2022 - Năm phục hồi kinh tế

Thúy Hằng 06/01/2022 07:05

Năm 2022, dù còn nhiều khó khăn nhưng theo giới chuyên gia, chỉ tiêu kinh tế tăng trưởng 6 -6,5% là khả thi, bởi nhiều đơn hàng xuất khẩu đã trở lại, vấn đề đứt gãy chuỗi cung ứng, lao động đã dần được khắc phục, doanh nghiệp chuyển đổi số mạnh hơn. Nhất là Chương trình phục hồi kinh tế với những hỗ trợ lớn của Chính phủ sẽ được triển khai.

Nhiều doanh nghiệp đang phục hồi mạnh mẽ. Ảnh: Quang Vinh.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, đã có tới 75,1% doanh nghiệp (DN) đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh quý IV/2021 tốt lên. Dự báo quý I/2022, tình hình tiếp tục khả quan hơn khi có tới 81,7% DN nhận định tình hình sản xuất kinh doanh của DN tốt hơn và giữ ổn định (45,6% tốt hơn, 36,1% giữ ổn định), tỷ lệ DN dự báo khó khăn hơn giảm xuống chỉ còn 18,3%.

Tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng

Chiến lược phòng, chống dịch được chuyển từ trạng thái “Zero Covid” sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” đã có tác động tích cực đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Một số DN trong các ngành xuất khẩu chủ lực như dệt may, nông sản đã có hợp đồng mới. Cùng với đó, một số DN trong lĩnh vực công nghiệp cũng đã tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng.

Hiện nay nhiều DN “mạnh tay” đầu tư cho chuyển đổi số, đầu tư nghiên cứu và phát triển sản phẩm, tăng khả năng liên kết với các đối tác nước ngoài. Một số công ty đã đầu tư đồng bộ nhà máy và dây chuyền công nghệ cao, với kỳ vọng sẽ kết nối được nhiều đối tác trong và ngoài nước.

Chẳng hạn như Tổng công ty Cơ khí và công nghiệp hỗ trợ (thuộc Tập đoàn THACO) đã đầu tư và nâng cấp các nhà máy với hệ thống dây chuyền công nghệ hiện đại, đồng bộ, được chuyển giao từ Đức, Thụy Sĩ, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Đại diện lãnh đạo THACO Industries cho hay, công ty hiện là đối tác cung ứng sản phẩm cho các DN như: Doosan Vina, GE, Makitech, Agata, Three Star, OGS, PTSC…

Ngoài ra, THACO Industries còn liên kết với các đối tác để phát triển sản xuất kinh doanh, gia công theo chuỗi giá trị; hỗ trợ, tạo điều kiện để các DN tham gia vào chuỗi sản xuất của công ty, hướng tới hình thành hệ sinh thái phát triển bền vững.

Theo các chuyên gia và DN, các FTA chính là cơ hội để DN ngành Công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam kết nối và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Hiện nhiều DN Việt Nam đã cung ứng sản phẩm cho các tập đoàn có vốn đầu tư nước ngoài lớn, nên hoàn toàn đủ điều kiện để xuất khẩu tới các đối tác quốc tế.

Giới chuyên gia nhận định, có nhiều bằng chứng cho thấy sức phục hồi cực kỳ mạnh mẽ của nền kinh tế. Cộng đồng DN đã nỗ lực đảo ngược hoàn toàn tình thế: Từ tăng trưởng âm đến hơn 6,02% - mức âm nằm ngoài dự báo trong quý III/2021 đến tăng trưởng lên tới 5,22% vào quý IV/2021.

Trong năm 2022, tăng trưởng được kỳ vọng như thế nào? Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, theo kịch bản của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nếu chương trình hỗ trợ phục hồi kinh tế được thực hiện và triển khai nhanh thì Việt Nam có thể đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 6%-6,5% trong năm 2022 và đạt được mức tăng cao hơn trong năm 2023. Về động lực tăng trưởng kinh tế trong năm 2022, công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ vẫn là 3 trọng tâm kích hoạt tăng trưởng.

Đặc biệt, lưu ý cốt lõi của vấn đề là tập trung đẩy mạnh vào sản xuất gia tăng giá trị, cộng đồng DN cần được hỗ trợ một cách tối đa ở các khía cạnh: cơ chế chính sách, thủ tục hành chính và nguồn lực, nhất là vốn với việc thực thi các gói tín dụng lãi suất thấp cùng với kéo dài thêm các giải pháp giãn, hoãn và điều chỉnh nợ đồng thời mở rộng thêm thị trường cho DN.

