Những 'thủ pháp' kiếm tiền của nhóm người ở Tịnh thất Bồng Lai
Với mô-típ lấy những em nhỏ có tài ca hát, diễn xuất và giới thiệu là trẻ em mồ côi, mặc áo như những tu sĩ Phật giáo, nhóm người ở Tịnh thất Bồng Lai đã lấy lòng tin, nhận tiền từ thiện của nhiều người trong và ngoài nước.
Từng được biết tới như nơi nuôi dưỡng những trẻ em mồ côi bất hạnh, tài năng ca hát diễn xuất khiến hàng ngàn người trầm trồ rơi nước mắt nhưng hiện nay một số người ở Tịnh thất Bồng Lai (đã đổi tên là Thiền am bên bờ vũ trụ) ở xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An đã bị khởi tố vì hành vi “lợi dụng tôn giáo trục lợi từ thiện”.
Thực tế, những ai theo dõi thông tin về nhóm người ở Tịnh thất Bồng Lai cũng lờ mờ nhận ra kết cục này khi liên tục bị dư luận tố giác các hành vi gian dối, lợi dụng lòng tin, tín ngưỡng để tạo danh tiếng, kiếm tiền của nhóm người ở đây.
Ngày 5/1, một lãnh đạo Công an tỉnh Long An cho biết, hiện nay cơ quan Công an mới quyết định khởi tố vụ án, đang tiếp tục điều tra, thu giữ các tài liệu chứng cứ để xử lý cá nhân vi phạm cũng như nhanh chóng thông tin tới đông đảo người dân. Vị lãnh đạo này cũng cho biết, do vụ án đang trong quá trình điều tra nên chưa thể tiết lộ cụ thể hành vi, số tiền trục lợi từ thiện cũng như thủ đoạn của nhóm người này.
Ngoài ra do vụ án cũng liên quan đến vấn đề tâm linh, tín ngưỡng nên cơ quan Công an rất cẩn trọng lấy lời khai các đối tượng liên quan. Những cá nhân cụ thể nào có dấu hiệu phạm tội trong vụ án này cũng chưa được tiết lộ.
Trước đây, bắt đầu từ năm 2014, cô bé 12 tuổi Lê Thanh Huyền Trân khi tham gia thi Giọng hát Việt nhí đã giới thiệu mình là trẻ mồ côi, đến từ Tịnh thất Bồng Lai. Với bộ đồ nâu sồng, đầu đội mũ len như những người tu hành đạo Phật, cô bé gây được sự chú ý đặc biệt của khán giả truyền hình khi biểu diễn một số ca khúc nhạc Trịnh.
Tới năm 2017, cũng tự nhận là trẻ mồ côi, hai người khác sinh sống ở Tịnh thất Bồng Lai là Hoàn Nguyên (khi đó 27 tuổi) và Nhất Nguyên (26 tuổi) khi tham gia game show Bolero Tuyệt đỉnh song ca cũng gây được sự chú ý của khán giả với trang phục giống các tu sĩ đạo Phật.
Tuy nhiên bắt đầu từ đây dư luận phản ánh hai người này không phải là tu sĩ. Đặc biệt là Tịnh thất Bồng Lai cũng không phải là cơ sở tôn giáo được cấp phép. Sau đó Ban Thông tin - Truyền thông Giáo hội Phật giáo Long An đã có văn bản gửi nhiều nơi để thông tin rằng Hoàn Nguyên và Nhất Nguyên mạo danh tu sĩ Phật giáo, cơ sở Tịnh thất Bồng Lai mạo danh chùa. Sau đó hai người này xin rút khỏi game show trên.
Hai năm sau, dư luận lại tiếp tục nhắc tới Tịnh thất Bồng Lai khi 5 đứa trẻ tuổi đời từ 4-6 tuổi lên sóng truyền hình tham gia game show “Thách thức danh hài” và nhận được món quà hàng trăm triệu đồng từ Trường Giang và Trấn Thành.
Cũng như 3 người trước, những đứa trẻ này cũng được tự giới thiệu là trẻ em mồ côi. Đáng chú ý tất cả những người ở Tịnh thất Bồng Lai đều giới thiệu được “thầy ông nội” Lê Tùng Vân (86 tuổi) nuôi dưỡng, cưu mang.
Song song với thời gian thi các game show truyền hình, nhóm người ở Tịnh thất Bồng Lai cũng lập các kênh YoTube, Fanfage để livestream, ghi hình và đưa nhiều thông tin trái chiều lên mạng xã hội.
Các video này thu hút hàng triệu lượt xem trong những năm qua cùng rất nhiều nguồn tiền từ thiện từ trong và ngoài nước gửi về để "ủng hộ trẻ mồ côi".
Tuy nhiên từ cách đây khoảng gần 3 năm, thông tin những người ở Tịnh thất Bồng Lai không phải là trẻ mồ côi, có cha mẹ sinh sống cùng bắt đầu được bàn tán xôn xao. Thậm chí còn có tình trạng cha mẹ cùng huyết thống sinh sông cùng các em bé ngay trong tịnh thất này.
Sau đó lực lượng chức năng tỉnh Long An đã nhiều lần mời đại diện tịnh thất làm việc, lấy mẫu ADN xét nghiệm và có kết luận nhiều em nhỏ không phải là trẻ mồ côi.
Thậm chí có cả người từng sinh sống trong Tịnh thất Bồng Lai đã tố cáo trên mạng xã hội về tình trạng cha mẹ cùng huyết thống con cái ở trong tịnh thất nhưng hiện những thông tin này chưa được kiểm chứng.
Trong khi đó, theo luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn Luật sư TP HCM), tội danh “lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo để trục lợi” có thể bị phạt tới 7 năm tù.
Cụ thể, luật sư này cho biết theo Điều 331 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm. Ngoài ra, với vụ án tại Tịnh thất Bồng Lai, nhóm người này còn có thể đối mặt với tội danh “lừa đảo chiếm đoạt tài sản" được quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Đây là tội danh mà hình phạt dành cho người vi phạm là phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm tùy theo số tiền chiếm đoạt.