Thị trường chứng khoán năm 2022: Đãi cát tìm vàng
Các công ty chứng khoán dự báo thị trường chứng khoán năm 2022 vẫn nằm trong xu hướng tăng dài hạn. Nhưng để tránh rủi ro nhà đầu tư phải biết chắt lọc cơ hội và tìm kiếm những cổ phiếu giàu triển vọng.
>>Triển vọng ngành năm 2022: Các ông lớn Vinamilk, Masan, Kido được hưởng lợi gì?
>> Triển vọng ngành năm 2022: MWG, FRT, DGW có duy trì được vị thế?
4 xu hướng đầu tư cho năm 2022
VNDirect đã đưa ra 4 luận điểm đầu tư cho năm 2022. Xu hướng đầu tiên là giá hàng hoá dự kiến vẫn duy trì ở mức cao, những công ty có mức độ phụ thuộc vào giá hàng hoá cao sẽ được hưởng lợi từ xu hướng này chẳng hạn như dầu khí và các công ty xuẩt khẩu hàng hoá.
Thứ hai là câu chuyện phát triển cơ sở hạ tầng vẫn còn hứa hẹn. Theo đó các ngành bất động sản khu công nghiệp, hạ tầng cảng biển hay hạ tầng năng lượng có tiềm năng mở rộng nhanh chóng.
Xu hướng thứ ba là sự trỗi dậy của kinh tế số với tiềm năng tăng trưởng bình quân 29% mỗi năm giai đoạn 2020-2025. Các công ty có vị thế nắm bắt các cơ hội từ sự trỗi dậy của kinh tế số cũng như có khả năng thay đổi mô hình kinh doanh để thích ứng với nhu cầu “digital” của người tiêu dùng sẽ tỏ ra vượt trội.
Cuối cùng là ngành dịch vụ có thể lấy lại vị thế nhờ sự phục hồi của cầu nội địa. Các ngành bao gồm hàng không, bán lẻ, sản xuất thực phẩm và nước giải khát sẽ là những đối tượng hưởng lợi chính từ khả năng phục hồi tiêu dùng.
Số đông sẽ không chọn "hàng phòng thủ"
Báo cáo Chiến lượcTriển vọng TTCK Việt Nam 2022 của Công ty Cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho hay xu hướng tăng của TTCK Việt Nam sẽ tiếp tục được duy trì trong năm 2022, khi các điều kiện của thị trường tiếp tục được cải thiện với 2 yếu tố kỳ vọng chính là dịch Covid-19 sẽ dần suy giảm khi chương trình tiềm chủng vaccine được triển khai hiệu quả và gói kích thích kinh tế của Chính phủ, trong bối cảnh định giá của chỉ số VNIndex vẫn đang ở mức hợp lí nhờ đà tăng của thị trường được hỗ trợ bởi tốc độ tăng trưởng lợi nhuận cao của nhóm các doanh nghiệp niêm yết trong năm qua.
Dù vậy, mức tăng vượt trội của thị trường như trong giai đoạn 2020-2021 nhiều khả năng sẽ không lặp lại, khi mà rủi ro đã tiềm ẩn xuất hiện ở 1 số yếu tố nền tảng như rủi ro lạm phát và mặt bằng lãi suất trong nước tăng, nợ xấu ngân hàng, các NHTW trên thế giới thắt chặt chính sách tiền tệ, tốc độ tăng trưởng chậm và rủi ro vỡ nợ của Trung Quốc…
KBSV kỳ vọng thị trường sẽ trải qua nhiều nhịp biến động mạnh tăng/giảm đan xen, đặc biệt trong giai đoạn nửa đầu năm khi các yếu tố thuận lợi/rủi ro dần định hình, với xu hướng tổng thể là tăng thoải và hướng tới mốc điểm cân bằng của chỉ số VNIndex thời điểm cuối 2022 là 1,760 điểm, tương ứng mức P/E 17.5 lần và EPS bình quân các doanh nghiệp niêm yết tăng 15.7% so với cùng kỳ.
Với việc động lực tăng trưởng chính của thị trường trong năm 2022 là sự phục hồi của nền kinh tế giai đoạn hậu Covid với lực đỡ từ gói kích thích kinh tế của Chính phủ, KBSV cho rằng nhà đầu tư nên hướng tỷ trọng cao của danh mục trong năm 2022 đến nhóm các doanh nghiệp tăng trưởng, hưởng lợi từ bối cảnh thuận lợi của kinh tế vĩ mô như sự phục hồi trong hoạt động chi tiêu, tiêu dùng trong nước, tăng trưởng xuất khẩu, Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công, thu hút vốn FDI, và xu hướng chuyển đổi số… Trong khi đó, nhóm cổ phiếu mang tính phòng thủ được đánh giá sẽ không phải lựa chọn ưa thích của số đông.
