Không phân biệt, kỳ thị người có ‘H’

HÀ AN 16/12/2021 10:00

Trong những năm qua, nhận thức, trách nhiệm của các cấp, chính quyền và nhân dân của tỉnh Khánh Hòa trong phòng, chống HIV/AIDS đã có sự thay đổi tích cực. Đáng chú ý, sự kỳ thị, phân biệt của cộng đồng đối với người bị HIV/AIDS giảm rõ rệt.

Tính đến quý III/2021, số trường hợp nhiễm HIV được phát hiện ở Khánh Hòa là 2.636 trường hợp. Số người nhiễm HIV/AIDS đã tử vong đến 30/9/2021 là 1.285; 1.351 trường hợp đang còn sống và được quản lý tại các địa phương. Tỷ lệ người nhiễm HIV trong tỉnh chiếm 0,21% dân số (2.636 ca HIV/AIDS so với dân số 1.246.420).

Toàn tỉnh Khánh Hòa có 8/9 huyện, thị xã, thành phố (chiếm 86,3%) với 128/139 xã, phường có người nhiễm HIV/AIDS. Vậy nên công tác bao phủ thuốc ARV trong điều trị là mục tiêu quan trọng.

Theo bác sĩ Tôn Thất Toàn, Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật Khánh Hòa, PrEP được triển khai mạnh tại thành phố Nha Trang, Khánh Hòa từ cuối năm 2019. Đến nay đã mở rộng bao phủ đến các huyện/thành phố trong tỉnh này như: Cam Ranh, Ninh Hòa… Nhiều người nhiễm HIV tiếp cận điều trị bằng thuốc sức khỏe và đời sống đều ổn định. Phương pháp điều trị cũng như khả năng thích ứng với PrEP của các bệnh nhân đều cho kết quả khả quan. Chính vì thế, thuốc ngày càng được nhiều người lựa chọn. Độ bao phủ PrEP trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa ngày càng rộng. Hầu hết các nhóm yếu thế và người có nhu cầu đều được tư vấn, tiếp cận và sử dụng.

Nhiều bệnh nhân đang điều trị bằng PrEP cho biết: Để tiếp cận điều trị rất dễ dàng. Liên hệ ngay từ tuyến xã đã được hướng dẫn tận tình. Từ đó củng cố thêm niềm tin cho người bệnh. Ngay cả trong bối cảnh dịch Covid-19 thì thuốc ARV cũng luôn được cấp đủ.

Vì là thuốc kê đơn theo chỉ định của thầy thuốc nên hiện nay thuốc không bán tự do mà người có nhu cầu sử dụng PrEP cần phải đến các cơ sở cung cấp dịch vụ PrEP để được các bác sĩ khám, tư vấn, xét nghiệm, chỉ định điều trị và được, hướng dẫn sử dụng.

Một trong những nhóm nguy cơ cao nhiễm HIV/AIDS ở Khánh Hòa đó là quan hệ đồng giới. Một tình nguyện viên tuyên truyền phòng chống HIV ở Nha Trang (Khánh Hòa) nhìn nhận: Là tỉnh có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển năng động, nhất là lĩnh vực du lịch nên kéo theo nhiều dịch vụ khác phát triển. Chúng tôi đã mở rộng tuyên truyền đến tận các cơ sở, các tụ điểm có nguy cơ lây nhiễm HIV cao.

Công tác tư vấn, hướng dẫn các nhóm, cặp đồng giới được triển khai tích cực để kịp thời phát hiện người nhiễm HIV động viên, khích lệ họ đi xét nghiệm. Bên cạnh đó các dịch vụ y tế trong điều trị HIV cũng không ngừng được nâng cao, thích ứng với hầu hết các nhóm đối tượng. Giúp từng nhóm đối tượng hiểu rõ về căn bệnh HIV/AIDS. Các bậc phụ huynh, người thân khi có con em đồng giới nhiễm HIV nên động viên điều trị bằng thuốc ARV ngay từ đầu, xem người nhiễm là bệnh nhân đặc biệt để chăm sóc chu đáo, tránh kỳ thị.

Để công tác phòng, chống HIV/AIDS đạt kết quả, trong thời gian tới, Khánh Hòa sẽ đa dạng hóa dịch vụ tư vấn, xét nghiệm HIV tại cơ sở y tế, tại cộng đồng và tự xét nghiệm HIV. Đẩy mạnh việc kết nối các dịch vụ, từ dự phòng, tư vấn, xét nghiệm đến điều trị HIV/AIDS và các hỗ trợ xã hội cần thiết khác.
Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác thông tin, truyền thông, giáo dục về phòng, chống HIV/AIDS nhằm tác động hiệu quả tới mọi đối tượng, cộng đồng dân cư, từng gia đình, từng người dân, nhất là thanh, thiếu niên và nhóm người có nguy cơ cao lây nhiễm HIV. Lồng ghép, phối hợp hiệu quả các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS với các chương trình phát triển kinh tế, xã hội và phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", xây dựng gia đình văn hóa, tổ dân phố, thôn, bản văn hóa, cuộc vận động "Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh...

HÀ AN