Thông điệp của năm 2022 sẽ gói gọn trong hai chữ “niềm tin” - tin tưởng ở sự phục hồi, tin tưởng ở sự thích ứng linh hoạt, an toàn với dịch bệnh, tin tưởng Việt Nam sẽ tiếp tục vượt khó khăn.

“Niềm tin này có cơ sở khi nền kinh tế vĩ mô khá ổn định, thu ngân sách vẫn đạt và vượt mục tiêu đề ra, xuất nhập khẩu cao, thu hút đầu tư vẫn hấp dẫn.

Thêm vào đó, chúng ta có quyết tâm của toàn bộ hệ thống chính trị, các gói giải pháp phục hồi và sự sẵn sàng hoạt động của các thành phần kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp” - ông Phương khẳng định.

Năm 2022 được cho là năm kinh tế phục hồi mạnh mẽ . Ảnh: Quang Vinh

Nhiệm vụ nặng nề hơn

Phân tích về những chiến lược mạnh mẽ của Chính phủ, Thứ trưởng Trần Quốc Phương khẳng định, Nghị quyết 128 đã làm xoay chuyển cả cục diện, cả trong công tác chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội. Trên thực tế, Nghị quyết 128 đã đáp ứng được sự mong mỏi của nhân dân khi họ phải trải qua quãng thời gian rất dài giãn cách xã hội do đợt dịch lần thứ tư bùng phát.

Về kinh tế, Nghị quyết 128 có ý nghĩa then chốt trong việc đảo chiều kết quả kinh tế của năm 2021. Trên cơ sở những gì đã đạt được trong năm 2021 hoàn toàn có thể kỳ vọng năng lực nội tại của nền kinh tế vẫn còn duy trì được để quay lại quỹ đạo phát triển nhanh và bền vững trong năm 2022.

Môi trường kinh tế vĩ mô được kỳ vọng sẽ tốt hơn từ những chuyển dịch sau đại dịch thông qua các cải cách cơ cấu trên phạm vi rộng, cũng như sự hỗ trợ từ chính sách nới lỏng tài khóa và tiền tệ. Độ phủ rộng rãi của vaccine cùng với sự gia tăng mức độ thích ứng với chiến lược sống chung với Covid-19 sẽ giúp nền kinh tế phục hồi trên diện rộng trong năm 2022.

Tất nhiên, trong năm 2022, việc triển khai các chỉ tiêu kinh tế sẽ nặng nề hơn. Nhiều nhiệm vụ đẩy nhanh tiến độ: quy hoạch vùng miền, quy hoạch các địa phương; triển khai các dự án lớn về đầu tư công, coi giải phóng mặt bằng là đột phá trong giải ngân đầu tư công…

Giới chuyên gia cũng phân tích rằng quá trình mở cửa trở lại của nền kinh tế sẽ được đẩy nhanh kể từ quý đầu tiên của năm 2022.

Theo đó, ngành dịch vụ sẽ phục hồi và có tốc độ tăng trưởng cao hơn kể từ năm 2022 với động lực chính là sự phục hồi của cầu tiêu dùng nội địa. Cùng với đó, hoạt động xuất khẩu sẽ duy trì đà tăng tích cực nhờ nhu cầu toàn cầu phục hồi.

Theo WTO, khối lượng thương mại toàn cầu dự kiến sẽ tăng trưởng 4,7% vào năm 2022, cao hơn so với mức dự báo 4% trong báo cáo trước đó và có thể quay trở lại mức trước đại dịch vào cuối năm 2022.

Các FTA như CPTPP có hiệu lực từ đầu năm 2022 cùng với mức thuế suất tiếp tục được cắt giảm theo EVFTA sẽ thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam. Dự báo kim ngạch xuất khẩu sẽ tăng 12,5% vào năm 2022, tiếp tục là động lực tăng trưởng chính cho nền kinh tế.

Ông Jacquet Morisset - Kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) khẳng định Việt Nam vẫn đang có những thế mạnh và tiềm năng, thậm chí đại dịch đã tạo ra “sức ép” để Việt Nam đẩy nhanh tiến trình cải cách. Đại dịch đã giúp đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số kinh tế và đó là dấu hiệu tốt cho nền kinh tế.