Trong năm 2022, bộ phận phân tích doanh nghiệp của KBSV đánh giá tích cực đối với triển vọng các ngành khu công nghiệp, bán lẻ, thuỷ sản, năng lượng, ngân hàng, bất động sản, dầu khí, công nghệ thông tin, cảng biển.
Chứng khoán vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn
Đánh giá thị trường năm 2022, Chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCBS) tin rằng chứng khoán nhìn chung vẫn sẽ là một kênh đầu tư hấp dẫn, nhất là với các nhà đầu tư cá nhân. Dòng vốn nội vẫn có sự tăng trưởng nhất định nhưng phần nào đó sẽ bớt hào hứng hơn so với 2021.
Nhóm chuyên gia nhấn mạnh sự phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu đã bắt đầu trong quý IV và kỳ vọng sẽ tiếp tục mở rộng. Cơ hội đầu tư trong năm 2022 sẽ cần nhiều sự chọn lọc hơn và đi sâu hơn vào từng công ty.
Dù vậy VCBS cũng đưa ra một số gợi ý đầu tư như quan tâm đến các doanh nghiệp bất động sản có lợi thế về quỹ đất và nguồn lực tài chính, đồng thời có mục tiêu tăng trưởng rõ ràng trong năm 2022.
Nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân duy trì được tốc độ tăng trưởng cao, đặc biệt là ngân hàng quy mô nhỏ cũng đáng chú ý. Nhóm doanh nghiệp bán lẻ phục vụ nhu cầu mua sắm hồi phục trở lại sau giai đoạn giãn cách xã hội và thích nghi "bình thường mới" cũng là một lựa chọn cân nhắc.
Ngoài ra, nhà đầu tư có thể được xem xét nhóm doanh nghiệp nằm trong chuỗi giá trị của các ngành gắn liền với hoạt động khai thác tài nguyên trong nước như dầu khí, xi măng, khai thác và chế biến kim loại màu...
Chắt lọc 5 nhóm ngành dẫn đường
Báo cáo của Fiin Group đánh giá những nhóm ngành sẽ "dẫn đường" cho năm 2022 đó:
Một, nhóm ngành được kích thích bởi đầu tư công. Đầu tư công đóng vai trò trọng tâm, đồng thời là vốn mồi, kích thích đầu tư tư nhân phát triển. Đầu tư công được dự kiến sẽ tập trung vào xây dựng cơ sở hạ tầng, đổi mới sáng tạo phát triển kỹ thuật số. Nhu cầu về vật liệu xây dựng cơ bản, nhóm ngành vật liệu xây dựng sẽ có xu hướng phát triển trong năm 2022
Hai, nhóm ngành có tỷ trọng xuất khẩu lớn. Cùng với sự phục hồi nhu cầu thế giới, đặc biệt là do sự giảm cung từ Trung Quốc, kích thích xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam trong các ngành như điện tử, dệt may, thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ, cao su, sắt thép
Ba, nhóm ngành được kích thích do phục hồi nhu cầu tiêu thụ trong nước. Doanh nghiệp ngành thực phẩm & đồ uống, bán lẻ và hàng không sẽ là nhóm hưởng lợi chính do sự phục hồi nhu cầu tiêu thụ trong nước, sau thời gian giãn cách và chính sách hạn chế đi lại để kiểm soát dịch bệnh.
Bốn, nhóm ngành thương mại điện tử và logistics. Những thay đổi trong thói quen tiêu dùng, mua sắm trực tuyến của người dân trong bối cảnh đại dịch cũng thay đổi mạnh mẽ, là lực đẩy khiến thương mại điện tử tiếp tục bùng nổ trong năm 2022.
Kỳ vọng tăng trưởng thương mại quốc tế của Việt Nam do tác động tích cực của các FTA đã ký kết, cùng với sản xuất phục hồi, nhu cầu vận chuyển hàng hóa trong nước tăng theo, kéo theo các ngành phụ trợ như logistics cũng hưởng lợi.
Năm, nhóm ngành công nghệ thông tin được kỳ vọng sẽ hồi phục với mảng phần mềm doanh nghiệp, thiết bị và dịch vụ. Tiềm năng lớn của kênh ngân hàng số mở ra xu hướng đầu tư công nghệ và chuyển đổi số trong khối ngân hàng, đang tăng cả về tốc độ lẫn quy mô.