5 ‘đại án’ xét xử trong năm 2021
Trong năm 2021, nhiều vụ án được đưa ra xét xử, trong đó có 5 “đại án” liên quan đến tham nhũng, kinh tế thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận. Các bản án mà cơ quan tố tụng tuyên phạt đối với các bị cáo được đánh giá là đúng người, đúng tội.
1. Cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung liên tục hầu tòa
Ngày 13/12/2021, TAND TP Hà Nội mở phiên xét xử và tuyên phạt 8 năm tù đối với ông Nguyễn Đức Chung (cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội) về tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại UBND TP Hà Nội.
Trong vụ án này, với vai trò người đứng đầu, ông Chung đã quyết định mua chế phẩm Redoxy-3C trái pháp luật, chỉ đạo Võ Tiến Hùng (cựu Tổng Giám đốc Công ty Thoát nước Hà Nội) mua chế phẩm Redoxy-3C thông qua Công ty Arktic (công ty của gia đình ông Chung). Quá trình nhập mua bán, các bị cáo có nhiều sai phạm với động cơ vụ lợi, gây thiệt hại hơn 36 tỷ đồng tài sản nhà nước.
Tiếp đến, ngày 27/12/2021, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa xét xử ông Nguyễn Đức Chung trong vụ án “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Sở Kế hoạch - Đầu tư Hà Nội.
Theo nội dung vụ án, mặc dù gói thầu số hóa năm 2016 do Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội làm chủ đầu tư và người có thẩm quyền đối với gói thầu là Giám đốc Sở, nhưng ông Chung (với vai trò là Chủ tịch UBND TP Hà Nội) đã chỉ đạo đình chỉ, dừng thực hiện gói thầu số hóa năm 2016 trái quy định.
Sau khi dừng thầu, ông Chung đã yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội lựa chọn công nghệ số hóa cơ sở dữ liệu doanh nghiệp đảm bảo tích hợp với hệ thống dùng chung của thành phố trong khi thành phố chưa hình thành cơ sở hệ thống dữ liệu dùng chung và cho Công ty Nhật Cường thí điểm số hóa để cho Công ty Nhật Cường tham gia đấu thầu và trúng thầu. Trong vụ án này, ông Chung và đồng phạm bị cáo buộc gây thiệt hại cho nhà nước hơn 26 tỷ đồng.
Trước đó, cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng bị TAND TP Hà Nội xét xử và tuyên phạt mức án 5 năm tù về tội “chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước”. Ông Chung bị cáo buộc chủ mưu, chỉ đạo và nhiều lần nhận tài liệu “mật” về vụ án Công ty Nhật Cường thông qua điều tra viên Phạm Quang Dũng (cựu cán bộ Bộ Công an).
2. Vụ án Nhà máy Ethanol Phú Thọ
Ngày 15/3/2021, TAND TP Hà Nội tuyên phạt bị cáo Ðinh La Thăng (cựu Chủ tịch HĐQT PVN) 11 năm tù về tội “vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” trong vụ án xảy ra tại dự án Nhà máy Ethanol Phú Thọ.
Bị cáo Trịnh Xuân Thanh (cựu Chủ tịch HĐQT PVC) bị tuyên án 10 năm tù về tội “vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” và 8 năm tù về tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Theo cáo buộc, các bị cáo đã vi phạm nghiêm trọng trong quá trình thực hiện đầu tư xây dựng Nhà máy Ethanol Phú Thọ, khiến dự án bị dừng thi công giữa chừng dù chưa có bất cứ hạng mục nào hoàn thành, gây thiệt hại hơn 543 tỷ đồng.
Trong đó, ông Thăng với vai trò người đứng đầu PVN, mặc dù biết PVC không đủ năng lực, kinh nghiệm, thậm chí tình hình tài chính đang thua lỗ nhưng vẫn dùng ảnh hưởng của mình chỉ định thầu cho công ty này.
Còn Trịnh Xuân Thanh với vai trò đứng đầu PVC biết rõ liên danh của công ty mình không đủ năng lực nhưng vẫn tiếp nhận sự chỉ đạo của bị cáo Thăng dẫn tới những sai phạm nghiêm trọng.
3. Xét xử cựu Phó Bí thư Thành ủy TP HCM Tất Thành Cang
Bắt đầu từ 27/12/2021, TAND TP HCM xét xử ông Tất Thành Cang (cựu Phó Bí thư Thành ủy TP HCM) và các đồng phạm về tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí”.
Trong đó, ông Tề Trí Dũng (cựu Chủ tịch HĐQT Sadeco, Tổng Giám đốc Công ty Tân Thuận- thuộc UBND TP HCM) bị cáo buộc vai trò cầm đầu vụ án. Tháng 4/2017, ông Dũng với tư cách Chủ tịch HĐQT Sadeco đã tổ chức họp và thống nhất phương án tăng vốn điều lệ thông qua việc phát hành 9 triệu cổ phần, bán cho Công ty CP đầu tư và Phát triển Nguyễn Kim. Lãnh đạo UBND TP HCM chỉ đạo việc chuyển nhượng phần vốn nhà nước phải qua đấu giá, xác định theo giá thị trường.
