Đình làng sông nước miền Tây
Kiến trúc ngôi đình Bình Thủy khác nhiều so với kiến trúc đình miền Bắc.
Đình được cất trên một nền cao ráo và có chiều sâu, nhà trước và nhà sau đều là hình vuông nên chiều nào cũng có 6 hàng cột, các chân cột đều choãi ra làm cho đình càng thêm vững chắc. Nhìn trên nóc đình, ta thấy nhà trước hai mái chồng lên nhau, nhà chánh điện sau 3 mái chồng lên nhau theo kiểu kiến trúc "thượng lầu hạ hiên". Trên nóc đình có gắn tượng thần tiên, hình kỳ lân, hình cá hóa rồng…
Đình Bình Thủy nay thuộc phường Bình Thủy, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ. Đình nằm sát với khu cư dân phía Bắc cách bờ sông Hậu khoảng 200m, phía Đông là bờ rạch Bình Thủy, còn phía Nam sát với trục đường giao thông chính. Đây là công trình rất đặc sắc, biểu thị sức sống mãnh liệt của cộng đồng làng xã cư dân Nam bộ, tinh thần tôn trọng, thờ phụng tổ tiên, người có công với nước… đồng thời cũng thể hiện trí tuệ, bàn tay khéo léo của người dân địa phương.
Kiến trúc nghệ thuật đình Bình Thủy mang nhiều lớp niên đại khác nhau. Qua lời truyền khẩu của các bô lão trong làng, khi bão lụt diễn ra liên miên tại làng Long Tuyền, làng đã lập một ngôi đình bằng gỗ, lợp lá tại vàm Bình Hưng vào năm GiápThìn (1844), lúc đầu thờ Thành hoàng làng nguyện thần linh làm ăn yên ổn.
Năm Tự Đức thứ 5 (1852), quan khâm sai đại thần Huỳnh Mẫn Đạt trên đường tuần du qua sông Hậu, bất ngờ gặp phải một trận cuồng phong, ông cho thuyền nấp vào cù lao, ngã ba của một dòng kênh đổ và sông Hậu nơi vàm rạch Bình Hưng (nay là Cồn Linh tại Vàm rạch Bình Thủy), nhờ đó mà thuyền được bình an. Ông lên bờ tham quan tìm hiểu dân tình địa phương và cho đổi lại tên rạch và tên đất này là "Bình Thủy". Khi trở về, ông dâng sớ lên vua Tự Đức, xin ban sắc phong “Bổn Cành Thành Hoàng” cho thần Thành hoàng làng Bình Thủy vào ngày 29 tháng 11 năm Nhâm Tý (1852). Từ đó, làng có tên mới là Bình Thủy, và ngôi đình cũng được người dân gọi là đình Bình Thủy.
Sau khi nhận được sắc phong của nhà vua, dân địa phương đã cùng nhau sửa sang lại đình (1853). Lần này lợp ngói phía trước đình để xây thêm một nhà võ ca (thường dùng để làm Nhà hát bộ, trong đó có một sân khấu nhỏ, thấp, bằng gỗ để cho các đoàn hát đến biểu diễn cho bà con thưởng ngoạn).
Ngôi đình hiện tại được xây dựng lại từ năm 1909. Đây là một trong những ngôi đình lâu đời của Nam Bộ, còn giữ được khá nguyên vẹn ở tỉnh Cần Thơ. Đình Bình Thủy là một công trình kiến trúc nghệ thuật có giá trị của dân tộc Việt Nam, nơi sinh hoạt tinh thần của đông đảo quần chúng nhân dân vào những ngày lễ hội truyền thống.
Đình Bình Thủy thuộc loại di tích kiến trúc tôn giáo và công trình nghệ thuật độc đáo. Đình được xây dựng trên khoảnh đất rộng hơn 4.000 m² theo hình chữ Nhất. Kiến trúc ngôi đình này khác rất nhiều so với kiến trúc ở miền Bắc. Đình được cất trên một nền cao ráo và có chiều sâu, nhà trước và nhà sau đều có 6 hàng cột, trong đó bố cục với 5 gian điện thờ và 2 dãy hành lang nội bộ hai bên.
Tòa tiền điện là gian thờ các vị anh hùng có công làm rạng rỡ quê hương đất nước như Trần Hưng Đạo, Phân Bội Châu, Bùi Hữu Nghĩa, Nguyễn Trung Trực, Đinh Công Chánh, ngoài ra còn có bàn thờ ngũ vị Nương Nương và các bàn nghi. Bên phải tiền điện và nơi tiếp khách và hội họp của các chức sắc trong đình.
Chính điện là nơi thờ Bổn Cảnh Thành Hoàng, đặt chính giữa bức chân dung của vị thần nhân đức có phong thái trầm tư như đang lo nghĩ về nhân tình, thế sự. Vị thần đứng sau là Đinh Công Chánh, người đã có công đóng góp công sức cho địa phương nên được dân phong làm Hậu thần. Dọc hai bên chính điện, phái trái là bàn thờ Hương Chức Tiên Giác, bàn thờ Hậu Hiền. Bên phải đối diện là bàn thờ Chức Sắc Tiên Giác và bàn thờ Tiền hiền. Gian hậu điện có bàn thờ Hậu Thần ở giữa, hai bên là hai bàn thờ Hữu Ban và Tả Ban. Bên ngoài đình có hai miếu lớn thờ thần Nông và thần Hổ, gần cổng có hai miếu thờ thần Rừng và thần Khai kênh dẫn nước.
Cùng với những sinh hoạt văn hóa khác, đình Bình Thủy đã tạo nên một bản sắc riêng của ngôi đình làng ở một vùng đất mới khai phá năm xưa. Nay đình Bình Thủy vẫn được giữ gìn, trùng tu và bảo vệ.
Hàng năm nhân dân địa phương tổ chức hai ngày lễ lớn long trọng: lễ Thượng điền ở đình Bình Thủy được xem là lễ hội lớn nhất ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Lễ thờ Bổn Cảnh Thành Hoàng (hay còn gọi là Thành hoàng làng là thổ thần canh giữ đất) mang đậm tính chất nền văn minh lúa nước cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hò. Lễ hội diễn ra trong ba này 12, 13 và 14 tháng 4 âm lịch.
Với những giá trị văn hóa đặc sắc còn được bảo lưu, ngày 5 tháng 9 năm 1989, đình Bình Thủy đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia. Năm 2001, đình được Bộ Văn hóa - Thông tin đầu tư trùng tu tôn tạo tổng thế. Từ đó đến nay, hàng năm nhân dân và chính quyền địa phương luôn quan tâm gìn giữ và phát huy đình làng Bình Thủy – một di sản văn hóa có ý nghĩa đặc biệt trong đời sống tinh thần của nhân dân miền sông nước Việt Nam.