‘Rác’ xấu độc bủa vây học sinh trên không gian mạng
Dịch Covid-19 khiến nhu cầu vui chơi giải trí của học sinh chuyển từ trực tiếp sang trực tuyến. Việc tiếp cận công nghệ mạng từ sớm tạo ra thay đổi lớn cho trẻ. Bên cạnh những mặt tích cực, mạng internet cũng đang trở thành một môi trường tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn cho trẻ.
Trường học đóng cửa do dịch bệnh khiến học sinh phụ thuộc vào công nghệ để duy trì việc học tập và giải trí. Làm thế nào để bảo vệ trẻ trên không gian mạng là câu hỏi đặt ra khi thời gian vừa qua, những vụ việc trẻ bị bắt nạt, xâm hại trên môi trường mạng ngày càng gia tăng.
Hậu quả dai dẳng
Trong bối cảnh dịch bệnh, hầu hết các bậc phụ huynh đều thừa nhận rằng, nếu không có điện thoại smartphone, ipad, máy tính và mạng internet các con không thể học hành, giải trí. Thế nhưng dịch bệnh kéo dài, bố mẹ hàng ngày bận rộn với công việc nên không có thời gian để quản lý, giám sát con trên môi trường mạng.
Cuối năm, vợ chồng chị Định Quỳnh Nga (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) ngập đầu với công việc. Vì vậy mà cả tháng nay, anh chị bỏ bê 2 đứa trẻ ở nhà tự học, tự chơi, tự trông nhau. Chị Nga cho biết, đứa con trai 8 tuổi của chị rất thích xem những video đánh nhau hay thần tượng Khá Bảnh “quẩy”.
Dù chị đã cấm con xem những video này nhưng chị Nga cho rằng, rất khó quản lý hay cấm con tiếp cận với những nội dung xấu, không phù hợp với lứa tuổi trên môi trường mạng, phần vì không có thời gian, phần vì các video này xuất hiện tràn lan trên mạng internet.
Không chỉ dừng lại ở những video xấu độc, nhảm nhí, những diễn biến phức tạp của tội phạm công nghệ cao khiến trẻ em ngày càng đứng trước nhiều nguy cơ bị xâm hại. Nhiều lớp học ảo bị tin tặc tấn công, thậm chí có em bị lừa đảo, chiếm đoạt tiền, gây ảnh hưởng tới tâm lý.
Cách đây gần 2 tháng, chị Vương Thu Hải (quận Ba Đình, Hà Nội) thấy con gái (học lớp 10) bồn chồn, lo lắng, có dấu hiệu bất thường. Gần gũi hỏi han con, chị Hải giật mình khi con gái tâm sự rằng, con đang nợ một người trên mạng số tiền hơn 1.300.000 đồng.
Do sở thích hội họa nên con gái chị Hải tham gia một group vẽ tranh trên mạng xã hội. Vô tình, cô bé tham gia một minigame vượt qua thử thách. Mỗi bức tranh vẽ cháu sẽ được quy đổi bằng 1 số tiền nhất định để quyên góp làm từ thiện hoặc ngược lại sẽ phải nộp lại bằng hình thức vẽ tranh khác để bán. Kết quả sau 2 tuần tham gia minigame, số tiền nhận được từ ban tổ chức đâu chưa thấy, thay vào đó, con gái chị Hải bị dồn nợ lên đến hơn 1.300.000 đồng.
Do sợ bố mẹ, con gái chị Hải ngày đêm vẽ tranh để bán, trả số nợ trên khiến việc học bỏ bê. Tuy nhiên, số tiền bán tranh không đủ để trả nợ, trong khi kẻ xấu liên tục nhắn tin, đòi tiền khiến con gái chị Hải lo lắng, sợ sệt.
“Khi phát hiện ra sự việc, tôi đã liên hệ vào số điện thoại, nhắn tin qua facebook để cảnh cáo với kẻ xấu thì không nhận được bất kỳ phản hồi nào. Thấy con sợ hãi, ảnh hưởng tâm lý tôi vừa thương vừa tự trách mình không chú tâm dạy con những kỹ năng tự bảo vệ mình trên không gian mạng”, chị Hải chia sẻ.
