Mở cửa hàng không, khởi động du lịch: Không thể trì hoãn
Sau 20 tháng “đóng băng” do đại dịch Covid-19, bắt đầu từ tháng 11/2021, Chính phủ cho phép thí điểm đón khách quốc tế. Giới chuyên gia nhận định, việc thí điểm mở các đường bay quốc tế thường lệ chở khách từ 1/1/2022 được kỳ vọng sẽ “chớp” được cơ hội để phục hồi kinh tế.
Thiệt hại nghiêm trọng
Theo báo cáo gần đây của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), Philippines, Việt Nam, Thái Lan, Brunei và Mông Cổ đã ghi nhận 1/3 số việc làm mất đi do dịch Covid-19 thuộc ngành du lịch; mức tổn thất việc làm trong các ngành liên quan đến du lịch trong năm 2020 cao hơn gấp 4 lần so với các ngành khác. Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) ước tính, thiệt hại do đại dịch Covid-19 gây cho nền kinh tế toàn cầu năm 2021 khoảng 2,4 nghìn tỷ USD do sự sụp đổ của ngành du lịch quốc tế.
Việt Nam cũng không nằm ngoài “vòng xoáy” này. Tính chung cả năm 2020 và 11 tháng năm 2021, Việt Nam chỉ đón 7,6 triệu lượt khách quốc tế, rất thấp so với con số 18 triệu lượt khách của năm 2019.
Việc đóng cửa du lịch quốc tế do dịch Covid-19 đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành du lịch. Tổng số lượt khách quốc tế do các cơ sở lưu trú phục vụ năm 2020 chỉ đạt 3,6 triệu lượt khách, do các công ty lữ hành phục vụ chỉ đạt 1,2 triệu lượt khách, giảm đến 80% so với năm 2019. Sang đến năm 2021 tình hình cũng chưa khả quan hơn.
Trước thực tế trên, sau nhiều cân nhắc và chuẩn bị mở cửa du lịch, tháng 11/2021, chuyến bay đưa đoàn du khách từ Seoul, Hàn Quốc đến Việt Nam đã hạ cánh xuống Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng. Đây là những khách du lịch quốc tế đầu tiên trở lại Việt Nam theo chương trình thí điểm có hộ chiếu vaccine. Sự kiện này có ý nghĩa quan trọng cho ngành du lịch Việt Nam sau nhiều tháng khốn khó vì dịch bệnh. Trong giai đoạn này có 5 địa phương đón khách du lịch quốc tế gồm: Phú Quốc (Kiên Giang), Khánh Hòa, Quảng Nam, Đà Nẵng và Quảng Ninh. Tuy nhiên sau 1 tháng triển khai mở cửa du lịch vẫn chưa được như kỳ vọng.
Đánh giá về việc mở cửa đón khách du lịch, chuyên gia kinh tế - TS Trần Du Lịch nêu quan điểm, việc mở cửa của du lịch Việt Nam chưa được như kỳ vọng. Chủ trương “mở” là có nhưng thực tế vẫn bị “siết” bởi nhiều ràng buộc. Trong đó việc công nhận hộ chiếu vaccine và cách ly y tế là những rào cản lớn.
Về vấn đề này, Tổng cục Du lịch cũng thừa nhận, một số địa phương đã mạnh dạn mở cửa đón khách quốc tế song cũng chỉ dừng ở việc thiết kế chương trình riêng, khép kín. Du khách chỉ hoạt động ở các địa điểm chọn sẵn. Việc thực hiện chính sách phòng, chống dịch còn thiếu đồng bộ giữa các ngành, giữa Trung ương và địa phương và hay có sự thay đổi. Du lịch tour, tuyến lại rất cần sự kết nối và thống nhất; cần nhiều thời gian để các công ty xây dựng tour, tuyến; khách có thời gian lựa chọn, lên kế hoạch, mua vé.
Mở cửa “ bầu trời” là cần thiết
Trước thực tế trên, Kế hoạch thí điểm mở lại các chuyến bay quốc tế thường lệ chở khách với địa bàn có hệ số an toàn cao mà Bộ Giao thông vận tải (GTVT) xây dựng đã nhận được sự chấp thuận của Chính phủ.
Theo đó, Văn phòng Chính phủ vừa có công văn số 9467/VPCP–QHQT truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đối với đề nghị của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) về việc sớm cho phép mở lại khai thác chuyến bay thường lệ đi châu Âu, Australia.
Cụ thể, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan tổng hợp, xử lý kiến nghị của DN, xem xét kỹ đề xuất này. Lãnh đạo Chính phủ cũng cho phép Bộ GTVT chủ động quyết định việc nối lại đường bay thương mại quốc tế thường lệ tới các địa bàn có hệ số an toàn cao, bảo đảm nguyên tắc thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Ngoài đảm bảo an toàn dịch bệnh, việc này phải tạo điều kiện thuận lợi đi lại trên cơ sở tuân thủ hướng dẫn về giám sát y tế nhập cảnh, hỗ trợ các DN vận tải duy trì hoạt động dịch vụ và kinh doanh.