Tuy nhiên, ông Dũng và các thành viên được giao đại diện phần vốn góp của thành phố đã không thực hiện theo chỉ đạo, sử dụng kết quả thẩm định giá của HSC, thông qua quyết định bán 9 triệu cổ phần cho Công ty Nguyễn Kim với giá 40.000 đồng/cổ phần - thấp hơn giá trị thực rất nhiều.
Phương án này sau đó được Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM Tất Thành Cang bút phê “đồng ý”. Từ đó, ngày 5/10/2017, ông Dũng đại diện Sadeco ký hợp đồng chiến lược bán cổ phần cho Công ty Nguyễn Kim thu về 360 tỷ đồng.
Cơ quan tố tụng xác định, với vai trò Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, ông Cang phải nắm rõ quy định, việc bán cổ phần phát hành thêm để tăng vốn điều lệ của Sadeco phải thực hiện đấu giá và thẩm định theo giá thị trường. Nhưng ông Cang vẫn phê duyệt “đồng ý” chủ trương mà không chỉ đạo đấu giá. Sai phạm của ông Cang, Dũng và đồng phạm đã gây thiệt hại cho Sadeco số tiền hơn 1.103 tỷ đồng, trong đó thất thoát tài sản Nhà nước là hơn 669 tỷ đồng.
4. “Bộ sậu” lãnh đạo Công ty Gang thép Thái Nguyên lĩnh án
Ngày 11/11/2021, TAND cấp cao tại Hà Nội đã đưa ra phán quyết đối với 12 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Công ty Gang thép Thái Nguyên - TISCO.
Với tội danh “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, HĐXX phúc thẩm bác đơn của bị cáo Trần Trọng Mừng (cựu Tổng giám đốc TISCO), tuyên y án sơ thẩm mức phạt 9 năm 6 tháng tù, bồi thường 130 tỷ đồng.
Tòa Phúc thẩm kết luận, dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 do TISCO làm chủ đầu tư được triển khai từ năm 2007, với Tổng mức đầu tư dự kiến 3.843 tỷ đồng. Đơn vị trúng thầu là Tập đoàn Khoa học công nghệ và thương mại luyện kim Trung Quốc (MCC). Quá trình triển khai, MCC vi phạm hợp đồng nên chưa hoàn thành dự án. Sau khi MCC rút hết nhân lực về nước và nhiều lần đề nghị tăng giá hợp đồng, các bị cáo Mai Văn Tinh (cựu Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Thép Việt Nam) và Trần Trọng Mừng đã không xem xét, chỉ đạo dừng, chấm dứt hợp đồng, thu hồi tiền tạm ứng, tổ chức đấu thầu lại... mà chỉ đạo thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật về đầu tư. Với vai trò người đứng đầu TISCO, ông Mừng đã không quyết định dừng hợp đồng EPC số 1 với MCC khi nhà thầu này phá vỡ nguyên tắc hợp đồng. Hậu quả, dự án quá thời hạn gần 10 năm nhưng vẫn chưa hoàn thành. Việc chậm tiến độ làm phát sinh lãi vay và tăng chi phí đầu tư, gây thất thoát hơn 830 tỷ đồng.
5. Xét xử các bị cáo vụ án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi
Ngày 6/12/2021, sau hơn 2 tuần xét xử và nghị án, TAND TP Hà Nội đã đưa ra phán quyết với 36 bị cáo trong vụ án “vi phạm quy định về đầu tư xây dựng công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.
HĐXX tuyên phạt bị cáo Nguyễn Mạnh Hùng và Lê Quang Hào (2 cựu Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam - VEC) lần lượt 7 năm tù và 6 năm tù, bị cáo Hoàng Việt Hưng (cựu Giám đốc Ban quản lý dự án) lãnh 8 năm, 6 tháng tù, đều về tội vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng. Cùng tội danh trên, 32 bị cáo còn lại bị tuyên từ 24 tháng tù (cho hưởng án treo) đến 5 năm, 6 tháng tù.
Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi do VEC làm chủ đầu tư được khởi công năm 2013 và từ tháng 9/2018 đã đưa vào sử dụng 65 km của giai đoạn 1.
Mặc dù mới đưa vào khai thác, đoạn đường 65 km đã xảy ra rất nhiều điểm hư hỏng. Kết quả điều tra xác định 7/7 gói thầu thuộc giai đoạn 1 của dự án không bảo đảm chất lượng, nhưng chủ đầu tư và các đơn vị liên quan vẫn tiến hành nghiệm thu, thanh toán số tiền hơn 811 tỷ đồng cho các đơn vị.