành phố Trịnh Châu khi đó hứng chịu đợt mưa “nghìn năm có một”, có ngày hơn 609 mm, gây ra đợt lũ lớn nhấn chìm ga tàu điện ngầm, đường cao tốc, khiến hơn 300 người thiệt mạng, gây thiệt hại 12,7 tỷ USD và ảnh hưởng đến vùng khai thác than ở Hà Nam, khiến hàng loạt mỏ phải đóng cửa vì bị ngập.
Đến tháng 10, lũ lụt lại tấn công Sơn Tây, thủ phủ than đá của Trung Quốc, ảnh hưởng đến 1,76 triệu người, khiến hàng chục người thiệt mạng và 60 mỏ than dừng hoạt động.
Tại châu Âu, mưa to gây lũ lụt trên diện rộng, đặc biệt là tại Đức và Bỉ. Tại Đức, đợt mưa lớn vào trung tuần tháng 7 đã gây hậu quả thảm khốc nhất kể từ Thế chiến thứ 2. Có ít nhất 59 người đã thiệt mạng. 2 bang phía Tây Đức chịu thiệt hại nặng nề nhất về người là Nordrhein-Westfalen (31 người) và Rheinland-Pfalz (28 người), trong đó vùng bị tàn phá nặng nhất là toàn bộ huyện Ahrweiler thuộc Rheinland-Pfalz khi riêng nơi đây đã có ít nhất 19 người thiệt mạng, trong khi thị trấn Euskirchen thuộc thành phố Koln, bang Nordrhein-Westfalen, cũng ghi nhận 15 người chết do mưa lũ.
Tại Bỉ, mưa ròng rã suốt nhiều ngày giữa tháng 7 đã gây ngập lụt tại nhiều địa phương, đặc biệt tại vùng Wallonie, khiến ít nhất 9 người thiệt mạng và gây nhiều thiệt hại vật chất nghiêm trọng. Một số thành phố ở miền Nam nước Bỉ đã phải tuyên bố lệnh giới nghiêm. Lũ lụt nghiêm trọng khiến các ngôi nhà ở một số thị trấn miền Đông nước này ngập trong bùn đất. Tại trung tâm du lịch Spa, gần đường đua Công thức 1 nổi tiếng, nước chảy xuống từ những ngọn đồi xung quanh đã biến những con phố thành sông. Ô tô chồng chất lên nhau, các hầm chứa ngập nước.
Giới chuyên gia khí tượng cho rằng, đây là biểu hiện của sự thay đổi khí hậu toàn cầu với mức độ ngày càng ghê gớm.
9. Châu Âu trong “cơn ác mộng hỏa hoạn”
Không chỉ bị mưa lũ tấn công, châu Âu trong năm 2021 còn gặp nhiều “tai ương”. Đầu tháng 8, tại Hy Lạp, những đám cháy rừng bắt đầu bùng lên. Kế đó, từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Tunisia, các nước xung quanh Địa Trung Hải đã phải trải qua một trong những mùa hè oi bức nhất nhiều thập kỷ. Đảo Evia của Hy Lạp đã trở thành tâm điểm của mùa hè khắc nghiệt ở châu Âu. Đợt cháy rừng này đã thiêu rụi hơn 45.500ha rừng thông khu vực phía Bắc đảo Evia, người dân trong vùng phải tháo chạy. Trong vòng 10 ngày, có tới hơn 500 đám cháy tàn phá Hy Lạp khiến Thủ tướng Kyriakos Mitsotakis phải thốt lên đất nước đang hứng chịu “một mùa hè ác mộng”.
Tại miền Nam Italy, cháy rừng cũng hoành hành trong khi nhiệt độ tại thành phố Syracuse dường như đã chạm mốc cao chưa từng thấy trong lịch sử châu Âu: 48,8 độ C; cao hơn 0,8 độ C so với kỷ lục từng được thiết lập tại thủ đô Athens của Hy Lạp vào năm 1977.
Mùa hè nóng bức với những đám cháy rừng bùng phát tạm qua, thì châu Âu lại đón một mùa đông ảm đảm bới đại dịch Covid-19 quay trở lại. Đan Mạch, quốc gia được cho là “miễn nhiễm” với Covid-19 trong những lần dịch trước thì lần này cũng không “thoát hiểm”. Đức, Anh, Pháp, Italy... và một loạt quốc gia Đông Âu, trong đó có Nga số người nhiễm SAR-CoV-2 cao chưa từng thấy, bất chấp các biện pháp phòng, chống đã được áp dụng.
Người ta nói rằng, kể từ sau Thế chiến thứ 2, năm 2021 chính là năm khó khăn nhất của châu Âu.
10. Rai - siêu bão cuối cùng của năm 2021, khép lại một năm nhiều thiên tai
Ngày 20/12, thống kê của cơ quan chức năng Philippines cho biết, ít nhất 375 người thiệt mạng, 56 người mất tích và hơn 500 người khác bị thương vì siêu bão RAI. Trong khi đó, nhiều người còn đang thiếu thức ăn và nước uống.
Bão RAI là cơn bão nhiệt đới cuối cùng của năm 20221, nhưng nó cũng được ghi nhận là cơn bão có tốc độ gió khủng khiếp nhất trên biển: từ 270 đến 310km/h. Hội Chữ thập đỏ Philippines đã mô tả về “một cuộc tàn sát” ở các khu vực ven biển sau khi siêu bão RAI quét qua và xé toạc nhiều nhà cửa, trường học và bệnh viện. Ngay trong đêm 16/12, trước khi cơn bão đổ bộ, hơn 380.000 người dân đã phải sơ tán đến nơi an toàn. Chính phủ Philippines đã phải triển khai hàng nghìn quân nhân, cảnh sát, lực lượng bảo vệ bờ biển và lính cứu hỏa mang theo thực phẩm, nước uống và thuốc men đến những vùng bị bão RAI tàn phá.
Bão RAI đổ bộ vào đảo Siargao với tốc độ gió tối đa 195 km/h rồi giảm xuống 150 km/h một ngày sau đó. Đây là cơn bão thứ 15 và là một trong những cơn bão gây thiệt hại về người nghiêm trọng nhất quét qua Philippines trong năm 2021.
Philippines nằm trong số những quốc gia dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu, hứng trung bình 20 cơn bão mỗi năm (trong đó khoảng 2/3 đổ bộ vào đất liền). Năm 2013, bão Haiyan - cơn bão mạnh nhất từng đổ bộ vào đất liền ở Philippines - đã khiến hơn 7.300 người thiệt mạng và mất tích…