Sức bật cho biểu diễn trực tuyến
Không chịu “đóng băng” bởi dịch Covid-19, các hoạt động nghệ thuật biểu diễn dần chuyển hướng sang hình thức biểu diễn trực tuyến. Từ những khởi đầu có phần lạ lẫm, chuệch choạc giờ đây nhiều chương trình đang trở thành những “kênh” giải trí đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của công chúng.
Thay đổi để thích ứng
Để thích ứng với hoàn cảnh mới, các chương trình biểu diễn trực tuyến đã và đang được nhiều nhà hát, sân khấu đến cá nhân các nghệ sĩ áp dụng. Tuy nhiên, không thể phủ nhận thời gian đầu, hầu hết các chương trình nghệ thuật biểu diễn (NTBD) trực tuyến được sản xuất với tâm lý “chữa cháy” và không nhận được sự đón nhận nhiều từ khán giả. Thậm chí với nhiều loại hình có thời lượng biểu diễn dài (trên 60 phút) như kịch nói, xiếc, cải lương… còn nhận nhiều ý kiến trái chiều từ những người trong nghề.
Bởi với các loại hình nghệ thuật này, khán giả đã quen thưởng thức trực tiếp tại nhà hát chứ không phải trên các thiết bị công nghệ. Bên cạnh đó, điều kiện kỹ thuật của các nhà hát và sân khấu Việt Nam cũng đã để lộ ra những hạn chế cố hữu. Trong khi để thực hiện một chương trình biểu diễn trực tuyến, ngoài yêu cầu về sân khấu, hệ thống âm thanh phù hợp, còn cần thực hiện ghi hình dưới nhiều góc độ, mới truyền tải được toàn bộ tinh thần của tác phẩm.
Trước khó khăn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành kế hoạch “Tổ chức các chương trình nghệ thuật đặc sắc cổ vũ, nâng cao sức mạnh tinh thần nhân dân vượt qua đại dịch Covid-19”, được xem là “cứu cánh” của nhiều đơn vị NTBD khi họ ở cái thế “tiến thoái lưỡng nan”.
Từ cuối năm 2020, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xây dựng kênh NTBD Việt Nam trên Youtube và Facebook để phát trực tuyến một số cuộc thi, liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc. Đây cũng là những bước đi đầu tiên để thử nghiệm cho các chương trình NTBD trực tuyến.
Tiếp đó, Cục NTBD phối hợp với 12 nhà hát trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xây dựng chuỗi chương trình “San sẻ yêu thương, vượt qua đại dịch” trên nên tảng mạng xã hội Facebook và Youtube.
Tại các chương trình, với tinh thần “góp gạo, thổi cơm chung” các nhà hát đã mang đến các tiết mục đặc sắc nhất, với thời lượng “vừa đủ” cùng với việc tương tác với khán giả đã tạo nên những “bữa tiệc” nghệ thuật hấp dẫn. Một minh chứng rõ nhất là số lượng khán giả theo dõi chương trình qua các kênh trực tuyến ngày một tăng lên sau mỗi số phát sóng. Chỉ riêng trang Facebook của NSƯT Xuân Bắc – MC chương trình đã có hàng nghìn khán giả xem trực tiếp và hàng chục nghìn khán giả bày tỏ yêu thích chương trình. Đây thực sự là niềm khích lệ lớn đối với các nghệ sĩ và những người thực hiện.
Chia sẻ về chuỗi hoạt động này, trao đổi với Báo Đại Đoàn Kết, Phó Cục trưởng Cục NTBD Trần Hướng Dương, thành viên BTC chuỗi chương trình cho biết, sau một tập phát sóng, chúng tôi đều tiến hành tổng kết và rút kinh nghiệm các số tiếp theo sẽ hay và thu hút được khán giả nhiều hơn. Trong thời gian tới, các chương trình NTBD trực tuyến sẽ được nhân rộng ra với các đoàn nghệ thuật trong cả nước.
Cũng theo ông Dương, đây không chỉ là giải pháp tình thế khi sân khẩu trực tiếp “đóng băng”, mà là xu thế phát triển của nghệ thuật biểu diễn trong thời đại hiện nay. Bởi, trong thời đại của công nghệ số hiện nay, các chương trình NTBD trực tuyến sẽ tạo điểm nhấn, tính chuyên nghiệp và sự lan tỏa cho chương trình, vở diễn được quảng bá rộng rãi tới mọi đối tượng khán giả.