Đại dịch Covid-19 cũng cho thấy yêu cầu của việc phải đa dạng hóa chuỗi cung ứng và Việt Nam là một trong những ứng cử viên sáng giá cho việc đa dạng hóa. Có một số DN lớn đã chuyển tới Việt Nam với mục tiêu đa dạng hóa chuỗi cung ứng của mình nhằm bảo đảm hoạt động xuất khẩu cho nhiều quốc gia khác.

Nói về mục tiêu tăng trưởng GDP với con số 6-6,5%, chuyên gia của WB cho rằng, nhiệm vụ này hoàn toàn khả thi. Việt Nam sẽ quay lại quỹ đạo tăng trưởng của thời kỳ trước đại dịch, nhưng đó là với điều kiện Việt Nam và cả thế giới sẽ không phải trải qua một cuộc khủng hoảng vì đại dịch Covid-19 nào nữa.

“Tôi rất lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam, tất nhiên với hai điều kiện: Một là Chính phủ triển khai tốt hơn chính sách tài khóa và hai là nền kinh tế không bị đóng cửa trở lại vì đại dịch Covid -19” - ông Jacquet Morisset nói.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương: Kiên trì giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô

Cần chủ động tận dụng mọi cơ hội, khai thác mọi tiềm năng, thực hiện thành công mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, kiên trì giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát giá cả, thị trường, bảo đảm cung ứng hàng hóa và các cân đối lớn của nền kinh tế; thực hiện chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ cần linh hoạt vừa đảm bảo kiềm chế lạm phát, vừa đảm bảo thúc đẩy tăng trưởng; nâng cao tính tự chủ, khả năng chống chịu, thích ứng của nền kinh tế.

Ngoài ra, tiếp tục triển khai hiệu quả cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ người dân, người lao động, doanh nghiệp chống chịu, vượt qua khó khăn, ổn định và phục hồi sản xuất. Đặc biệt, hỗ trợ cho người lao động bị mất việc làm, mất thu nhập cần được triển khai hiệu quả với phương châm: “không để ai bị bỏ lại”, từ đó tạo tâm lý yên tâm, không di dời khỏi nơi làm việc về quê hương, dẫn tới xáo trộn, thiếu hụt nguồn lực lao động.

Đặc biệt, phát triển mạnh thị trường nội địa, thúc đẩy xuất khẩu bền vững, bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu, nguyên, nhiên, vật liệu phục vụ cho sản xuất, không để đứt gãy chuỗi cung ứng. Tháo gỡ rào cản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu nông, lâm, thủy sản. Cơ cấu lại, phục hồi và phát triển một số ngành, lĩnh vực quan trọng và doanh nghiệp đang bị tác động trực tiếp bởi dịch Covid-19 như: thương mại, dịch vụ, logistics, vận tải, hàng không, du lịch...

TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam: Doanh nghiệp cần chủ động tái cơ cấu

Chúng ta có một Chính phủ thức thời, kiên định, luôn đồng hành hỗ trợ DN. Bên cạnh đó, chúng ta có một đội ngũ DN kiên cường, linh hoạt, thích ứng tốt trong nhiều hoàn cảnh. Tuy nhiên, để cộng đồng DN phát triển bền vững, theo tôi, chúng ta phải linh hoạt trong chủ trương.

Nếu như chúng ta chuyển đổi sang sống chung với Covid thì năm 2022 và sau này, cần thay đổi chiến lược: Không bị động, chấp nhận hoàn cảnh làm chủ tình hình, mở ra một trạng thái đúng nghĩa là “bình thường mới”. Việc thay đổi chiến lược theo chiều hướng đó sẽ giúp chúng ta đạt được các mục tiêu đề ra.

Tuy nhiên, hiện trình độ quản trị của DN Việt còn thấp, năng suất lao động thấp - cần phải tập trung cải cách. Muốn tái cấu trúc nền kinh tế thì bản thân DN phải cấu trúc lại. DN linh hoạt nhưng phải vươn tới chuẩn mực quốc tế. Qua quan sát cho thấy DN nào theo hướng phát triển bền vững, quan tâm đến trách nhiệm xã hội, chăm lo người lao động, chăm lo văn hóa kinh doanh, quan tâm tới tăng trưởng xanh, chuyển đổi số thì khả năng chống chịu và phát triển tốt hơn, bởi vậy phải tái cấu trúc DN theo hướng này.

T.Hằng (ghi)

Thúy Hằng