Thị trường nội địa vẫn là đầu ra tốt cho nông sản
Thị trường trong nước bước vào mùa mua sắm cuối năm, nhu cầu lương thực thực phẩm được dự báo sẽ tăng từ 10 - 15%. Cùng với đó, sự vào cuộc đồng hành tiêu thụ sản phẩm của các doanh nghiệp bán lẻ đã mở ra những tín hiệu khách quan cho nông sản.
Nhiều tín hiệu khả quan
Là doanh nghiệp bán lẻ quy mô, ông Nguyễn Thái Dũng - Tổng giám đốc Công ty TNHH bán lẻ BRG (BRG Retail) cho biết đơn vị sẽ triển khai bán hàng không lợi nhuận cho nông sản Việt Nam gặp khó trong xuất khẩu như trái cây, hải sản trên hệ thống siêu thị BRG Mart.
“Thị trường nội địa đang vào giai đoạn tiêu thụ cuối năm, nhu cầu cũng tăng nên chúng tôi muốn hợp tác với bà con nông dân và doanh nghiệp để tiêu thụ. Với chất lượng, hình thức sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu cùng với mức giá bán phi lợi nhuận của BRG Retail, chắc chắn người tiêu dùng sẽ đón nhận”, ông Dũng nhận định.
Ông Phạm Văn Duy - Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ NN&PTNT, dự báo nhu cầu sản phẩm nông nghiệp trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 sẽ tăng so với năm trước.
Cụ thể: Lúa gạo 43,86 triệu tấn (tăng 2%), thịt các loại 6,2 triệu tấn (tăng 14,8%), trứng 16 tỷ quả (tăng 10%), thủy sản 8,73 triệu tấn (tăng 1%), rau 1,8 triệu tấn (tăng 1,7%)...Các địa phương, thị trường trong nước có dư địa rất lớn trong dịp Tết Nguyên đán, tạo nhiều cơ hội cho các đơn vị có thể quảng bá, tiêu thụ sản phẩm với giá thành tốt nhất…
Đẩy mạnh kết nối thị trường
Tại Diễn đàn kết nối nông sản tiêu thụ tại thị trường nội địa mới đây, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam khẳng định, tiềm năng của thị trường nội địa rất lớn. Chúng ta cần tích cực thay đổi tư duy, Chính phủ cũng đã có chủ trương đa thị trường, đa lợi ích.
“Có nhiều tin nhắn nói rằng thị trường Trung Quốc có giá tốt hơn. Tuy nhiên, từ tình trạng ùn tắc tại cửa khẩu hiện tại, các doanh nghiệp cần tích cực thay đổi tư duy, quan tâm hơn đến vấn đề tiêu thụ nội địa vì sắp bước vào kỳ nghỉ Tết kéo dài” - ông Nam nhấn mạnh.
Đưa ra nhận định về việc xuất khẩu nông sản trong thời gian tới đây, bà Đinh Thị Thu, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Lạng Sơn, cảnh báo việc xuất khẩu nông sản còn gặp nhiều khó khăn hơn trong thời gian tới, do Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu hàng container lạnh trong 28 ngày của dịp Tết Nhâm Dần, 14 ngày trước và 14 ngày sau Tết.
“Các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng cần có phương án đẩy mạnh chế biến, tiêu thụ nội địa”, bà Thu đề nghị.
Hiện nay dù chưa có thống kê chính xác nhưng theo phản ánh từ nhiều địa phương cho thấy, vẫn còn hàng trăm nghìn tấn nông sản ùn ứ chưa tiêu thụ được.
Tại Bình Thuận, ông Phan Văn Tuấn - Phó giám đốc Sở NN&PTNT Bình Thuận cho biết, chưa kể 400 - 500 xe thanh long bị ùn ứ cả tháng nay chưa tiêu thụ được.
Từ nay đến tháng 2/2022, Bình Thuận dự kiến sẽ thu hoạch khoảng 120.000 tấn thanh long. Trong khi đó, chỉ có 111 cơ sở thu mua, trữ lượng tổng kho lạnh là 16.000 tấn. Tương tự tại Long An có khoảng 10.000ha thanh long với hơn 20.000 tấn. Trong khi đó, địa phương chỉ có khoảng 100 kho đông lạnh với công suất khoảng 5.400 tấn, nhưng lượng hàng tồn gần 3.000 tấn, chỉ còn sức chứa 2.400 tấn.
Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), trong 3 tháng đầu năm 2022 có khoảng 300 nghìn tấn thanh long cần kết nối tiêu thụ tại các tỉnh Long An, Bình Thuận, Tiền Giang… trong bối cảnh xuất khẩu sang Trung Quốc gặp khó. Chính vì vậy, ngày 6/1, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục tổ chức diễn đàn kết nối tiêu thụ dành riêng cho mặt hàng này.
Nhiều ý kiến cho rằng, có thể do thói quen kinh doanh nên đa số nông sản phía Nam thường hướng đến xuất khẩu, chưa quan tâm đến thị trường nội địa. Do đó, chúng ta cần có công tác định hướng phù hợp để cân đối thị trường xuất khẩu và nội địa nhằm tránh được rủi ro trong xuất khẩu. Khi song hành trong thị trường xuất khẩu và nội địa, chúng ta sẽ phát triển ổn định và bền vững.
Đại diện Bộ NN&PTNT cũng cho rằng, các tỉnh, thành phố cần tạo cơ hội cho doanh nghiệp, hợp tác xã quảng bá, tiêu thụ sản phẩm với giá thành tốt nhất… từ đó, đẩy mạnh tiêu thụ. Các địa phương cũng nên có phương án chủ động kết nối, thông tin rộng rãi để việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đạt kết quả cao nhất.
Ông Trần Quốc Toản - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương: Các địa phương có vùng trồng phải chủ động xây dựng chương trình xúc tiến thương mại, ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động tiêu thụ nội địa, góp phần giảm hàng hóa đưa lên cửa khẩu. Thực tế tiêu thụ nông sản trong đợt dịch vừa qua cho thấy, với những địa phương như Bắc Giang, Bắc Ninh, Sơn La, dù thu hoạch đúng vào mùa dịch nhưng nếu đã xây dựng kịch bản chương trình ngay từ đầu mùa vụ, việc tiêu thụ hết nông sản không khó. Thị trường nội địa tiêu thụ rất tốt.