Lãi suất năm 2022 theo xu hướng nào?

H.Hương 04/01/2022 15:30

Gần đây một số ngân hàng tăng nhẹ lãi suất huy động để hút tiền gửi nhàn rỗi trong dân. Liệu đây có là xu hướng chính của năm 2022? Trong khi đó, phía Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẳng định, trên cơ sở cân đối vĩ mô, NHNN vẫn sẽ giữ mặt bằng lãi suất ổn định, phấn đấu giảm thêm lãi suất cho vay nếu điều kiện cho phép.

Ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất huy động

Vào thời điểm cuối năm, các ngân hàng thường nhích nhẹ lãi suất huy động để hút tiền gửi cư dân. Tổng hợp từ biểu lãi suất mới nhất tháng 1/2022 tại một số ngân hàng cho thấy, lãi suất nhiều kỳ hạn đã tăng nhẹ từ 0,1 - 0,3%/năm so với hồi đầu tháng trước. Theo đó, lãi suất huy động tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đang có mức cao nhất hệ thống với chương trình nhân đôi lãi suất tiền gửi ngay trong tháng đầu tiên khi gửi tiết kiệm Prime Savings trên ngân hàng số VPBank NEO.

Cụ thể, khách hàng gửi mới từ 10 triệu đồng với kỳ hạn 6 tháng trở lên được hưởng lãi suất tháng đầu ưu đãi 9,4-9,8%/năm, từ tháng thứ 2 đến tháng thứ 6 là 4,7-4,9%/năm. Còn tại các ngân hàng như TMCP Sài Gòn (SCB), ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) và Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) cũng áp dụng với mức lãi suất huy động trên 7%/năm cho các khoản tiền gửi hàng chục tỷ, hàng trăm tỷ.

Giám đốc chi nhánh một ngân hàng tại đường Hoàng Quốc Việt cho biết, việc các ngân hàng nhích nhẹ lãi suất khó tạo ra làn sóng, việc lãi suất huy động tăng vào thời điểm này cũng là quy luật nhiều năm trở lại đây.

Thường dịp cuối năm là thời điểm các ngân hàng chuẩn bị vốn để doanh nghiệp trả lương thưởng, vay vốn chuẩn bị cho sản xuất kinh doanh năm tới, ký kết các hợp đồng hợp tác kinh doanh cho quý I, quý II năm sau. Nhưng hiện nay thanh khoản các ngân hàng rất dồi dào nên lãi suất không có nhiều cớ để tăng.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phương Đông (OCB) cho hay, ngân hàng chỉ điều chỉnh lãi suất tiền gửi tăng ở một vài kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng do giai đoạn trước ở mức thấp; còn mặt bằng chung của lãi suất huy động không thay đổi nhiều và chưa phải xu hướng để tạo sức ép lên thị trường.

Trong khi đó trong dự báo mới nhất về thị trường tiền tệ năm 2022, Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, áp lực lạm phát khi giá nhiều loại nguyên vật liệu đã và đang có xu hướng tăng mạnh cùng triển vọng mở cửa lại toàn bộ nền kinh tế có thể sẽ khiến NHNN phải tăng lãi suất huy động.

Tuy nhiên, NHNN nhiều khả năng sẽ tăng lãi suất huy động ở mức mềm mỏng hơn để vẫn có thể hỗ trợ cho sự hồi phục của nền kinh tế, trước những rủi ro tiềm ẩn từ đại dịch Covid-19.

BVSC dự báo mặt bằng lãi suất năm 2022 khó giảm thêm so với cuối năm 2021 và nhiều khả năng tăng nhẹ trở lại (quanh 0,25%-0,5%), nhất là trong nửa cuối của năm 2022.

Còn chuyên gia phân tích tại VNDirect cũng đánh giá, lãi suất tiền gửi sẽ khó duy trì ở mức thấp, do nhu cầu huy động vốn tăng dựa trên tín dụng tăng, áp lực lạm phát trong năm 2022, sự cạnh tranh từ các kênh đầu tư hấp dẫn như bất động sản và chứng khoán.

Tiếp tục ổn định mặt bằng lãi suất

TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV và nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cho rằng bước qua năm 2022, lãi suất huy động có thể tăng nhẹ do áp lực lạm phát khi nhu cầu vốn tăng sau khi nền kinh tế phục hồi. Thế nhưng, lãi suất cho vay cơ bản ổn định theo định hướng chung của Chính phủ và NHNN để hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy phục hồi kinh tế - xã hội.

Giới chuyên gia phân tích, Việt Nam có độ mở nền kinh tế lớn nên nguy cơ nhập khẩu lạm phát rất cao. Trong bối cảnh mặt bằng lãi suất trên thế giới tăng cộng áp lực lạm phát lớn, chính sách tiền tệ đứng trước nhiều áp lực.

Ông Phạm Chí Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cho hay, năm 2022, trên cơ sở cân đối vĩ mô, NHNN vẫn sẽ giữ mặt bằng lãi suất ổn định, phấn đấu giảm thêm lãi suất cho vay nếu điều kiện cho phép. NHNN cũng khuyến khích các ngân hàng thương mại cổ phần tiết giảm chi phí để có điều kiện giảm thêm lãi suất cho vay.

Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2022, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, điều hành lãi suất trong năm nay tiếp tục theo hướng ổn định, các ngân hàng thương mại bằng nguồn lực của mình tiếp tục hạ lãi suất cho vay, cộng với hỗ trợ từ Chương trình phục hồi kinh tế và phát triển kinh tế của Chính phủ sẽ tạo hiệu ứng chung để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt những lĩnh vực khó khăn, lĩnh vực cần ưu tiên.

Riêng về lo lắng, có thể dòng tiền có thể quay vòng, chảy sang chứng khoán, bất động sản..., Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, khẳng định NHNN sẽ tăng cường kiểm soát tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro và đang có biểu hiện không lành mạnh.

Đối với bất động sản, NHNN sẽ siết chặt tín dụng cho bất động sản có tính chất đầu cơ, các dự án lớn. Nhưng riêng bất động sản phục vụ nhu cầu nhà ở thực của người dân, NHNN vẫn khuyến khích. Với trái phiếu doanh nghiệp, NHNN có thể sẽ tiến hành thanh, kiểm tra. Còn lĩnh vực chứng khoán, nếu thị trường phát triển lành mạnh, nguồn vốn vẫn sẽ được tạo điều kiện. Nhưng NHNN sẽ kiểm soát chặt nếu thị trường có dấu hiệu đầu cơ, tăng nóng.

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho biết: một số ngân hàng tăng lãi suất hiện nay là do nhu cầu thị trường thanh khoản chu kỳ cuối năm. Dư địa giảm lãi suất là rất khó vì gần như không còn dư địa giảm nữa, chưa kể ngân hàng còn rất nhiều khoản nợ cơ cấu mà khách hàng vẫn chưa có khả năng trả. Đây cũng là nguyên nhân khiến áp lực thanh khoản thời gian tới sẽ khó khăn hơn.

Cũng theo ông Hùng, đầu năm 2022, do lạm phát của Việt Nam ổn định ở mức thấp, lãi suất huy động khó có thể tăng cao hơn bởi khi lãi suất cho vay vẫn được duy trì ở mức thấp thì ngân hàng khó tăng lãi suất huy động, do còn phải giữ biên lợi nhuận. Nếu ngân hàng đi vay cao mà cho vay lại thấp thì không có lãi.

H.Hương