Thoát khỏi ‘lưới’ Covid
Người tiêu dùng ngày càng có xu hướng khám phá các sản phẩm họ yêu thích thông qua các bản tin, trang News Feed và từ đây họ kỳ vọng có thể tìm kiếm được sản phẩm phù hợp cho mình - xu hướng này đặt ra cho doanh nghiệp cần có những chiến lược kinh doanh mới trong tương lai gần. Và đó cũng là điều được coi là thành công của giao dịch thương mại điện tử khi đã “thoát khỏi lưới” của dịch Covid-19.
Xu hướng mới trong tìm kiếm sản phẩm
Dịch bệnh khiến cho người tiêu dùng giảm nhu cầu mua sắm trực tiếp. Thay vào đó, họ tìm đến các kênh bán hàng trực tuyến nhiều hơn. Chị Hà Thu Hằng (Đường Giải Phóng, quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, càng ngày, dịch vụ bán hàng trực tuyến càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân. Dẫn chứng điều này, chị Hằng cho hay, nếu như trước đây, chị mua hàng trực tuyến khoảng 10 món thì đến 5 món là không hài lòng, thì giờ đây, hầu như các lần mua hàng online của chị đều được như ý. “Sản phẩm các nhà bán hàng đưa đến tay người mua đều đúng với những gì họ rao trên mạng, tình trạng “treo đầu dê bán thị chó” đã giảm rất nhiều” - chị Hằng nhìn nhận. Tuy nhiên, với kinh nghiệm khá dày trong việc mua hàng trực tuyến, chị Hằng khuyên người mua cần tìm đến các thương hiệu, hàng chính hãng, như vậy sản phẩm đến tay sẽ yên tâm về chất lượng, kiểu mẫu.
Quả thực, nhận định về xu hướng tiêu dùng của người dân hiện nay, đại diện kênh bán hàng trực tuyến Lazada cho biết, nhu cầu mua hàng chính hãng của người tiêu dùng tăng cao trong giai đoạn người dân tuân thủ giãn cách xã hội và hạn chế ra đường mua sắm. Cụ thể, tổng doanh thu trên LazMall - hệ thống gian hàng chính hãng của Lazada và số lượng khách mua tăng mạnh. Tổng lượng đơn hàng cũng tăng nhiều lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Thực tế cho thấy, sau một thời gian dài chống chọi với dịch bệnh, cả doanh nghiệp (DN) và người tiêu dùng đều nhìn nhận, thương mại điện tử chính là “chìa khóa” để dòng chảy tiêu dùng không bị ùn tắc. Hay nói cách khác, thương mại điện tử chính là “cứu cánh” của DN trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bủa vây, hoành hành suốt 2 năm qua.
Bản thân các DN, thương nhân cũng tìm đến thương mại điện tử nhiều hơn, cung cấp nhiều sản phẩm tốt, chất lượng hơn để thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng. “Đó là cách duy nhất để có thể thích ứng trong bối cảnh dịch bệnh ngày nay” - Giám đốc một DN ngành thực phẩm chia sẻ.
Giới chuyên gia nhận định, trong trạng thái bình thường mới đòi hỏi các DN áp dụng những chiến lược mới để tồn tại và phát triển. Việc khai thác tối đa những lợi ích từ tiếp thị trực tuyến để tăng khách hàng, tăng doanh thu trong thời gian ngắn nhất bằng việc cập nhật các xu hướng, công nghệ và giải pháp tiếp thị sẽ giúp các DN “ngược dòng ngoạn mục” sau đại dịch Covid -19.
Đưa ra những cập nhật mới về xu hướng mua sắm tiêu dùng của thế giới cũng như Việt Nam, ông Huỳnh Ngọc Hưng - Giám đốc khách hàng chiến lược Công ty cổ phần Mạng trực tuyến META chỉ ra 5 xu hướng sẽ trở nên phổ biến trong những năm tới đây. Bao gồm thực tế ảo và thực tế tăng cường; thương mại xã hội; ngày hội mua sắm; sáng tạo nội dung và video trên mạng xã hội.
Nắm bắt và thích ứng
Theo ông Hưng, thương mại xã hội sẽ là xu hướng tất yếu trong năm 2022, bởi trên thực tế, việc kinh doanh mua sắm mang tính xã hội có tác động rất lớn đến người tiêu dùng. Người tiêu dùng có xu hướng khám phá các sản phẩm họ yêu thích thông qua các bản tin, trang News Feed và từ đây họ kỳ vọng có thể tìm kiếm được sản phẩm phù hợp cho mình.
