Nhà thờ lớn Hà Nội

KHÔI NGUYÊN 23/12/2021 10:11

Mang đậm nét nhất những đặc trưng của kiến trúc Gothic châu Âu với bức tường xây cao, có mái vòm và nhiều cửa sổ, Nhà thờ Lớn Hà Nội, hay còn có tên gọi là Nhà thờ Lớn hiện là điểm đến nổi tiếng mà du khách không thể không ghé thăm khi tới Hà Nội. Hiện công trình này đang được tu sửa.

Nhà thờ Lớn Hà Nội là một công trình của Pháp mang dấu ấn Đông Dương với một vẻ cổ kính độc đáo và không kém phần lãng mạn. Nhà thờ Lớn nằm ngay ngã ba giao giữa 3 con phố Nhà Chung , phố Lý Quốc Sư, và phố Nhà Thờ (ngay gần Hồ Gươm). Công trình được xây dựng vào năm 1884 và khánh thành đúng ngay dịp Lễ Giáng Sinh năm 1887. Đây là một trong những công trình kiến trúc phương Tây đầu tiên được xây dựng tại Hà Nội.

Tên nguyên thủy của Nhà thờ Lớn là Nhà thờ Thánh Giu-se (Saint Joseph) và là Nhà thờ Chính Tòa của Tổng Giáo phận Hà Nội. Đây là một trong những công trình kiến trúc có sức hút kỳ lạ đối với bất kỳ du khách nào khi đặt chân đến Hà Nội, bởi sự độc đáo và quyến rũ trong kiến trúc.

Về phần kết cấu, nhà thờ được thiết kế theo phong cách kiến trúc Gothic trung cổ châu Âu (thịnh hành trong thế kỷ 12 và thời Phục Hưng), mô phỏng Nhà thờ Đức Bà Paris với những mái vòm uốn cong, rộng, hướng lên bầu trời và có nhiều cửa sổ, nhưng không tỉ mỉ và chi tiết như các nhà thờ ở châu Âu. Vậy nên, có những chi tiết trang trí ở khu cung thánh đã được bản địa hóa bằng nét văn hóa dân gian Việt Nam như chạm trổ, sơn son thếp vàng rất tinh vi và độc đáo.

Những lớp vôi cũ ố màu rêu phong và thời gian khiến Nhà thờ Lớn dễ ẩn mình vào vẻ cổ kính, trầm mặc vốn dĩ của Hà Nội. Nhưng trái ngược với vẻ ngoài hoen màu sương gió, kiến trúc bên trong vẫn giữ được vẻ hiện đại và như đứng ngoài sự tàn phá của thời gian.

Nét cổ kính của Nhà thờ Lớn Hà Nội.

Vào ban ngày, khi bước qua cánh cổng to lớn, du khách sẽ được đắm mình trong không gian tự nhiên tràn ngập ánh sáng. Ánh sáng trong lòng nhà thờ dường như huyền ảo hơn khi chiếu qua những bức tranh Thánh bằng kính màu trên mỗi ô cửa sổ. Bạn sẽ ngạc nhiên với cung thánh. Cung thánh trong nhà thờ lớn được bài trí theo đúng chất nghệ thuật dân gian truyền thống, đơn giản mà bắt mắt. Giữa cung thánh đường là tượng thánh Giêsu bế chúa Giêsu. 2 bên và xung quanh cung thánh được bài trí bàn thờ Đức Mẹ với nhiều tượng thánh khác nhau. Phía dưới thánh đường là những dải bàn ghế gỗ dài, có bàn qùy để phục vụ các giáo dân trong thánh lễ. Không gian rộng rãi, cao ráo giúp nhà thờ lớn có sức chứa lên đến hàng nghìn người. Vào những dịp lễ Noel, nhà thờ lớn lại thu hút đông đảo các giáo dân và du khách đến thăm.

Phía sảnh trong nhà thờ, có một cửa đi lớn, hai cửa nhỏ hai bên tháp. Các cửa đi và toàn bộ các cửa sổ đều cuốn nhọn, kết hợp với đó là những bức tranh Thánh bằng kính màu hài hòa tạo ra nguồn ánh sáng tự nhiên huyền ảo bên trong lòng Nhà thờ.

Nhà thờ còn có một bộ chuông Tây, gồm bốn quả chuông nhỏ và một quả chuông lớn. Đặc biệt là chiếc đồng hồ lớn gắn giữa mặt tiền nhà thờ. Đồng hồ có báo khắc, báo giờ, hệ thống chuông báo được liên kết với 5 quả chuông treo trên hai tháp. Giáo đường lớn bên trong có khoảng 30 hàng ghế gỗ được sắp thẳng tắp. Ngày thường, nhà thờ có 2 thánh lễ, riêng ngày chủ nhật có 7 thánh lễ.

Vật liệu xây dựng chính của nhà thờ là gạch đất nung, tường trát bằng giấy bổi. Nhà thờ có chiều dài 64,5m, chiều rộng 20,5m và hai tháp chuông cao 31,5m với những trụ đá to nặng bốn góc. Trên đỉnh là cây thánh giá bằng đá.

Bên ngoài Nhà thờ lớn là một quảng trường nhỏ. Đây là nơi đặt tượng đài Đức Mẹ bằng kim loại. Quanh nhà thờ được bài trí nhiều chậu cảnh xanh tươi làm tươi mới cảnh quan đô thị. Hàng rào cũng được thiết kế mang đậm nét kiến trúc tôn giáo với họa tiết hoa văn sinh động.

Bên trong Nhà thờ Lớn Hà Nội

Mùa Giáng sinh năm nay, việc tu sửa mặt tiền Nhà thờ Chính tòa Hà Nội và để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19 khiến thánh lễ Giáng sinh sẽ không được tổ chức tại sân trước nhà thờ như thông lệ. Ông Lê Đức Khoát, Chánh trương (người giúp việc cho linh mục) của Giáo xứ Chính tòa Hà Nội cho biết: "Việc tu sửa lớp vỏ của Nhà thờ Lớn Hà Nội đã diễn ra nhiều năm nhưng ít người để ý do trước đó chỉ tu sửa phần phía sau của nhà thờ. Màu sắc sau khi tu sửa cũng được khôi phục như cũ".

Ông Khoát cho biết thêm, qua khảo sát, lớp vữa cũ của nhà thờ đã hư hỏng đến mức báo động. Lớp gạch nung bên trong đã có hiện tượng bị mủn. Cào bóc lớp vữa cũ và thay bằng vữa mới là giải pháp để bảo tồn kết cấu gạch nung ở bên trong. “Sau khi trát xong lớp vữa mới, mặt tiền nhà thờ sẽ được sơn màu ghi xám, điểm thêm những vệt màu rêu xanh để trông giống như trước khi tu sửa”, ông Khoát nói.

Trước việc tu sửa Nhà thờ Lớn, công trình đã gắn bó với người Hà Nội hàng trăm năm qua, chắc hẳn sẽ có không ít người cảm thấy bỡ ngỡ và tiếc nuối đôi chút. Với du lịch, Nhà thờ Lớn đã trở thành điểm đến của du khách và cũng là hình ảnh tiêu biểu về phố cổ Hà Nội được in trên những cuốn sổ tay du lịch.

KHÔI NGUYÊN