Theo chủ trương đã được thống nhất trong cuộc họp do Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh chủ trì hôm 10/12 vừa qua, kế hoạch mở lại các đường bay quốc tế dự kiến thí điểm từ ngày 1/1/2022. Trước tiên, đường bay tới các địa bàn có hệ số an toàn cao sẽ được mở lại gồm Bắc Kinh, Quảng Châu (Trung Quốc), Tokyo (Nhật Bản), Seoul (Hàn Quốc), Đài Bắc (Trung Hoa), Bangkok (Thái Lan), Vientiane (Lào), Phnom Penh (Campuchia), San Francisco, Los Angeles (Hoa Kỳ), Singapore.
Việc mở lại đường bay được thực hiện trên cơ sở có hướng dẫn của Bộ Y tế về các biện pháp y tế phòng dịch đối với người nhập cảnh, đảm bảo an toàn, hiệu quả và thông suốt.
Nhiều chuyên gia nhận định, trong bối cảnh dịch bệnh đang dần được kiểm soát, các nước trên thế giới và đặc biệt là các quốc gia lân cận trong khu vực (Thái Lan, Singapore, Campuchia ...) đang đẩy mạnh các chương trình thu hút khách quốc tế, Việt Nam rất cần nới lỏng các chính sách để thu hút khách quốc tế vào Việt Nam làm việc, đầu tư, du lịch... qua đó góp phần phục hồi và phát triển nền kinh tế.
Có nhiều lý do để chúng ta mở cửa bầu trời, như tỷ lệ tiêm vaccine đang được đẩy nhanh. Hiện nay, tỷ lệ tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 của Việt Nam đã đạt ở mức cao (tỷ lệ người từ 18 tuổi trở lên được tiêm một mũi là 96,4% và tiêm đủ hai mũi là 76,5%). Đặc biệt, giao thương không thể trực tuyến, có thể dùng hình thức này để cung cấp cho nhau thông tin về sản phẩm.
Theo chuyên gia kinh tế - PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, khôi phục các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ vào lúc này là vô cùng cấp thiết, giúp đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, thúc đẩy khôi phục du lịch quốc tế và kinh tế. “Khi những đường bay quốc tế được khôi phục, các nhà đầu tư, giao thương giữa các nước sẽ được thuận lợi hơn. Khi đó chúng ta sẽ có thêm nhiều cơ hội để thu hút được đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là đảm bảo an toàn phòng dịch cho các chuyến bay. Do đó, chúng ta cần đẩy nhanh áp dụng "hộ chiếu vaccine" - ông Tống nhấn mạnh.
Còn theo GS. TS Trần Thọ Đạt - thành viên Tổ Tư vấn của Thủ tướng, nếu chậm mở cửa chúng ta sẽ lỡ nhịp. Theo ông Đạt, đợt dịch lần thứ 4 có tác động rất lớn về y tế và kinh tế. Tuy nhiên, chúng ta đã tích lũy thêm được rất nhiều kinh nghiệm. Tỷ lệ tiêm vaccine hiện đã đạt hơn 80% tiêm mũi 1, hơn 40% tiêm mũi 2. Như vậy, về nền tảng y tế phòng, chống dịch, chúng ta đã đạt được mức độ tiêm chủng tương đương với các nền kinh tế phát triển. Bởi vậy, thời điểm này không thể chần chừ nếu chúng ta không muốn chậm chân khi thị trường hàng không quốc tế đã hồi phục.
Kể từ thời điểm mở cửa trở lại du lịch, ngành du lịch đã đón nhận ngay những thay đổi rõ rệt. Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa cho biết, sau thời điểm mở cửa trở lại, số lượng khách đến với Khánh Hòa đã tăng hơn gấp 3 lần trong tháng 10 (gần 14.000 lượt) và hơn gấp 7 lần trong tháng 11 (hơn 30.000 lượt). Doanh thu du lịch tháng 11 ước đạt gần 200 tỷ đồng.
Để chuẩn bị cho sự kiện khôi phục đường bay quốc tế thương mại từ ngày 1/1/2022, các hãng hàng không đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc mở cửa biên giới bầu trời. Theo đó, Vietnam Airlines đã lên kế hoạch nối lại các chuyến bay quốc tế thường lệ giữa Việt Nam và 15 quốc gia, vùng lãnh thổ trong nửa đầu năm 2022. Còn Hãng hàng không Vietjet đã sẵn sàng mở lại đường bay quốc tế thường lệ đến Tokyo, Seoul, Bangkok, Singapore, Phnom Penh khi được nhà chức trách phê duyệt.
Ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch: Cần có sự kết nối đồng bộ
Mở cửa đường bay, khôi phục được du lịch cần có sự tham gia của ngành y tế và các ngành liên quan. Muốn mở được hàng không phải được bay thường lệ, cửa khẩu phải mở. Thời điểm này, chúng ta không nên áp dụng biện pháp “cách ly” mà nên có các phương án xử lý phù hợp. Du lịch chỉ phục hồi khi tạo thị trường cho doanh nghiệp. Giữa các địa phương phải mở, không thể cát cứ, nơi làm thế này, nơi làm thế kia. Giữa các bộ, ngành như: Y tế, giao thông, ngoại giao, công an và văn hóa thể thao và du lịch, quy định phải thông suốt, nhất quán.