Thiết lập quy tắc sử dụng mạng
Tại quận Bắc Từ Liêm, theo chia sẻ của Thiếu tá Phương Minh Thắng, Phó Trưởng Công an quận, hiện trên địa bàn quận có 16 trường THCS với gần 13.000 học sinh. Thời gian qua, Công an quận đã tiếp nhận, giải quyết 16 vụ việc trẻ em dưới 14 tuổi bị xâm hại. Trong đó, có vụ trẻ em bị đối tượng quen trên mạng dụ dỗ, sau đó thực hiện hành vi xâm hại. Có học sinh tự tử, để lại thư tuyệt mệnh do chán nản, áp lực với cuộc sống nhưng không thể chia sẻ với người thân trong gia đình. Một phần nguyên nhân dẫn đến hành vi tiêu cực này cũng là do việc thường xuyên sử dụng mạng xã hội.
Trước thực tế đó, Công an quận đã tham mưu UBND quận triển khai thực hiện mô hình điểm “Vì môi trường mạng xã hội bình yên” tại các trường THCS trên địa bàn quận. Theo nhận định của Thiếu tá Phương Minh Thắng, mô hình đã phát huy hiệu quả tích cực, giúp phát hiện, xử lý kịp thời nhiều vụ việc phức tạp liên quan đến mạng xã hội.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Đình Sơn, chuyên gia tâm lý tuổi vị thành niên, Hội Tâm lý học giáo dục Hà Nội chỉ ra 3 yếu tố tâm lý bị ảnh hưởng của mạng xã hội. Đó là, mạng xã hội ảnh hưởng đến nhận thức và hành vi của đời thực; nhu cầu và thắc mắc của học sinh, sinh viên luôn tìm kiếm được sự thỏa mãn trên mạng; tương tác trên mạng xã hội ảnh hưởng đến giao tiếp của các em.
Để quản lý rủi ro từ môi trường mạng đối với trẻ, ông Sơn cho rằng, thay vì ngăn cấm con sử dụng internet, phụ huynh nên thảo luận, thiết lập bộ quy tắc và cam kết đồng thuận với con. Bộ quy tắc này bao gồm: điều kiện tham gia trực tuyến, đảm bảo con cần cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ những gì và không quá giới hạn cho phép; thời gian trực tuyến; chấp nhận cho cha mẹ ngẫu nhiên kiểm tra các thiết bị trực tuyến để chắc chắn rằng con thực hiện đúng cam kết.
Bên cạnh đó, đối với một số trang và ứng dụng không phù hợp với lứa tuổi của con, cha mẹ nên thiết lập mật khẩu; nhắc nhở con không nhắn tin và tham gia tranh luận trên mạng khi cảm thấy khó chịu hoặc tức giận; tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân và cuộc sống gia đình cho người lạ.
“Cha mẹ cũng nên gần gũi, tâm sự với con. Nếu con gặp bất kỳ nguy hiểm hay rắc rối nào trên mạng, người đầu tiên cần thông báo là cha mẹ, tuyệt đối không tìm sự giúp đỡ người ngoài trước đó”, ông Sơn cho hay.
Bộ Thông tin và Truyền thông đang lấy ý kiến vào dự thảo Bộ Quy tắc ứng xử về bảo vệ trẻ em trên không gian mạng. Đây được xem là điều vô cùng cần thiết khi xâm hại trẻ em trên mạng đang trở thành một trong những vấn nạn trong đại dịch.
Bộ Quy tắc ứng xử bảo vệ trẻ em trên không gian mạng ra đời nhằm đưa ra khuyến nghị về chuẩn mực hành vi, ứng xử cho người dùng trên không gian mạng để bảo vệ trẻ em trước những nguy cơ tiềm ẩn. Đồng thời, phổ biến cách thức báo cáo khi có nghi ngờ về các hành vi xâm hại cho trẻ em trên không gian mạng và hơn hết là nâng cao nhận thức xã hội đối với các nguy cơ của trẻ em khi hoạt động trên không gian mạng.