Làm giàu nhờ nuôi dúi

VỸ AN 16/12/2021 14:00

Là vật nuôi nhỏ bé, ít người để ý, thế nhưng dúi lại giúp nhiều hộ dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Nuôi dúi mấy năm gần đây được nhiều người quan tâm, đầu tư chuồng trại, kỹ thuật. Ở nhiều địa phương, nuôi dúi đã trở thành phong trào, có những người thành công, mỗi năm thu nhập cả trăm triệu đồng.

Đó là trường hợp của anh Bùi Thanh Lương (33 tuổi, ở thôn An Mỹ, xã Bình An, huyện Thăng Bình, Quảng Nam) sở hữu trang trại nuôi dúi với quy mô hơn 500 con.

Việc nuôi dúi với anh Lương cũng khá tình cờ, một lần xem trên mạng xã hội thấy mô hình nuôi dúi, thấy phù hợp, nên anh quyết định chọn con dúi để khởi nghiệp. Ban đầu, anh lên huyện vùng cao Nam Trà My (Quảng Nam), tìm mua 10 cặp dúi với giá 15 triệu đồng về nuôi thử nghiệm. Vì bản thân chưa có kinh nghiệm nên trong quá trình nuôi dúi chết dần. Sau đó, anh quyết tâm học hỏi, và vay mượn gần 50 triệu đồng, đầu tư xây dựng trại nuôi dúi trên phần diện tích khoảng 100 m2. Làm xong chuồng trại, anh Lương tìm lên một chủ nuôi dúi quy mô lớn ở Đắk Lắk xin học hỏi kinh nghiệm thực tế rồi mua 20 cặp dúi về làm giống. Đến nay, anh có trong tay trang trại nuôi dúi với quy mô hơn 500 con, trong đó có khoảng 300 con trong độ tuổi sinh sản.

Tương tự, từ vài cặp dúi ban đầu, đến nay anh Nguyễn Hữu Nghĩa (26 tuổi, ở xã Tân Hà, huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận) cũng đang đang sở hữu một trại nuôi dúi với quy mô hơn 250 con.

Con dúi vốn là động vật tự nhiên nhưng hoàn toàn có thể thuần chủng, nhân giống, nuôi nhốt. Thức ăn của con dúi chủ yếu là tre, mía, bắp, các loại khoai... Toàn những loại thức ăn dễ kiếm, dễ trồng điều đó giúp giảm chi phí chăn nuôi. Mỗi năm, dúi sinh sản 3 lứa, mỗi lứa từ 1 - 4 con...

Con dúi có sức đề kháng cao, nhưng để loài động vật này phát triển khỏe mạnh, hạn chế bị bệnh phải nắm rõ kỹ thuật nuôi cũng như hiểu rõ được tập tính sinh trưởng của nó.

Dúi con nuôi được 8 tháng là trưởng thành, đến kỳ sinh sản và đạt trọng lượng từ 1 - 1,5 kg. Điều quan trọng nhất là người nuôi cần đánh số chuồng, ghi chép thời gian giao phối để theo dõi, tách dúi đực và dúi con riêng, tránh trường hợp giao phối cận huyết.

Theo anh Nghĩa, chuồng nuôi dúi nên thiết kế thoáng mát, bố trí ở nơi ít tiếng động, không bị ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp vào.

Hiện nay, dúi thương phẩm trên thị trường có giá 500.000 - 600.000 đồng/kg. Được biết, thịt dúi có hàm lượng dinh dưỡng cao, thơm ngon, là một trong những món ăn đặc sản nên được nhiều người ưa chuộng, nhưng đến nay nguồn cung vẫn không đủ nhu cầu. Tuy vậy, trại nuôi dúi của anh Nghĩa hiện tại cũng chủ yếu xuất bán dúi giống, chưa đủ số lượng để bán dúi thịt. Anh Nghĩa cho biết thêm, từ đầu năm đến nay, anh đã bán hơn 40 cặp dúi giống với giá 3 triệu đồng/cặp, sau khi trừ chi phí thì lợi nhuận đạt trên 70 triệu đồng.

Từ thực tế và nhu cầu thị trường cho thấy, nuôi dúi là hướng phát triển kinh tế có triển vọng. Vì thế, bà con ở miền núi, đặc biệt là thanh niên vùng cao muốn khởi nghiệp có thể nghiên cứu, tìm hiểu mô hình nuôi dúi để vươn lên làm giàu.

Địa điểm nuôi dúi lý tưởng là một khu thật yên tĩnh (điều này đặc biệt quan trọng trong quá trình nuôi dúi sinh sản). Chuồng dúi nên tránh ánh sáng trực tiếp (trong tự nhiên ngày dúi ngủ trong hang, tối mới ra ngoài đi kiếm ăn).

Chuồng nuôi sinh sản mỗi ô rộng khoảng 50 cm, dài 0,8 - 1 m, xây tường cao 70 cm bên trong tô xi măng thật láng hoặc ốp gạch men (gạch loại), nền bê tông hoặc lát gạch. Mỗi ô chuồng dùng cho một con.

VỸ AN