Miền riêng của A Sáng

XUÂN PHONG 05/01/2022 09:09

Mấy năm nay, họa sĩ A Sáng đã tạo cho mình một dấu ấn trên con đường hội họa. Những bức vẽ của anh kể câu chuyện về bản làng vùng đồng bào dân tộc thiểu số, những đứa trẻ xúng xính váy hoa, những chú ngựa gùi hàng giúp bà con lên nương rẫy… Và rất nhiều bức tranh về hoa sen, về thiền cho người xem năng lượng tích cực.

1. Trước khi đến với hội họa, nhiều người biết tới A Sáng là tác giả của nhiều cuốn sách, cả tạp văn và tiểu thuyết. Nhiều người cũng biết tới anh là nhà báo năng động.

Họa sĩ A Sáng tên đầy đủ là Hoàng A Sáng, sinh năm 1976 ở Pác Thay - một bản đồng bào dân tộc Tày thuộc huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. A Sáng tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, hiện sống và làm việc tại Hà Nội.

A Sáng gây chú ý với 2 triển lãm “Miền A Sáng 1” và “Miền A Sáng 2”. Ở đó, người xem bước vào không gian hội họa có dấu ấn riêng của một họa sĩ người Tày sống ở Hà Nội.

“Cô bé chơi đàn” (Sơn dầu, 2021).

A Sáng nói, việc được vẽ mỗi ngày với anh là “một ân huệ, sự may mắn của cuộc sống ban tặng”. Và để đáp lại ân huệ ấy, anh dành cả một căn hộ ở Hà Đông (Hà Nội) cho việc đêm đêm chong đèn vẽ. Vợ con phải “di cư” sang sống gần đó. Anh muốn có không gian riêng để vẽ, và cũng là để những toan, những bút vẽ, la liệt tuýp sơn màu không ảnh hưởng tới gia đình.

“Mỗi lần bước vào xưởng vẽ, ngửi mùi sơn quen thuộc, được tĩnh lặng một mình trong thế giới sắc màu là một lần tôi chạm vào hạnh phúc”, họa sĩ A Sáng tâm sự. Anh gọi đó là “chạm vào hạnh phúc” của riêng mình. Những lúc như thế, theo A Sáng, vẽ không đơn thuần là công việc hoặc đam mê… “Mà thật sự tôi cảm thấy mình rơi vào một trạng thái vô cùng tinh khiết - sự tinh khiết này thật khó để nói thành lời, chỉ có thể sống trong nó, cảm nhận nó, vui sướng thực sự với nó”, A Sáng chia sẻ thêm.

“Giấc mơ”.

Theo dõi hành trình hội họa của A Sáng từ lúc mới bắt đầu cho tới nay, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhận xét: Từ “Miền A Sáng 1” đi tới “Miền A Sáng 2” là một thách thức rất lớn. Đoạn đường ấy có thể trở thành bất động, có thể dẫn người họa sĩ vào vô định và có thể làm biến mất Hoàng A Sáng. Nhưng anh đã tới được miền ấy trọn vẹn và ngập tràn một tinh thần mới. Cái miền ấy - “Miền A Sáng 2” hoàn toàn mới mẻ nhưng quyền sở hữu vẫn thuộc về cái tên Hoàng A Sáng. Trong suốt ba năm qua, A Sáng đã vật vã mang những nhân vật của mình, những bông sen của mình, những cái cây của mình, những vùng đồi cố hương mình để về tới được miền của ánh sáng mới (màu), giai điệu mới (nét) và không gian mới (bố cục).

Tranh của A Sáng dựng lên ba vùng đặc trưng: sen - phong cảnh - tĩnh vật. “Cho dù trong sen, trong phong cảnh và trong cái gọi là tĩnh vật vẫn luôn luôn chứa đựng sự chuyển động mãnh liệt của cảm xúc, của ý tưởng và của màu sắc chủ đạo là màu nóng thì tinh thần Thiền vẫn trùm phủ cả ba vùng này. Bởi những bố cục, những đường nét, những màu sắc của Hoàng A Sáng luôn hướng tới một vẻ đẹp thuần khiết và sự thánh thiện. Và từ đó, tinh thần của Thiền bắt đầu khởi sinh và lan tỏa”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nói.

"Hoa sen".

2. A Sáng cũng là người thi thoảng chia sẻ những bức tranh mình vừa hoàn thành lên mạng xã hội facebook. Như mới đây, anh khoe bức tranh đứa trẻ xúng xính váy hoa chơi đàn trong vườn hoa cúc. Trước đó, nhiều người trầm trồ khi xem những bức tranh về núi, về ruộng bậc thang và bản làng mùa xuân mà A Sáng vừa hoàn thành. Ở đó, người ta không chỉ thấy núi đồi, thấy nắng, thấy những mùa hoa tuyệt đẹp nơi non cao, mà còn thấy tâm hồn của họa sĩ, thấy tâm tình của người vẽ về cố hương và những nơi chốn đã đi qua…

Trong hành trình hội họa của mình, họa sĩ A Sáng cũng thừa nhận, những năm qua, anh cố gắng loại bỏ những phần mà bản thân tự nhận ra là thừa và cố gắng thêm vào những phần còn thiếu. “Tôi hy vọng mỗi ngày tranh của tôi và chính bản thân tôi sẽ hướng về cái đẹp tinh khiết nhất. Tôi không chắc mỗi ngày mình vẽ đẹp hơn, nhưng tôi nghĩ mình có đủ năng lượng và khát vọng để hướng đến những điều đẹp nhất”, A Sáng nói.

“Mùa xuân về bản” (Sơn dầu, 2021).

Anh cũng chia sẻ thêm: “Việc sáng tác với hội họa không phải lúc nào cũng diễn ra êm đẹp, có những lúc rơi vào bế tắc, họa sĩ hoàn toàn bất lực trước bức tranh của chính mình. Cứ vẽ mãi, sửa mãi… nhưng bức tranh mình mong muốn không bao giờ hiện ra… Việc cần làm lúc này là phải biết kiên nhẫn và chờ đợi. Kiên nhẫn với bản thân mình, cũng có nghĩa biết cách để kiên nhẫn với hội họa. Sau nhiều năm tôi nhận ra rằng, khi vẽ tranh, nhiều lớp màu được chồng phủ lên nhau, có lúc bị gạch xóa, thậm chí bỏ đi, rồi vẽ lại, rồi lại xóa đi... cứ như thế diễn ra không biết bao nhiêu lần, việc này tựa như chính bản thân họa sĩ tự sửa mình. Mỗi ngày cố gắng phải loại bỏ đi một căn tính, thêm vào một đức tính. Đây là một công việc lâu dài, cần mẫn, chăm chỉ, nghiêm túc như chính hơi thở của mình. Nếu kiên nhẫn được như vậy, bản thân họa sĩ và bức tranh sẽ mỗi ngày đều đẹp thêm”.

Xem tranh A Sáng, mỗi người sẽ có những cảm nhận khác nhau. Nhưng với tôi, tôi thích những bức tranh vùng cao của A Sáng. Tôi muốn cảm ơn anh, vì anh đã kể những câu chuyện về vùng cao một cách tình cảm và đong đầy yêu thương…

"Câu chuyện của cánh đồng 1".
"Câu chuyện của cánh đồng 2".

XUÂN PHONG