“Nếu DN duy trì được việc giao tiếp với khách hàng sẽ là chìa khóa để tạo tăng trưởng cho DN. Ở Việt Nam hiện nay, hơn 1/2 số giao dịch đã được thực hiện trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT) và các đơn hàng trên mạng xã hội đang tăng gấp đôi so với các kênh truyền thống”, ông Hưng nhấn mạnh.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Thùy, Trưởng phòng TMĐT, Sàn TMĐT Voso, thị trường TMĐT Việt Nam được ghi nhận có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á. Dự báo tốc độ tăng trưởng còn tiếp tục và sẽ vượt xa mốc 11,8 tỷ USD năm 2020. Đặc biệt sau đại dịch Covid-19 TMĐT sẽ tiếp tục bùng nổ, tạo ra những xu hướng tiêu dùng mới.
Con số thống kê cũng cho hay, từ khi dịch bùng phát, nhu cầu mua sắm qua sàn TMĐT đã tăng mạnh. Đến nay đã có hơn 70% dân số Việt Nam tiếp cận mạng Internet, trong đó có gần 50% người tiêu dùng Việt Nam đã mua sắm online, 53% người dân đã sử dụng ví điện tử, và thanh toán mua hàng qua mạng.
Còn theo báo cáo Google và Temasek, từ khi dịch Covid-19 bùng phát cho tới giữa năm 2021, số người tiêu dùng trực tuyến tại Việt Nam đã tăng hơn 8 triệu người.
Bên cạnh khái niệm mua hàng truyền thống, đã xuất hiện những khái niệm mới như mua hàng qua mạng, đi chợ hộ, đi chợ mạng… Tỷ trọng tiêu dùng theo ngành hàng đã có sự thay đổi. Theo khảo sát, người dân vẫn đang cắt giảm chi tiêu mua sắm các hoạt động không thiết yếu… Các ngành thời trang, giải trí, làm đẹp chiếm tỉ trọng cao như trước đây đã giảm, và thay vào đó là các ngành hàng mới thiết yếu như thực phẩm, sức khỏe, đồ gia dụng tăng cao.
Phân tích về tâm lý mua sắm của người tiêu dùng tác động đến chiến lược kinh doanh của các DN, ông Lê Hoàng Long, Quản lý tư vấn chuỗi bán lẻ Nielsen Việt Nam nêu quan điểm, trong bối cảnh tình hình kinh tế chưa được khả quan, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến thu nhập cũng như tâm lý mua sắm của người tiêu dùng Việt Nam. “Bởi vậy, để trở lại trạng thái bình thường như trước đại dịch cần khoảng thời gian hơn 1 năm, DN cần nhận định được những thay đổi trong hành vi mua sắm của người tiêu dùng như vậy mới có thể tồn tại và phát triển” - ông Long nói.
Đưa ra chiến lược về mặt sản phẩm, ông Long cho rằng DN cần tập trung vào các sản phẩm thiết thực nhất và nên cắt giảm những nhóm hàng không thực sự cần thiết. DN cũng cần lưu ý đến một bộ phận khách hàng không bị ảnh hưởng bởi dịch nên họ có thể mua sắm mạnh hơn so với bình thường, bởi nhóm khách hàng này thường dành một khoản chi tiêu nhất định cho nhu cầu du lịch, nhưng hiện dịch vụ này còn đang khó khăn nên khoản chi tiêu này sẽ được chuyển sang mua sắm hàng hóa có giá trị.
Đánh giá về các mô hình kinh doanh trong thời gian tới, ông Long nhận định các kênh mua sắm trực tuyến, các cửa hàng chuyên doanh, cửa hàng tiện ích sẽ tiếp tục đem lại sự tăng trưởng cao trong thời gian tới. Các mô hình này đã và đang tạo ra sự tiện lợi cho người tiêu dùng, đáp ứng đúng thời thế cũng như được trợ lực từ những chương trình mở rộng chuỗi bán lẻ của các nhà bán lẻ tại Việt Nam.
“Người tiêu dùng Việt Nam sẽ ngày càng trở nên nhạy cảm hơn với giá cả. Họ sẽ có tâm lý đi “săn” những chương trình khuyến mại, chương trình giảm giá. Xu hướng này sẽ đẩy các nhà bán hàng vào cuộc đua cạnh tranh về giá cả và khuyến mãi, vì thế DN cần có chiến thuật tạo ra các trải nghiệm cho khách hàng để vượt qua tình trạng “bão giá”. Nếu làm được điều này, các DN hoàn toàn có thể hy vọng tăng trưởng sau đại dịch” - ông Long khuyến nghị.
Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho biết, những tác động của dịch Covid-19 tới hoạt động của DN, tới hành vi tiêu dùng sẽ giúp các DN nhìn ra tầm quan trọng của việc chuyển đổi số cũng như môi trường trực tuyến để nhanh chóng chuyển mình đáp ứng nhu cầu phát triển. Cùng với đó, việc đưa ra các giải pháp hiệu quả cho công tác tiếp thị trực tuyến trong giai đoạn bình thường mới, sẽ giúp các DN vừa và nhỏ kinh doanh dễ dàng và tăng trưởng nhanh hơn sau đại dịch.