Dấu ấn sơn mài Việt Nam
Nghệ thuật sơn mài của Việt Nam đã tạo ra nhiều sản phẩm, tác phẩm mỹ thuật có giá trị cao, trở thảnh bảo vật quốc gia, được thế giới thừa nhận. Để vinh danh nghệ thuật sơn mài, Bộ VHTTDL đã ban hành phê duyệt Đề án Xây dựng, quảng bá thương hiệu quốc gia Nghệ thuật sơn mài Việt Nam giai đoạn 2020 - 2030.
Đề án được xây dựng gồm các nội dung: xây dựng logo nhãn hiệu công nhận và bộ nhận diện; ban hành quy trình chế tác, tiêu chuẩn nguyên vật liệu, tiêu chí của nghệ thuật sơn mài Việt Nam; đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, tuyên truyền giới thiệu về nghệ thuật sơn mài Việt Nam trong nước và nước ngoài; tổ chức Liên hoan Nghệ thuật sơn mài quốc tế tại Việt Nam…
“Sơn mài” là sự phối hợp giữa chất liệu (sơn) và động tác kỹ thuật (mài). Sơn được trích từ cây sơn - một loại cây mọc nhiều ở vùng trung du phía Bắc, như Hòa Bình, Phú Thọ... Người xưa dùng sơn ta để sơn gắn các đồ dùng, sơn thuyền, sơn vũ khí, làm các đồ thờ cúng, trang trí đình chùa… Tiếp đó phủ lên các vật dụng hoặc đồ thờ cúng bằng gỗ, gốm… nhằm làm độ bền. Sau này, sơn ta được dùng vào các công việc trang trí trong các cung điện, đền đài, chùa tháp…
Giới nghiên cứu cũng đã chỉ ra, tại Việt Nam, vào thời Đinh (930-950), người Việt đã biết sử dụng mủ cây sơn để trét thuyền. Lần lượt qua các triều đại Lê, Lý, Trần, nhiều cổ vật, pho tượng gỗ hay đất được sơn son thếp vàng vẫn còn được lưu giữ. Trải qua thăng trầm thời gian, nghề làm sơn mài đã xuất hiện ở nhiều vùng. Những làng nghề chuyên làm sơn mài cũng đã định hình tại các tỉnh như Hà Nội, Bắc Ninh, Phú Thọ, Bình Dương, TP HCM… Trong đó, có thể kể tới một số làng nghề nổi tiếng như làng nghề sơn mài Đình Bảng (Tiên Sơn - Bắc Ninh), làng nghề sơn mài Hạ Thái (Thường Tín, Hà Nội), làng nghề sơn mài Cát Đằng (Nam Định), làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp (TP Thủ Dầu Một, Bình Dương)…
Lịch sử mỹ thuật Việt Nam ghi nhận, khoảng năm 1930 các hoạ sĩ Trường Mỹ thuật Đông Dương như Trần Quang Trân, Phạm Hậu, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Gia Trí… đã phối hợp với nghệ nhân Đinh Văn Thành tiến hành thử nghiệm, đưa kỹ thuật sơn son thếp vàng vào làm tranh nghệ thuật. Thuật ngữ “sơn mài” và “tranh sơn mài” có từ đó.
Đến nay, những tác phẩm đỉnh cao, làm nên tên tuổi của họa sĩ Nguyễn Gia Trí như: “Vườn xuân Trung Nam Bắc”, “Thiếu nữ bên hoa phù dung”, “Bên đầm sen”, “Trong vườn” (8 tấm), “Cảnh nông thôn”…; và của họa sĩ Phạm Hậu như “Chùa Thầy”, “Dân làng”, “Phong cảnh trung du Bắc Bộ” chính là những tác phẩm được sáng tác bằng chất liệu sơn mài. Tác phẩm “Vườn xuân Trung Nam Bắc” của Nguyễn Gia Trí còn được công nhận là Bảo vật quốc gia.
Các nhà nghiên cứu mỹ thuật cho rằng, nét đẹp của sơn mài mang một sức truyền cảm mạnh mẽ của một truyền thống văn hóa cổ xưa in đậm nét trong tâm thức của người Việt. Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ sơn mài và hội họa sơn mài là những sản phẩm, tác phẩm độc đáo bởi chất liệu sơn ta và quy trình chế tác, nghệ thuật sáng tạo, cần được xây dựng trở thành sản phẩm văn hóa độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam.