Những khoảnh khắc văn hóa ấn tượng định nghĩa năm 2021
Năm 2021, năm thứ hai của đại dịch, thế giới vẫn đầy những thử thách, điều lạ kỳ cùng những khoảnh khắc ấn tượng không thể lãng quên.
Lễ nhậm chức Tổng thống Mỹ Joe Biden
Lễ nhậm chức của Tổng thống Mỹ Joe Biden vào tháng 1/2021 rất khác so với những năm trước, không chỉ bởi tất cả mọi người đều đeo khẩu trang. Cuộc diễu hành nghi lễ đã bị hủy bỏ, buổi hòa nhạc được tổ chức trực tuyến và Cựu Tổng thống Donald Trump đã không tham dự. Nhưng sự kiện này vẫn còn nhiều điều đáng để được ghi nhớ - bao gồm cả thời trang.
Có những chiếc vòng cổ ấn tượng và khăn che mặt cầu kỳ, những chiếc găng tay len vô cùng nổi bật và những bộ trang phục có màu sắc rực rỡ. Tuy nhiên, trên tất cả, ánh hào quang được dành cho Tổng thống Joe Biden, Phó Tổng thống Kamala Harris và Đệ nhất phu nhân Jill Biden với những thiết kế tương ứng từ các nhà mốt Ralph Lauren, Christopher John Rogers và Alexandra O'Neill.
Những trang bìa tạp chí độc đáo
Elliot Page trở thành người đàn ông chuyển giới đầu tiên được xuất hiện trên trang bìa của tạp chí Time. Một anh chàng người Philippines có sức ảnh hưởng giới làm đẹp, Bretman Rock, đã đeo một cặp tai thỏ và trở thành người đàn ông đồng tính đầu tiên xuất hiện trên trang bìa của tạp chí Playboy.
Tạp chí áo tắm Sports Illustrated, với chủ đề xoay quanh cộng đồng, có ba trang bìa riêng biệt với Megan Thee Stallion, ngôi sao quần vợt Naomi Osaka và người mẫu Leyna Bloom. Họ lần lượt trở thành rapper đầu tiên, nữ vận động viên da đen đầu tiên và phụ nữ chuyển giới đầu tiên xuất hiện trên trang bìa phiên bản hàng năm.
Cuộc chiến giành lại tự do của Britney Spears
Britney Spears đã trở lại ánh đèn sân khấu vào năm 2021 - mặc dù không phải vì âm nhạc của cô. Bộ phim tài liệu “Framing Britney Spears” do New York Times sản xuất được phát hành vào tháng 2, đã tạo ra một làn sóng mới cho phong trào #FreeBritney, yêu cầu làm sáng tỏ quyền bảo hộ đã giúp cha của nữ ca sĩ, Jamie Spears, nắm quyền kiểm soát toàn bộ gia sản của cô.
Vào tháng 11, thẩm phán ở Los Angeles đã chính thức chấm dứt quyền bảo hộ kéo dài 13 năm của Jamie, trả lại sự tự do cho Britney. Đối với cô, đó là “ngày tuyệt vời nhất từ trước đến nay”.
Tác phẩm nghệ thuật ảo (NFT) của Beeple được đấu giá 69 triệu USD
Vào tháng 3, nghệ sĩ Mike Winkelmann, hay còn được biết đến với cái tên Beeple, đã làm nên lịch sử bằng cách bán một tác phẩm nghệ thuật ảo dưới dạng mã thông báo không thể thay thế (NFT) với giá hơn 69 triệu USD tại nhà đấu giá Christie's.
Với tựa đề “Mỗi ngày: 5000 ngày đầu tiên”, tác phẩm là sự cắt ghép của 5.000 hình ảnh do Winkelmann thực hiện trong suốt 13 năm. Buổi đấu giá đã khẳng định Beeple là một trong số những nghệ sĩ còn sống có giá trị nhất và mở đường cho sự bùng nổ của NFT trong thế giới nghệ thuật tương lai.
‘Đôi giày quỷ Satan’ của Lil Nas X
Lil Nas X từng gây xôn xao vào tháng 3 khi tung ra một đôi giày thể thao được gắn nhãn ‘Đôi giày của quỷ’. Với một ngôi sao năm cánh bằng đồng, một cây thánh giá ngược và một giọt máu người thật, những đôi Nike Air Max 97 là kết quả của sự hợp tác giữa Lil và tập thể nghệ thuật MSCHF có trụ sở tại New York.
Tất cả 666 đôi với giá 1,018 USD/đôi, đã được bán hết trong vòng chưa đầy một phút. Tuy nhiên do dính nhiều tranh cãi, MSCHF cuối cùng đã thu hồi lại số giày thể thao và hoàn tiền lại đầy đủ cho khách hàng.
Chloé Zhao làm nên lịch sử Oscar
Vào tháng 4, Chloé Zhao trở thành người phụ nữ gốc Á đầu tiên, và là người phụ nữ da màu đầu tiên giành giải Đạo diễn xuất sắc nhất tại Lễ trao giải Oscar. Được biết đến với bộ phim "Nomadland", một bộ phim truyền hình về những người Mỹ đã nghỉ hưu, làm những công việc theo thời vụ và chỉ sống ngoài xe tải của họ.
Pyer Moss làm nên lịch sử thời trang cao cấp
Vào tháng 7, thương hiệu Pyer Moss từ khi ra mắt vào năm 2013, đã làm nên lịch sử khi giúp Kerby Jean-Raymond trở thành nhà thiết kế người Mỹ da màu đầu tiên được mời trình diễn tại Tuần lễ thời trang cao cấp Paris. Với chủ đề “Wat U Iz”, bộ sưu tập của Pyer Moss giới thiệu trang phục đề cập đến những vật dụng hàng ngày bao gồm xe đạp, đèn giao thông, lối thoát hiểm và bàn cờ vua.
Show thời trang cao cấp đầu tiên của Balenciaga sau 53 năm
Thương hiệu thời trang cao cấp của Pháp Balenciaga đã trở lại làng thời trang cao cấp vào tháng 7. Đây là buổi trình diễn thời trang cao cấp đầu tiên của hãng kể từ khi Cristóbal Balenciaga – người mà Christian Dior từng mô tả là “bậc thầy của tất cả chúng ta” gián đoạn hoạt động cách đây 53 năm.
Giám đốc sáng tạo Demna Gvasalia đã giới thiệu những thiết kế mang tính biểu tượng của bậc thầy đồng thời thể hiện tầm nhìn đương đại của riêng mình bằng cách giới thiệu một loạt các trang phục ấn tượng.
Chiếc váy cầu vồng thắp sáng Thế vận hội Olympic
Pháo hoa đã thắp sáng bầu trời Tokyo vào ngày 23/7, khi Thế vận hội mùa hè bị trì hoãn cuối cùng đã được tiến hành. Lễ Khai mạc được thu hẹp lại, với các vận động viên diễu hành trước hàng nghìn ghế trống do các hạn chế của đại dịch Covid-19. Nhưng bất chấp bối cảnh, vẫn có những cảm giác vui mừng trên sân vận động Olympic.
Không có bộ trang phục nào thể hiện điều này tuyệt vời hơn là chiếc váy cầu vồng xếp nếp của nhà thiết kế thời trang Tomo Koizumi, được làm từ hàng chục lớp vải organza tái chế và được nữ ca sĩ Nhật Bản Misia mặc để biểu diễn quốc ca “Kimigayo”.
Tom Daley đưa phong trào ‘crochet’ trở lại
Thế vận hội Olympic đã mang lại cho chúng ta rất nhiều điều mới mẻ. Nổi bật hơn hết, chính là thợ lặn người Anh Tom Daley.
Người đoạt huy chương vàng môn lặn đồng bộ đã chinh phục trái tim khán giả khi hình ảnh anh ngồi đan áo len cho cún cưng giữa các sự kiện xuất hiện ngập tràn trên mạng. Vận động viên Olympic này đã biến sở thích móc len thành một công việc kinh doanh bằng cách phát hành bộ dụng cụ đan của riêng mình mang tên Made with Love của Tom Daley.
Những thông điệp từ Met Gala
Cara Delevingne bước trên thảm đỏ với dòng chữ ‘Peg thechaly’ được khắc trên chiếc áo vest chống đạn màu trắng được thiết kế bởi Maria Grazia Chiuri của Dior. Trong khi đó, ngôi sao bóng đá Megan Rapinoe nắm chặt dòng chữ ‘In Gay We Trust’ (Chúng tôi tin tưởng những người đồng giới) và nữ dân biểu Carolyn B. Maloney khoe chiếc váy được trang trí với dòng chữ ‘Quyền bình đẳng cho phụ nữ’.
Mặc dù vậy, chiếc váy được nhắc đến nhiều nhất chính là của Alexandria Ocasio-Cortez, người lần đầu tiên tham dự sự kiện này. Chiếc váy trễ vai màu trắng từ thương hiệu thiết kế Brother Vellies có trụ sở tại Brooklyn, với thông điệp ‘Đánh thuế người giàu’ được viết nguệch ngoạc bằng dòng chữ in đậm màu đỏ ở phía lưng.
Khải Hoàn Môn được bao phủ
Trong vòng 16 ngày vào mùa thu, những người dân Paris đi ngang qua Khải Hoàn Môn đã thấy cột mốc này được bao phủ trong một lớp vải. Đó là một tác phẩm nghệ thuật được để lại trong di cảo của bộ đôi vợ chồng Christo và Jeanne-Claude, được hoàn thành chỉ hơn một năm sau khi cựu nghệ sĩ qua đời ở tuổi 84.
Christo và Jeanne-Claude bắt đầu biến không gian công cộng thành các tác phẩm nghệ thuật ‘được bao phủ’ nổi tiếng của họ vào năm 1962, với các tác phẩm ấn tượng bao gồm ‘Pont Neuf Wrapped’ năm 1985 và ‘Wrapped Reichstag’ năm 1995.
Lời tri ân cuối cùng dành cho Virgil Abloh
Ngày 28/11, giới thời trang bàng hoàng trước thông tin nhà thiết kế thời trang huyền thoại Virgil Abloh đã qua đời ở tuổi 41, sau hai năm chiến đấu với căn bệnh ung thư. Abloh hiện là giám đốc nghệ thuật về trang phục nam của Louis Vuitton - nhà thiết kế da màu đầu tiên nắm giữ vai trò này, và là người sáng lập thương hiệu thời trang đường phố sang trọng Off-White.
Để tri ân, Louis Vuitton đã biến buổi giới thiệu bộ sưu tập Xuân/Hè 2022 của Abloh thành một lễ tưởng niệm cuộc đời ông. Với chủ đề ‘Virgil Was Here’, buổi trình diễn thời trang kéo dài 18 phút đã chào đón khoảng 1.500 khách (trong đó có Kanye West và Kim Kardashian West, Rihanna và Pharrell Williams) và được phát trực tiếp trên khắp thế giới. Buổi diễn kết thúc với giọng nói của Abloh lấp đầy sân khấu:
“Cuộc sống ngắn ngủi đến mức bạn không thể lãng phí dù chỉ một ngày để làm những điều mà ai đó nghĩ rằng bạn có thể, thay vì hiểu những gì bạn có thể làm”.