Nhân rộng cách làm
Không chỉ các đơn vị NTBD công lập thay đổi cách tiếp cận khán giả trong mùa dịch, thời gian qua tổ chức, nhiều đơn vị tư nhân và các nghệ sĩ cũng đã ra mắt các chương trình nghệ thuật trực tuyến hấp dẫn. Đơn cử như chuỗi chương trình Music Home với sự tham gia của nhiều ca sĩ nổi tiếng. Ca sĩ Đức Tuấn với show online “Hát cho những ai ở trong nhà”. Ca sĩ Bảo Anh với series “Moodshow” trên kênh Youtube thể hiện chuỗi ca khúc thập niên 1990 được làm mới và diễn ngay tại phòng khách nhà cô.
Hay concert “Chia sẻ để gần nhau hơn” được tổ chức với sự tham gia của nhạc trưởng Lê Phi Phi, nhạc trưởng Vương Thạch và dàn nhạc của Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch TP Hồ Chí Minh. Viện Goethe Hà Nội cũng tổ chức chuỗi chương trình hòa nhạc “Âm nhạc thế kỷ XX” bằng hình thức online.
Không chỉ âm nhạc, thời gian qua nhiều loại hình NTBD khác cũng đã vào cuộc với nhiều chương trình trực tuyến đặc sắc. Đáng chú ý là tổ khúc múa “Ánh sáng tâm hồn” với sự tham gia của 150 nghệ sĩ Bắc - Nam. Tác phẩm dài 42 phút đã tái hiện cuộc chiến chống dịch Covid-19 trên mọi mặt trận, khắc họa mọi thành phần xã hội, với mong muốn lan toả thông điệp “chống dịch như chống giặc”.
Chia sẻ xu hướng sản xuất các chương trình nghệ thuật trực tuyến, biên đạo múa Tuyết Minh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam, Tổng đạo diễn tổ khúc múa “Ánh sáng tâm hồn” cho biết, Covid-19 đang đặt ra những thách thức cho các đơn vị NTBD trong việc thích ứng để dàn dựng các chương trình nghệ thuật phục vụ khán giả thông qua hình thức trực tuyến. Ở đó, yêu cầu các đơn vị tổ chức đến từng nghệ sĩ phải sáng tạo trong phương pháp tổ chức sản xuất, làm chủ công nghệ. Với một chương trình NTBD trực tuyến, quan trọng nhất là phải đổi hướng trong tư duy.
Một tác phẩm nghệ thuật nếu trình diễn trong Nhà hát có thể chỉ có 800 đến hơn 1.000 khán giả được thưởng thức nhưng nếu được trình chiếu trên nền tảng công nghệ thì số lượng khán giả được thụ hưởng giá trị tinh thần từ tác phẩm sẽ là cấp số nhân. “Yêu cầu chuyên môn về mặt thị giác đối với các tác phẩm được đăng tải trên nền tảng công nghệ sẽ hoàn toàn khác với tác phẩm trình diễn trên sân khấu hình hộp, yêu cầu mọi công đoạn phải thay đổi” - biên đạo múa Tuyết Minh nói.
Đồng quan điểm, đạo diễn Lê Quý Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Sân khấu thế giới trực thuộc UNESCO cho rằng, xu hướng sản xuất các chương trình NTBD trực tuyến đang mở ra những hướng tiếp cận khán giả mới. Các chương trình được thực hiện thời gian qua đang tạo nên cơ hội bình đẳng trong việc thưởng thức cho tất cả các đối tượng khán giả, đặc biệt là các đối tượng khán giả ở vùng sâu, vùng xa, biên cương và hải đảo. Bên cạnh đó, các chương trình sẽ mở ra một kênh mới đánh giá tài năng của các nghệ sỹ trên số lượng theo dõi và đánh giá phản hồi trực tiếp của giới chuyên môn và khán giả.
“Các chương trình NTBD trực tuyến sẽ tiết kiệm chi phí quản lý vận hành biểu diễn cho nhà hát và tăng doanh thu cho nghệ sỹ sáng tạo và biểu diễn thông qua thu nhập bản quyền quảng cáo và bán vé online” - đạo Lê Quý Dương bày tỏ.
Có thể nói, các chương trình NTBD trực tuyến dù vẫn trong quá trình hoàn thiện nhưng không thể phủ nhận những lợi ích mà hoạt động này mang lại cho công chúng. Tuy nhiên, để các sản phẩm nghệ thuật này đem lại hiệu quả, trở thành cứu cánh cho sân khấu trong thời đại 4.0 hay không thì hoàn toàn phụ thuộc vào chất lượng của chính các chương trình sân khấu đó, sau đó là cách thức quảng bá.