Tây Côn Lĩnh - Nóc nhà vùng Đông Bắc

THẾ QUANG 17/12/2021 09:00

Ai đã đến Hà Giang - mảnh đất địa đầu Tổ quốc - thường được giới thiệu về đỉnh núi cao nhất ở tỉnh này. Đó là đỉnh Tây Côn Lĩnh. Đây là một điểm khám phá không dành cho số đông du khách. Bởi để tới được đây, cần có sức khỏe và quyết tâm chinh phục độ cao…

1. Tây Côn Lĩnh là một dãy núi trải dải qua 2 huyện Hoàng Su Phì và Vị Xuyên của tỉnh Hà Giang. Trên dãy Tây Côn Lĩnh, đỉnh cao nhất được gọi là đỉnh Tây Côn Lĩnh; đỉnh cao thứ hai là đỉnh Chiêu Lầu Thi. Đỉnh Tây Côn Lĩnh nằm ở độ cao 2.428 m so với mực nước biển, cách thành phố Hà Giang khoảng 46 km.

Tuy không thể sánh bằng đỉnh Fansipan, nhưng nhiều “phượt thủ” đánh giá, đỉnh Tây Côn Lĩnh khó chinh phục hơn bởi cung đường cheo leo hiểm trở với nhiều rừng rậm, vực sâu thăm thẳm.

Đỉnh Tây Côn Lĩnh còn được coi là ngọn núi thiêng trong những câu chuyện truyền thuyết của những người dân tộc La Chí sinh sống ở huyện Hoàng Su Phì.

Thời điểm đẹp nhất để chinh phục Tây Côn Lĩnh chính là vào mùa khô, từ tháng 9 đến tháng 4 năm sau. Không khí trong lành, không bị nắng gắt, có nhiều cảnh đẹp để ngắm, quan trọng nhất là đường đi ít nguy hiểm.

Để chinh phục đỉnh Tây Côn Lĩnh có nhiều cung đường, tùy vào sức khỏe và mục đích của mỗi người. Tuy nhiên, đặc điểm chung là cung đường nào cũng khá cheo leo, hiểm trở với nhiều vực sâu, đường đèo dốc quanh co.

Theo kinh nghiệm mà các phượt thủ đã chinh phục Tây Côn Lĩnh tiết lộ, du khách có thể bắt đầu từ cửa khẩu Thanh Thủy ở huyện Vị Xuyên, cách thành phố Hà Giang hơn 20 km về phía Tây Bắc, đến ngã ba Xín Chải rồi hỏi đường người dân địa phương để lên được đỉnh Tây Côn Lĩnh.

Ngoài ra, du khách cũng có thể đi từ ngã ba Tân Quang cách thành phố Hà Giang 46 km, để tới huyện Hoàng Su Phì. Sau đó, để chinh phục đỉnh Tây Côn Lĩnh theo cung đường này du khách men theo cung đường đến Tùng Sán-Trúng Phúng và từ đó đến được với đỉnh núi cao nhất của vùng Đông Bắc.

Bản làng bảng lảng trong sương.

2. Trên hành trình chinh phục Tây Côn Lĩnh, du khách còn được chiêm ngưỡng và khám phá nhiều vẻ đẹp của núi rừng, ruộng bậc thang và những sinh hoạt của bà con các tộc người nơi đây.

Đáng chú ý là đồi chè cổ thụ. Những cây chè cổ thụ tán lá xum xuê, cao hàng chục métvới những gốc cây to xù xì 2 người ôm. Nếu đến với Tây Côn Lĩnh vào mùa thu hoạch chè, du khách sẽ được ngắm những chàng trai, cô gái dân tộc trên những cây chè cao vút, tay nhanh thoăn thoắt thu hoạch những búp chè xanh non buổi sáng sớm. Còn nếu đến vào mùa xuân, sẽ gặp sắc hồng của đào, sắc trắng của mận và hàng chục loài hoa rừng khác…

Cũng trên hành trình chinh phục đỉnh Tây Côn Lĩnh, du khách được thỏa sức ngắm những ruộng bậc thang trùng điệp ở Hồ Thầu, Bản Phùng, xã Thông Nguyên... Mỗi mùa đến nơi đây lại khoe một chiếc áo mới. Vào mùa xuân ruộng bậc thang khoác lên mình chiếc áo xanh mơn mởn của màu lúa non. Đến mùa thu lại khoe mình trong chiếc áo vàng rực rỡ óng ả, tỏa mùi thơm nồng nàn của lúa mới.

Một đoạn đường leo núi.

Đường đến với đỉnh Tây Côn Lĩnh du khách vượt qua những khu vực rừng rậm của cánh rừng nguyên sinh lá nhiệt đới với thảm thực vật phong phú, đa dạng. Những cây cổ thụ xen lẫn với nhiều loại cây thân thảo cây lau tạo nên một cảnh quan vừa hùng vĩ vừa thơ mộng.

Càng lên cao dân cư càng thưa thớt khiến cho cung đường càng trở nên huyền bí. Nơi đây lưu dấu bao huyền thoại, bao câu chuyện về vị vua La Chí Hoàng Vần Thùng…

Sau hành trình vất vả, du khách sẽ vỡ òa cảm xúc khi biết mình đã chinh phục được độ cao hơn 2.428 m. Từ trên đỉnh Tây Côn Lĩnh, nhìn ngắm những làn mây bay lơ lửng, ngắm nhìn khung cảnh thanh bình nơi cuộc sống của các bản làng như phần thưởng dành cho người chiến thắng. Đứng trên nóc nhà vùng Đông Bắc để thấy tự hào và thêm yêu một mảnh ghép nhỏ trong bản đồ hình chữ S thân thương ấy.

Rừng già nguyên sinh.
Hái chè cổ thụ ở Tây Côn Lĩnh.

3 lưu ý cho chuyến chinh phục Tây Côn Lĩnh:

- Xin giấy phép Đồn Biên phòng Lao Chải. Đây là quy định bắt buộc, nếu bạn không có giấy phép sẽ không được leo núi. Thủ tục cũng rất đơn giản. Trước khi lên đường hãy chuẩn bị giấy tờ tùy thân, giấy giới thiệu của địa phương.

- Hãy thuê Porter. Bạn sẽ không thể leo núi mà không có sự hướng dẫn. Các porter là người dân tộc, họ sống nhiều năm ở đây, có kinh nghiệm đi rừng, thông thạo từng ngọn cây bụi cỏ tại đây. Đoàn có porter đi cùng sẽ chẳng lo lạc đường, đồ đạc có người mang giúp, gặp vấn đề gì cũng bình tĩnh giải quyết được.

- Tuyệt đối không đi một mình. Đã có nhiều câu chuyện đáng tiếc khi leo núi một mình. Bạn không nên vướng vào vết xe đổ đó. Hãy kiếm cho mình những người đồng đội ăn ý, có thể lực tốt, tinh thần đoàn kết, làm việc vì tập thể.

THẾ QUANG