Không thể dạy dỗ trẻ em bằng roi vọt
Vụ việc cháu bé 8 tuổi bị bạo hành dẫn đến tử vong vừa qua tại TP Hồ Chí Minh là một hồi chuông cảnh tỉnh tới toàn xã hội về vấn nạn sử dụng bạo lực với trẻ em. Tuy nhiên, đó mới chỉ là bề nổi của tảng băng chìm.
Theo Báo cáo mới được công bố về tình trạng xử phạt trẻ em tại nước ta của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), trong năm 2021, cứ 10 trẻ em Việt Nam từ 1-14 tuổi thì có 7 trẻ đã bị ít nhất một hình thức xử phạt về tâm lý hoặc thể xác bởi các thành viên trong hộ gia đình trong vòng 1 tháng trước khi cuộc điều tra diễn ra. Cứ 10 trẻ thì có hơn 6 trẻ đã từng bị xử phạt về tâm lý.
Theo lý giải từ UNICEF, đa phần cách xử phạt thể xác ở Việt Nam là những hành vi như đánh vào một số bộ phận trên cơ thể của trẻ bằng tay trần hoặc bằng một vật cứng khác hay đánh, tát trẻ vào mặt, đầu, mang tai liên tiếp, mạnh nhất có thể.
Với những hành vi xử phạt thể xác nói trên, có tới 40% trẻ em ở Việt Nam đã từng phải nhận từ thành viên trong gia đình của chúng trong vòng 1 tháng trước khi cuộc điều tra của UNICEF được diễn ra vào năm 2021. Bên cạnh đó, UNICEF cũng cho biết, tỷ lệ trẻ em gặp bạo lực cả về tâm lý và thể xác tại khu vực Đông Nam Bộ là cao nhất Việt Nam với 78,5%.
Đặc biệt hơn, khảo sát cũng cho thấy, cứ 10 người chăm sóc trẻ (cha, mẹ…) thì có 1 người tin rằng những hành vi này là cần thiết để giáo dục trẻ em. Có thể nhận thấy, quan điểm "thương cho roi cho vọt" đóng một vai trò lớn để tạo cơ hội cho việc xâm phạm thể xác và tinh thần của trẻ.
Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động thương binh & xã hội chia sẻ: "Bất kỳ một hành vi bạo lực trẻ em nào khi được báo chí thông tin, đặc biệt những vụ gây thương vong nặng nề cho con trẻ cũng làm dậy sóng dư luận. Xót thương, phẫn nộ, lên án, yêu cầu nghiêm trị. Nhưng vấn đề đặt ra ở đây là làm thế nào để những câu chuyện quá đau lòng như vậy không lặp lại và các trường hợp trẻ em bị hành hạ dã man bởi chính cha, mẹ và những người có trách nhiệm pháp lý và đạo lý phải yêu thương, che chở, bảo vệ đứa con của họ phải được kéo giảm tới mức thấp nhất."
"Mọi trẻ em đều được bảo vệ bằng pháp luật, mọi hành vi gây tổn hại cho trẻ em đều bị các cơ quan thực thi pháp luật xử lý, can thiệp bất luận là chuyện dạy con hay dạy học trò. Trong một xã hội văn minh, tiến bộ và pháp quyền mà chúng ta đang chung tay xây dựng, không thể tồn tại truyền thống hay phương pháp giáo dục, dạy dỗ trẻ em bằng roi vọt, bạo hành, xúc phạm.
Một khi sự tổn hại về thể chất, tinh thần của đứa trẻ đã xảy ra, một khi sức khỏe, tính mạng của con trẻ đã bị cướp mất một cách oan ức thì mọi sự dựa dẫm vào cái gọi là mục đích dạy dỗ chỉ là ngụy biện, thậm chí để trốn trách hình phạt pháp luật", ông Nam nhấn mạnh.